Hãng phân tích thị trường S&P Global Platts (Anh) cho biết nhu cầu sử dụng thép của Trung Quốc có thể sẽ tăng lên trong năm sau trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc tuyên bố ổn định tăng trưởng kinh tế là mục tiêu chủ chốt của nước này trong năm 2022 và nước này tiếp tục giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cũng như lãi suất cho vay đối với một số nhóm đối tượng nhằm nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa.
Giới quan sát nhận định cung – cầu thép tại Trung Quốc sẽ đều được cải thiện trong năm sau với các chính sách kích thích kinh tế, đặc biệt là nhu cầu sử dụng thép của lĩnh vực bất động sản và lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ trở nên tích cực hơn.
Trong đó, Chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh sẽ giữ lĩnh vực bất động sản của nước này tăng trưởng lành mạnh và tăng cường hỗ trợ để giữ giá nhà ở tại mức hợp lý trong năm 2022. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ cũng sẽ giúp thúc đẩy phát triển các dự án cơ sở hạ tầng vốn bị đình trệ trong năm nay. Lĩnh vực bất động sản và xây dựng cơ sở hạ tầng hiện chiếm hơn 70% tổng nhu cầu tiêu thụ thép hàng năm của Trung Quốc.
Hãng S&P Global Platts dẫn lời các chuyên gia phân tích cho biết nhằm tránh việc giá thép tăng cao sẽ gây áp lực lạm phát lớn lên nền kinh tế cũng như đảm bảo mục tiêu việc làm, Chính phủ Trung Quốc nhiều khả năng sẽ ngưng áp dụng hoặc nới lỏng các biện pháp kiểm soát ngành thép nước này, bao gồm việc giới hạn xuất khẩu thép và sản phẩm từ thép như hiện nay. Thậm chí, tình trạng dư cung thép trên thị trường nội địa Trung Quốc có thể quay trở lại trong năm sau.
Một số hãng sản xuất thép và các thương nhân kinh doanh thép tại Trung Quốc hiện dự báo sản lượng thép của nước này trong nửa đầu năm 2022 sẽ phục hồi trở lại, tương đương mức nửa cuối năm 2021. Hiện tại hoạt động sản xuất thép của Trung Quốc đang ở mức yếu do chính phủ nước này áp đặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn ô nhiễm không khí và nhu cầu sử dụng thép từ lĩnh vực bất động sản – xây dựng ở mức thấp.
Mặc dù sản lượng thép tăng lên nhưng hãng S&P Global Platts nhận định biên lợi nhuận của các hãng sản xuất thép tại Trung Quốc sẽ vẫn ở mức tích cực do chi phí nguyên vật liệu đầu vào giảm. Bên cạnh đó, nhu cầu trên thị trường được cải thiện sẽ khuyến khích các hãng kinh doanh thương mại thép đẩy mạnh tích trữ hàng tồn kho hơn.
Hãng tin Reuters cho biết giá quặng sắt giao ngay tại khu vực phía Bắc Trung Quốc đã phục hồi mạnh lên mức 108,60 USD/tấn đối với loại quặng sắt chứa 62% hàm lượng sắt. Mức giá này tăng gần 25% chỉ trong vòng 3 tuần vừa qua trong bối cảnh thị trường kỳ vọng nhu cầu sử dụng thép tại nước này sẽ được cải thiện trong thời gian tới.
Dữ liệu của Chính phủ Trung Quốc cho thấy nước này đã nhập khẩu tới 104,96 triệu tấn quặng sất trong tháng 11/2021, tăng 14,6% so với hồi tháng 10 trước đó và chạm mức cao nhất kể từ hồi tháng 7/2020 – thời điểm nước này bắt đầu thúc đẩy phục hồi kinh tế.