Tuy nhiên, đó là đồng ý về mặt chủ trương, còn để xuất khẩu thịt lợn sang được Trung Quốc, Việt Nam phải xử lý các vấn đề kỹ thuật, kiểm soát dịch bệnh…
Thông tin thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho hay, sau một thời gian Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực làm việc với Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, cuối cùng cũng có kết quả.
Ông Dương cho biết, phía Trung Quốc không chỉ yêu cầu rất khắt khe về chất lượng sản phẩm, mà họ còn đòi hỏi Việt Nam phải kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, đặc biệt là bệnh lở mồm long móng...
Sau đó, hai bên sẽ từng bước có những buổi tiếp xúc, đàm phán cụ thể hơn để tiến tới ký kết về việc xuất khẩu chính ngạch thịt lợn Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Từ trước đến nay, Việt Nam chủ yếu chỉ xuất khẩu lợn hơi sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Hai nước cũng chưa có bất cứ ký kết chính thức nào về xuất nhập khẩu hàng hóa là động vật hoặc có nguồn gốc động vật.
“Chúng ta đã gửi báo cáo dịch bệnh, kiểm soát chất lượng cho phía đối tác. Trung Quốc có thể sẽ cử đoàn công tác sang sớm để đánh giá cụ thể điều kiện kiểm soát dịch bệnh, chất lượng hàng hóa của chúng ta như thế nào. Nếu chúng ta kiểm soát tốt dịch bệnh, phía bạn sẽ mở cho chúng ta một con đường chính ngạch”, ông Dương nói và cho biết thêm những yêu cầu này cũng không quá khắt khe, thịt lợn Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Trung Quốc chỉ đồng ý nhập khẩu lợn cấp đông, lợn mảnh, chứ không nhập khẩu lợn sống vì rủi ro cao về dịch bệnh và hao hụt trong quá trình vận chuyển.
Ông kỳ vọng, sau khi Trung Quốc đồng ý mở cửa, mỗi năm Việt Nam có thể xuất khẩu sang thị trường này từ 1-2 triệu tấn thịt lợn.
Ông Dương cho rằng, để giữ vững thị trường Trung Quốc, ngành chăn nuôi trong nước cần tái cơ cấu theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi, các hộ chăn nuôi liên kết lại thành hợp tác xã, tổ hợp tác, liên kết với doanh nghiệp chế biến để hình thành chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, tạo ra các giống lợn chất lượng năng suất, sức sinh sản cao để hạ giá thành.
Đồng thời, ông cũng cảnh báo, người chăn nuôi lợn không nên vì diễn biến nói trên mà mở rộng quy mô, vì thị trường Trung Quốc cũng không còn hấp dẫn như trước.
Bên cạnh việc thúc đẩy xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc, ông Dương cũng cho hay, hiện Việt Nam đang mở rộng xuất khẩu sang thị trường Philipines.
Trước tình hình giá lợn giảm sâu do cung vượt cầu khiến người chăn nuôi rơi vào tỉnh cảnh thua lỗ triền miên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức cuộc “giải cứu lợn” thông qua kêu gọi người dân ăn thịt lợn, tìm cách mở rộng thị trường xuất khẩu…
Trung Quốc đồng ý nhập chính ngạch thịt lợn Việt Nam
TCCT
Trao đổi với VnEconomy, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, Trung Quốc đã đồng ý mở cửa thị trường cho thịt lợn từ Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang nước này.