Theo cơ quan thống kê Trung Quốc, GDP quý 4/2020 của nước này đã tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung cả năm 2020, mức tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đạt 2,3%. Mặc dù đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 44 năm trở lại đây những đây là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới ghi nhận mức tăng trưởng dương.
Theo ông Andrew Tilton, tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ bị thách thức bởi 2 rủi ro, gồm sự thu hẹp một số gói kích thích tài chính và sự bùng phát trở lại của dịch bệnh. Cụ thể, đà phục hồi kinh tế mạnh của Trung Quốc trong giai đoạn vừa qua đang khiến giới hoạch định chính sách nước này “thoải mái”.
Ông Andrew Tilton cho biết mức tăng trưởng tín dụng tại Trung Quốc đã chậm lại, thâm hụt tài khoá gia tăng, đồng thời thanh khoản trên thị trường bị thắt chặt để ngăn chặn tình trạng đầu cơ quá mức. Các nhà hoạch định chính sách tại Trung Quốc cũng bắt đầu thu hẹp dần các gói kích thích tài chính.
Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 đã tái bùng phát trở lại tại một số địa phương của Trung Quốc buộc những nơi này phải áp dụng các biện pháp phong toả, phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt. Điều này có thể cản trở sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc trong thời gian tới.
Ông Andrew Tilton nhận định “Về cơ bản, phần lớn mọi hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc đã được bình thường hoá do đó nếu không nhanh chóng kiểm soát được các ổ dịch mới thì nền kinh tế nước này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2021 đạt mức 7,9%, trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra con số dự báo là 8,2%. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nhu cầu trong nước của Trung Quốc trong năm 2021 sẽ có không gian để tăng trưởng, khi người tiêu dùng nước này hướng tới việc chi tiêu vượt số tiết kiệm tích lũy được trong năm 2020 và khi niềm tin vào khả năng kiềm chế dịch Covid-19 được củng cố.
Theo số liệu được công bố Chính phủ Trung Quốc, thị trường lao động nước này đã ghi nhận 11,86 triệu việc làm mới được tạo ra trong khu vực kinh tế thành thị năm 2020. Các nhà hoạch định chính sách nước này cũng ưu tiên cải cách kinh tế từ phía cầu, mục tiêu tối ưu hóa hệ thống phân phối thu nhập, mạng lưới an sinh xã hội, để củng cố sức mạnh thị trường lao động trong nước, qua đó nâng cao sức mạnh và tiềm năng chi tiêu tiêu dùng của các hộ gia đình trên cả nước.