Công ty Cổ phần Thành Thành Công – Biên Hoà (TTC Sugar, mã chứng khoán: SBT - sàn: HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2 niên độ 2022 – 2023 (từ 1/10/2022 – 31/12/2022). Theo đó, TTC Sugar ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 6.972 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó doanh thu từ bán đường chiếm 95%, theo sau là doanh thu bán điện, mật đường và phân bón.
Tuy nhiên, giá vốn hàng bán đã tăng tới 47%; khiến lợi nhuận gộp của công ty chỉ đạt 587 tỷ đồng, giảm 12% so với so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp của TTC Sugar giảm từ 13,4% quý cùng kỳ xuống còn 8,4% trong quý 2 niên độ 2022 - 2023.
Sau khi trừ đi các khoản chi phí phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh, TTC Sugar ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế đạt 122 tỷ đồng trong quý 2 niên độ 2022 - 2023, giảm 50% so với cùng kỳ niên độ trước. Theo giải trình từ phía công ty, lợi nhuận sụt giảm mạnh chủ yếu do chi phí lãi vay đã tăng vọt trong bối cảnh mặt bằng lãi suất trong quý 2 niên độ 2022 - 2023 tăng cao so với quý 2 niên độ 2021 - 2022.
Luỹ kế từ đầu niên độ 2022 - 2023 (30/6 - 31/12/2022), TTC Sugar ghi nhận doanh thu thuần đạt 12.280 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ niên độ trước. Nhưng lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ đạt 384 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ niên độ trước.
Chi tiết kết quả hoạt động kinh doanh năm 2022 của Công ty Cổ phần Thành Thành Công – Biên Hoà xem tại đây.
Nếu so với kế hoạch doanh thu cả niên độ 2022 - 2023 là 17.017 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 850 tỷ đồng, TTC Sugar hiện đã hoàn thành được 72% mục tiêu doanh thu và 51% mục tiêu lợi nhuận sau 2 quý.
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của công ty đạt 29.202 tỷ đồng, tăng 5% so với thời điểm đầu niên độ (30/6/2022). Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm gần 32% tổng tài sản (9.267 tỷ đồng); đa số là khoản trả trước cho người bán ngắn hạn. TTC Sugar hiện đang phải trích lập gần 70 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khó đòi, giảm bớt so với 102 tỷ đầu niên độ. Bên cạnh đó, hàng tồn kho chiếm 16% tổng tài sản (4.691 tỷ đồng), gần như không đổi so với thời điểm đầu niên độ.
Khoản đầu tư tài chính dài hạn của công ty chiếm 10% tổng tài sản (3.043 tỷ đồng), chủ yếu là khoản đầu tư vào 4 công ty liên kết và góp vốn vào 4 đơn vị khác. Khoản mục này đã tăng 19% so với thời điểm đầu niên độ do công ty đã mua thêm 36,8 triệu cổ phần phát hành thêm của Công ty Cổ phần Toàn Hải Vân (kinh doanh bất động sản, kho cảng, bến bãi).
Trong cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả hiện chiếm 65% tổng nguồn vốn (19.114 tỷ đồng) của TTC Sugar. Nợ phải trả của công ty đã tăng 5,8% so với thời điểm đầu niên độ, chủ yếu do vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng, bao gồm các khoản vay nợ trái phiếu và vay từ các tổ chức tín dụng. Vốn chủ sở hữu cũng đã tăng 4,3% so với thời điểm đầu niên độ, đạt 10.087 tỷ đồng; trong đó, lợi nhuận sâu thuế chưa phân phối là 1.284 tỷ đồng.
Trong niên độ 2021 - 2022, TTC Sugar ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 1.002 tỷ đồng, tăng 28% so với niên độ trước. Qua đó, trở thành doanh nghiệp mía đường niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam đầu tiên ghi nhận lợi nhuận trên nghìn tỷ trong một niên độ kể từ khi hoạt động. TTC Sugar hiện giữ vị thế đầu ngành với hơn 46% thị phần đường nội địa.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) dự báo niên vụ 2022 – 2023 sẽ là một năm khởi sắc đối với ngành mía đường Việt Nam sau khi Bộ Công Thương ban hành biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, và Myanmar trong thời hạn 5 năm vào tháng 8/2022.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/1, giá cổ phiếu SBT của TTC Sugar được giữ ở mức tham chiếu, đạt 14.400 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch trung bình 20 phiên gần nhất của cổ phiếu SBT đạt hơn 2 triệu đơn vị.