Nền kinh tế Trung Quốc đang bật tăng mạnh trở lại sau thời gian dài trì trệ vì các biện pháp phong toả phòng chống đại dịch Covid-19, tuy nhiên những nền kinh tế lớn khác khó có thể đạt được đà phục hồi mạnh như Trung Quốc, theo nhận định của ông Richard Martin, giám đốc điều hành hãng đánh giá thị trường IMA Asia.
Ông Richard Martin cho biết “Chỉ số nhà quản trị mua hàng của Trung Quốc đang phục hồi theo mồ hình chữ V với việc suy giảm mạnh vào tháng 2/2020 (thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Trung Quốc), sau đó tăng dần trở lại trong tháng 3/2020, đà phục hồi mạnh này được duy trì trong tháng 4/2020 và đạt trên 50 điểm trong tháng 5/2020”.
Nhận định của ông Richard Martin được đưa ra sau khi các dữ liệu mới cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 5 vừa qua đã được phục hồi và đang có dấu hiệu mở rộng. Cụ thể, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) Caixin/Markit khối sản xuất trong tháng 5/2020 của Trung Quốc đã đạt 50,7 điểm; tăng so với mức 49,4 điểm của tháng 4/2020. Trong khi đó, chỉ số PMI chính thức của Chính phủ Trung Quốc công bố đạt 50,6 điểm; thấp hơn mức 50,8 điểm của tháng 4/2020. Chỉ số PMI khối sản xuất là chỉ số kinh tế tổng hợp phản ánh hoạt động kinh doanh của khối sản xuất; chỉ số đạt trên 50 điểm cho thấy khối sản xuất đã được mở rộng và ngược lại.
Theo ông Richard Martin một số nước khác tại khu vực Châu Á như Việt Nam và Đài Loan cũng có thể sẽ ghi nhận sự phục hồi kinh tế mạnh như Trung Quốc. Đối với khu vực Châu Âu và Hoa Kỳ, ông Richard Martin cảnh báo các khu vực này sẽ chứng kiến sự sụt giảm kinh tế trong vòng 2 đến 3 tháng tới đây trước khi phục hồi trở lại trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn chưa được khống chế hiệu quả tại những khu vực này.
Các thị trường chứng khoán trên toàn cầu đã biến động ngược chiều với các dữ liệu kinh tế ảm đạm được công bố trong những tuần gần đây. Ba chỉ số chứng khoán chính của nền kinh tế Hoa Kỳ là chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite đều đã bật tăng hơn 4% trong tháng 5 vừa qua. Tại khu vực Châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã tăng mạnh hơn 8%; đồng thời chỉ số chứng khoán Châu Âu Stoxx 600 cũng tăng hơn 3% trong tháng 5/2020.
Ông Richard Martin cảnh báo đây không phải là những dữ liệu cho thấy thị trường đang phục hồi mạnh mẽ trở lại và cho rằng cần chú ý đến dữ liệu thất nghiệp tại các nền kinh tế trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp có thể đạt mức hai chữ số tại Hoa Kỳ, Châu Âu và các nền kinh tế phát triển như Australia vào cuối năm nay.
Hiện tại, nền kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn “chuyển tiếp” sang một thời kỳ “bình thường mới” trong bối cảnh các nước có thể duy trì các biện pháp phỏng toả trở lại sau khi nới lỏng thời gian gần đây khi các rủi ro về nguy cơ bùng phát đại dịch Covid-19 lần hai tăng cao. Ông Richard Martin cũng cảnh báo nhiều nền kinh tế thế giới sẽ đối mặt với nguy cơ giảm phát với việc nhu cầu về hàng hoá ở mức thấp và tái cấu trúc diện rộng diễn ra tại một số ngành công nghiệp chủ chốt.
Trong khi đó, các tập đoàn đa quốc gia lớn có thể tiến hành tái cấu trúc hoạt động và bắt đầu sa thải nhân viên trong quý 3/2020; sau sự bùng phát của đại dịch Covid-19 thì các nền kinh tế trên thế giới đang đối mặt với những cơn sóng kinh tế thứ hai, thậm chí thứ ba về nạn thất nghiệp, sự phá sản hàng loạt của các doanh nghiệp, suy giảm kinh tế và những vấn đề kinh tế này có thể kéo dài đến cuối năm nay, theo ông Richard Martin.