Từ 15/10 khỏi cần sở hữu kho chứa 5.000 tấn, không cần Sở Công Thương kiểm tra xác nhận, vẫn đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Một công ty chuyên xuất khẩu gạo đã từng "quần" khắp ĐBSCL lùng mua đất, lắp đặt máy móc để đáp ứng yêu cầu sở hữu kho chứa 5.000 tấn; cơ sở xay xát 10 tấn/giờ. Nay với Nghị định mới, những quy định n

Nghị định 107/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo có hiệu lực từ 15 tháng 10 tới bỏ hàng loạt các điều kiện để doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Cụ thể:

- Bãi bỏ quy định doanh nghiệp phải có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 (năm nghìn) tấn thóc, phù hợp quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

- Bãi bỏ quy định doanh nghiệp phải có ít nhất 1 cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ, phù hợp quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

- Bãi bỏ quy định các kho chứa, cơ sở xay, xát phục vụ mục đích kinh doanh xuất khẩu gạo phải thuộc sở hữu của thương nhân.

- Bãi bỏ quy định các kho chứa, cơ sở xay, xát phải nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu hoặc có cảng biển quốc tế có hoạt động xuất khẩu thóc, gạo tại thời điểm thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận.

Những quy định định này thuộc Nghị định 109 ban hành năm 2010, qua thời gian thực hiện đã bộc lộ những nhược điểm. Trước đây, Ngũ cốc Việt, một công ty chuyên xuất khẩu các loại gạo, đặc biệt là gạo cao cấp sang thị trường châu Á, châu Phi, số lượng xuất khẩu trung bình là 10.000 tấn/năm, đã gặp khó khăn với những quy định “cứng” nói trên. Do là công ty thương mại không có nhà máy, kho bãi, để đáp ứng yêu cầu sở hữu kho chứa 5.000 tấn; cơ sở xay xát 10 tấn/giờ, Ngũ cốc Việt đã từng “quần” khắp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lùng mua đất, lắp đặt máy móc. Không tính đất đai, chỉ riêng phần nhà xưởng máy móc doanh nghiệp phải bỏ ra khoảng 30- 40 tỉ đồng, trong điều kiện lãi suất cao, trong khi không ai dám đảm bảo đầu tư như vậy sẽ có hợp đồng xuất khẩu tương ứng.

Tại nghị định mới ban hành, doanh nghiệp không nhất thiết phải sở hữu kho chứa thóc hay cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo, mà có thể thuê của tổ chức, cá nhân khác, có hợp đồng thuê bằng văn bản theo quy định của pháp luật với thời hạn thuê tối thiểu 5 năm.

Một vấn đề nữa được các nhà quản lý và doanh nghiệp hết sức quan tâm, đó là thủ tục hành chính được giảm thiểu rất nhiều theo hướng hậu kiểm. Trước kia, để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo doanh nghiệp phải làm 3 thủ tục hành chính: Đầu tiên, phải được Sở Công thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, xác nhận kho chứa, cơ sở xay, xát của thương nhân trên địa bàn. Tiếp theo, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Cuối cùng, Bộ Công thương xem xét, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Nay với Nghị định mới, thương nhân tự kê khai hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung đã kê khai. Các cơ quan chức năng gồm Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan liên quan tổ chức hậu kiểm kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn của thương nhân sau khi thương nhân đã được cấp Giấy chứng nhận.

Có thể nói, Nghị định 107/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo mới ban hành tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.

Văn Giang