Beijing Gas Group là tập đoàn cung cấp khí gas chính cho thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc). Bắc Kinh hiện là một trong những thành phố sử dụng khí gas lớn nhất thế giới với mức sử dụng 18,5 tỷ m3 trong năm 2018, tăng 14% so với năm 2017.
Theo số liệu của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC), tổng mức tiêu thụ khí gas của Trung Quốc trong năm 2018 đạt 280 tỷ m3 khí gas, tăng 18% tương ứng 43 tỷ m3 so với năm 2017. Hiện Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ khí gas lớn thứ 3 thế giới. Nhu cầu sử dụng khí gas của Trung Quốc tăng lên trong giai đoạn gần đây chủ yếu do các chính sách của nước này khuyến khích sử dụng khí gas thay than đá trong các hoạt động sinh hoạt và công nghiệp. Đồng thời, việc Chính phủ Trung Quốc cắt giảm thuế giá trị gia tăng quy mô lớn kể từ ngày 1/4/2019 nhằm kích thích các hoạt động kinh tế sẽ kéo theo nhu cầu về sử dụng khí gas.
Tốc độ tăng trưởng sản lượng khai thác khí gas của Trung Quốc trong năm 2018 chỉ đạt 7,5%, không theo kịp với tốc độ tăng trưởng nhu cầu sử dụng. Trong mùa đông 2017/2018, Trung Quốc đã gặp nhiều khó khăn để đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng gas của nước này khi mà hàng triệu hộ dân nước này chuyển từ sử dụng than đá sang gas. Trong thời gian gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng khí gas của nước này bao gồm đẩy mạnh xây lắp hệ thống đường ống dẫn gas và khuyến khích tăng cường nhập khẩu khí gas.
Bà Li Yalan cho biết nhu cầu nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Trung Quốc sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu LNG lớn thứ hai thế giới sau Nhật Bản. Trong năm 2018, lượng LNG được Trung Quốc nhập khẩu đã tăng 41% so với năm 2017, đạt mức 54 triệu tấn. Trong năm 2017, lượng LNG được Trung Quốc nhập khẩu cũng đã tăng tới 50% so với năm 2016.
Việc Trung Quốc gia tăng nhập khẩu LNG diễn ra trong bối cảnh giá khí LNG tại khu vực Châu Á giảm mạnh. Kể từ giữa năm 2018 đến nay, giá LNG giao ngay đã giảm 60% xuống chỉ còn 5 USD/mmBTU. Giá khí gas giảm mạnh Giá LNG khu vực Châu Á hiện giảm mạnh do tình trạng dư cung khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia chủ chột chậm lại, một số quốc gia mới nổi đang tăng cường trở lại việc sử dụng than đá đồng thời nhiều loại năng lượng tái tạo trở nên phổ biến hơn.
Trên quy mô toàn cầu, tình trạng thiếu hụt nguồn cung LNG diễn ra trong giai đoạn 2016 – 2019 nhưng sự xuất hiện của hàng loạt dự án khai thác mới tại Hoa Kỳ, Australia và Nga sẽ khiến thị trường rơi vào trạng thái dư cung. Dự báo thị trường LNG toàn cầu sẽ dư cung 2% so với nhu cầu sử dụng trong năm 2019; tình trạng dư cung được dựu báo sẽ kéo dài đến cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021.
Các chuyên gia theo dõi thị trường cho biết giá LNG giao ngay tại Châu Á có thể đã chạm đáy với mức giá hiện tại 4,5 USD/mmBTU bất chấp tình trạng dư cung còn kéo dài trong thời gian tới. Do chi phí cận biên của hoạt động khai thác cung ứng LNG dao động ở mức 4,5 USD/mmBTU, nếu giá xuống dưới mức giá này thì nhiều hãng khai thác sẽ không thể duy trì hoạt động.