Cụ thể, vào phiên giao dịch đầu tuần (11/5) giá vàng giảm khi đồng USD gia tăng sức mạnh trong bối cảnh thị trường lo ngại về làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ hai.
Tuy nhiên, giá vàng tăng trở lại vào thứ Ba (12/5) trước những kì vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có động thái kích thích mạnh mẽ hơn để hỗ trợ nền kinh tế bị tàn phá bởi dịch Covid-19.
Đà tăng kéo dài đến giữa tuần (13/5) sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cam kết sẽ thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế mạnh hơn nếu cần thiết để giảm bớt tác động kinh tế do dịch bệnh Covid-19.
Sau đó, kim loại quí leo lên mức cao nhất trong 3 tuần vào thứ Năm (14/5) nhờ nhu cầu đầu tư an toàn tăng cao khi giới giao dịch từ bỏ các tài sản rủi ro do lo ngại về sự suy yếu kinh tế kéo dài và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc.
Và ghi nhận phiên tăng thứ tư liên tiếp vào thứ Sáu (15/5) với mức cao hơn ba tuần khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng, thúc đẩy lo ngại về nền kinh tế toàn cầu đang đảo lộn vì đại dịch coronavirus.
Tiếp đó, giá vàng ngày 16/5 tăng mạnh chủ yếu do nhu cầu vàng tăng cao trong bối cảnh thị trường ghi nhận nhiều yếu tố rủi ro và “sức khoẻ” của các nền kinh tế lớn suy yếu.
Số liệu kinh tế Mỹ mới nhất cho thấy bán lẻ trong tháng 4/2020 giảm tháng thứ 2 liên tiếp. Trong khi đó, mối quan hệ về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc xấu đi sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông không quan tâm đến việc đàm phán với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào lúc này, và thậm chí có thể cắt đứt quan hệ với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Giá vàng thế giới tăng 13% kể từ đầu năm nay, chạm mức cao nhất kể từ năm 2012.
Nhiều người dự đoán xu hướng này sẽ được củng cố khi các nhà đầu tư đổ xô tìm kiếm những "nơi trú ẩn an toàn" để giữ tiền giữa lúc dịch Covid-19 chưa được kiểm soát.
Tuy nhiên, việc các cá nhân và thậm chí các quốc gia đều suy giảm nguồn thu, các nước tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới như Ấn Độ và Trung Quốc mua ít vàng hơn và các ngân hàng trung ương cũng đang cắt giảm lượng vàng mua vào, đà tăng của kim loại quý này khó có thể duy trì.
Tại thị trường vàng trong nước, tuần qua, giá vàng đạt ngưỡng 48 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, tiến về mốc 49 triệu đồng/lượng. Giá vàng ở phiên đầu tuần 47,78 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,13 triệu đồng/lượng (bán ra) giao dịch tại Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji. Tính từ đầu tuần, giá vàng đã tăng 570 nghìn (mua vào).
Giá vàng tiếp tục tăng, phiên giao dịch ngày 14/5, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji tăng 140 ngàn đồng ở chiều mua vào và tăng 130 ngàn đồng ở chiều bán, niêm yết ở mức: 48,17 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,35 triệu đồng/lượng (bán ra).
Tương tự, ngày 15/5, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 48,30 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,55 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 120 ngàn đồng ở chiều mua vào và tăng 130 ngàn đồng ở chiều bán ra so với cuối phiên liền trước.