Trung Quốc tăng tốc trong cuộc đua tên lửa tái sử dụng

Trước sự phát triển các công ty tên lửa tái sử dụng của Mỹ, các công ty Trung Quốc cũng đang tham vọng sẽ thống trị thị trường này.

Theo SCMP, công ty khởi nghiệp mới nổi trong lĩnh vực hàng không vũ trụ Orienspace có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc) đã phóng thành công tên lửa dùng một lần vào tháng 1/2024 và hiện đang nghiên cứu, phát triển tên lửa Gravity-2 có thể tái sử dụng. 

Tên lửa Gravity-1 của OrienSpace
Tên lửa Gravity-1 của OrienSpace

Công ty Orienspace được thành lập từ năm 2020. Tên lửa Gravity-1 do công ty này chế tạo có thể mang theo khối lượng hàng hóa lên tới 6.500kg vào quỹ đạo thấp của Trái Đất, theo đó đây được xem là loại tên lửa mạnh nhất do một công ty tư nhân của Trung Quốc phát triển.

Lĩnh vực hàng không vũ trụ tư nhân được xem là ngành có tốc độ phát triển nhanh ở Trung Quốc thời gian qua nhưng ít có công ty nào có thể phóng tên lửa đẩy hạng nặng như Orienspace.

Đằng sau thành công của OrienSpace là một đội gồm khoảng 100 nhà khoa học và kỹ sư đã dành khoảng ba năm để thực hiện 23 cuộc thử nghiệm mặt đất quy mô lớn đối với hệ thống tên lửa, 489 cuộc thử nghiệm từng bộ phận riêng lẻ và 1.452 cuộc thử nghiệm lặp lại để cải thiện hiệu suất tổng thể của tên lửa.

Ngoài nghiên cứu về tên lửa có thể tái sử dụng, Orienspace gần đây đã phóng thành công tên lửa đầu tiên từ một bệ phóng ngoài khơi.

Một công ty khác của Trung Quốc cũng đang tham vọng cạnh tranh về khả năng chế tạo tên lửa tái sử dụng là Beijing Interstellar Glory Space Technology, còn được gọi là i-Space. i-Space đã tiến hành thử nghiệm sản phẩm đầu tiên của mình vào tháng 12/2023. 

Ngoài ra, một công ty con Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc đã thử nghiệm tên lửa Kuaizhou có thể tái sử dụng bằng công nghệ cất cánh và hạ cánh thẳng đứng.

Tên lửa tái sử dụng đang thay đổi ngành công nghiệp vũ trụ, vì chúng cho phép các công ty tái sử dụng những bộ phận tên lửa đắt tiền nhất mà không cần sửa chữa nhiều.

Ngành công nghiệp hàng không vũ trụ truyền thống của Trung Quốc, vốn do quân đội và các doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ chốt. Tuy nhiên trước sự phát triển của các công ty không gian tư nhân SpaceX của Mỹ đang tạo nên sức ép không hề nhỏ lên ngành hàng không vũ trụ của Bắc Kinh.

Chỉ riêng SpaceX, công ty này đã có thể phóng gần 100 tên lửa đẩy tái sử dụng mỗi năm mang theo hàng trăm vệ tinh các loại.

Các công ty hàng không vũ trụ tư nhân ở Trung Quốc mọc lên như nấm trong những năm gần đây mang theo hy vọng giành chiến thắng trong cuộc đua không gian mới của Trung Quốc. Tuy nhiên, quy mô của các công ty này vẫn còn nhỏ so với SpaceX và có sự không chắc chắn đáng kể về việc liệu họ có thể phát triển năng lực kỹ thuật và hiệu quả thương mại để cạnh tranh với Mỹ hay không.

Danh Uyên