Kênh tin tức tài chính kinh doanh CNBC dẫn số liệu của Hải quan Trung Quốc công bố mới đây cho biết, trong tháng 7/2024 nhập khẩu của Trung Quốc tăng cao hơn trong khi tăng trưởng xuất khẩu thấp hơn dự báo.
Cụ thể, xuất khẩu tính theo USD của Trung Quốc trong tháng 7/2024 tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn kỳ vọng là tăng 9,7%. Con số của tháng 7/2024 cũng thấp hơn mức tăng trưởng 8,6% của tháng 6/2024.
Ngược lại, lượng hàng nhập khẩu tính bằng USD của nước này trong tháng 7/2024 tăng 7,2%, cao hơn nhiều so với dự báo trước đó là tăng 3,5%.
Theo tính toán của CNBC, trong tháng 7/2024, lượng hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ Hoa Kỳ tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái; lượng hàng nhập khẩu từ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tăng 11%, trong khi lượng hàng nhập khẩu từ Liên minh châu Âu tăng 7%.
Tuy nhiên, nếu tính từ đầu năm đến nay, lượng hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ Hoa Kỳ duy trì xu hướng giảm, với mức giảm 1,4% so cùng kỳ trước.
Ở chiều ngược lại, tháng 7/2024 kim ngạch xuất khẩu tính bằng USD của Trung Quốc sang Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đều tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi kim ngạch xuất khẩu sang khu vực thị trường ASEAN tăng vọt 12%, khiến khu vực này trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga giảm 3% tính theo USD trong khi nhập khẩu từ thị trường này tăng 5%.
Về các mặt hàng, xuất khẩu ô tô của Trung Quốc trong tháng 7/2024 tăng 26% so với cùng kỳ năm trước lên 553.000 xe; xuất khẩu đồ gia dụng tăng 17%; xuất khẩu điện thoại thông minh cũng tăng. Riêng xuất khẩu đất hiếm giảm 19%.
Trong khi đó, lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc tăng 8%, lượng khí đốt tự nhiên tăng 6%.
Tính theo đồng NDT, xuất khẩu của Trung Quốc đã chậm lại từ tháng 6/2024 xuống mức tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 7/2024. Nhập khẩu tính bằng đồng NDT tăng 6,6% trong tháng 7, tăng so với mức giảm 0,6% vào tháng 6.
Trước đó, trong tháng 6/2024, nhập khẩu của Trung Quốc bất ngờ giảm do nhu cầu trong nước vẫn yếu. Trong bối cảnh bất động sản trì trệ và chi tiêu tiêu dùng ảm đạm, xuất khẩu vẫn là một trong những điểm sáng của nền kinh tế Trung Quốc.
Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5% trong nửa đầu năm nay nhưng tháng 6 lại chứng kiến mức tăng trưởng doanh số bán lẻ chậm lại còn 2%, làm dấy lên nghi ngờ về khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm.
Khi được hỏi về các kế hoạch kích thích kinh tế trong nửa cuối năm, các quan chức Trung Quốc đã khẳng định các biện pháp hiện có và nhấn mạnh các mục tiêu dài hạn nhằm phát triển công nghệ tiên tiến và các “động lực tăng trưởng mới” khác.
"Nền kinh tế đang phải đối mặt với những thách thức không chỉ từ môi trường bên ngoài mà còn từ quá trình chuyển đổi cơ cấu, thúc đẩy phát triển chất lượng cao", một quan chức của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, cơ quan hoạch định kinh tế của Trung Quốc lưu ý.