Viện Công nghệ Bắc Kinh (BIT) hôm 28/10 đã tổ chức một chương trình phát triển các hệ thống vũ khí thông minh kéo dài 4 năm.
Lứa học sinh đầu tiên có 31 người, gồm 27 nam và 4 nữ có tuổi đời rất trẻ, từ 18 tuổi trở xuống. Tất cả những học sinh này đã được lựa chọn từ các trường trung học để tham gia vào chương trình huấn luyện thành những nhà khoa học chuyên về vũ khí trí tuệ nhân tạo (AI) trẻ nhất thế giới.
Một Giáo sư Trung Quốc tham gia quá trình tuyển dụng cho hay: "Tất cả những em này đều thông minh xuất chúng nhưng chỉ thông minh thôi thì không đủ. Chúng tôi tìm kiếm những phẩm chất khác, như tư duy sáng tạo, sự khao khát chiến đấu, sự kiên trì khi đối mặt với thách thức. Say mê phát triển vũ khí mới là một điều bắt buộc, cũng như chúng cũng phải là người yêu nước".
Theo chương trình trên, mỗi học sinh sẽ được 2 khoa học gia vũ khí kèm cặp, một người là viện sĩ và một thuộc ngành công nghiệp quân sự.
Sau khi hoàn tất khóa học ngắn ở học kỳ thứ nhất, các học sinh sẽ chọn lĩnh vực chuyên biệt, chẳng hạn như kỹ thuật cơ khí, điện tử hoặc thiết kế vũ khí nói chung. Sau đó, họ sẽ được đưa đến một phòng thí nghiệm quốc phòng thích hợp để có thể phát triển các kỹ năng thông qua trải nghiệm thực hành.
BIT là một trong những viện nghiên cứu vũ khí hàng đầu ở Trung Quốc và lứa học sinh trẻ tuổi trên sẽ được đào tạo tại trụ sở một nhà thầu quốc phòng lớn nhất Trung Quốc - Norinco.
Sau khóa học 4 năm, các học sinh này dự kiến sẽ tiếp tục học lên để lấy bằng tiến sĩ và sẽ trở thành thế hệ lãnh đạo kế tiếp của chương trình vũ khí AI ở Trung Quốc.
Đây được cho là dấu hiệu rõ nhất cho thấy Bắc Kinh đang nỗ lực ứng dụng công nghệ AI vào mục đích quân sự thế nào.
Bà Eleonore Pauwels, chuyên gia về công nghệ không gian mạng tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách, Trường ĐH Liên Hiệp Quốc ở New York quan ngại về khóa học này.
Đào tạo thế hệ trẻ về công nghệ AI hay ứng dụng công nghệ AI vào phát triển quốc phòng nhưng đa phần các chương trình đều là cho giới trẻ hiểu biết về công nghệ AI trong ứng dụng đời sống, hay nghiên cứu vũ khí hóa công nghệ AI từ các nhà khoa học uy tín.
Chưa quốc gia nào tập trung đào tạo thế hệ trẻ để vũ khí hóa AI như Trung Quốc.
Tờ RT bình luận, chương trình đào tạo mới của Viện BIT mới chỉ là bước tiến mới nhất của Trung Quốc nhằm "thống trị toàn cầu" trong lĩnh vực AI vào năm 2030.
Theo sau chỉ đạo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm ngoái, nước này đang tập trung mọi nguồn lực của chính quyền để phát triển thành một quốc gia lớn mạnh hơn nữa về công nghệ AI.
Bình luận về chương trình của BIT, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thừa nhận nước này tích cực chú tâm vào phát triển và ứng dụng công nghệ AI để phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội, khoa học và công nghệ.
Công nghệ AI mở ra cho Trung Quốc cơ hội có một kho vũ khí mới trong khi nước này sẵn có chiến lược sử dụng tiến bộ về công nghệ là cách để đạt được mục đích trở thành thủ lĩnh trên toàn cầu.
Điều này đã khiến các cường quốc lo ngại. Mỹ và phương Tây đang cùng lúc chạy đua với Trung Quốc trong cuộc cách mạng công nghệ số này.
Một báo cáo của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) hồi tháng 3/2018 cũng đã giới thiệu kế hoạch “Made in China 2025" - một kế hoạch chi tiết được đưa ra năm 2015 để nâng cấp năng lực sản xuất của Trung Quốc, như là một bằng chứng chứng minh rằng Trung Quốc đang tìm cách thay thế Mỹ trong các ngành công nghiệp công nghệ cao mà Mỹ xem như là ngành chiến lược, ví dụ như khoa học người máy.
Không chỉ vậy, châu Âu đã từng cảnh báo Trung Quốc tìm cách "học hỏi" các chương trình phát triển KH-CN của Phương Tây thông qua các trường Đại học nhằm tăng cường sức mạnh cho quân đội Trung Quốc.
Lực lượng nhà khoa học Trung Quốc sang phương Tây hợp tác nghiên cứu được cho chỉ là "vỏ bọc" của quân đội Trung Quốc nhằm phát triển vũ khí của nước họ.
Theo báo Washington Times, mục tiêu chính của Bắc Kinh là những trường đại học nằm ở 5 quốc gia thuộc liên minh chia sẻ tình báo Five Eyes (Mỹ, Anh, Canada, Úc và New Zealand).
Tờ nhật báo Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc thậm chí mô tả những hoạt động này là "hái hoa từ đất nước ngoài để tạo nên mật ngọt ở Trung Quốc".
Sự tập trung vào lĩnh vực AI ở mức cảnh báo của Trung Quốc thời gian qua đã khiến Mỹ sốt ruột.
Hồi tháng 9 năm ngoái, Cơ quan Dự án Nghiên cứu Cao cấp Quốc phòng Mỹ (DARPA) đã công bố sáng kiến 2,7 tỷ USD trong nghiên cứu vũ khí hóa công nghệ AI. Sáng kiến được cho là sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với các chương trình hợp tác từ Trung Quốc.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi năm ngoái đã nhấn mạnh rằng, bất cứ quốc gia nào dẫn đào trong lĩnh vực nghiên cứu AI sẽ nắm quyền thống trị toàn cầu.
"Trí tuệ nhân tạo là tương lai, không chỉ đối với Nga, mà còn đối với toàn thể nhân loại... Điều này mở ra hàng loạt những cơ hội khổng lồ nhưng cũng kéo theo nhiều mối đe dọa khó lường. Ai trở thành nhà lãnh đạo trong lĩnh vực này, đồng nghĩa với việc sẽ trở thành bá chủ thế giới" - Tổng thống Putin nhấn mạnh.