Tại buổi làm việc giữa Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT & TKCN) Tổng công ty Điện lực miền Bắc lập đoàn công tác do Ông Hồ Mạnh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc cùng các thành viên Ban Kỹ thuật, An toàn, Quan hệ cộng đồng đã đến các Công ty Điện lực Nam Định, Ninh Bình để kiểm tra về công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 4.
Tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương lúc 14h30 chiều nay, 16/8 cho biết, do ảnh hưởng của bão, từ tối nay trên đất liền khu vực ven biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An có gió mạnh dần lên cấp 6-7, từ đêm tăng lên cấp 8, giật cấp 10; riêng Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Thanh Hóa có gió bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3. Trung tâm đã đưa ra cảnh báo mưa lớn ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to (lượng mưa 250-350mm/đợt), trọng tâm mưa rất to tập trung ở khu vực Đông Bắc, đồng bằng và trung du Bắc Bộ, các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An; riêng Hòa Bình, Thanh Hóa có khả năng mưa đặc biệt to (400-500mm/đợt). Hà Nội có mưa rất to (lượng mưa phổ biến 200-300mm/đợt).
Đoàn công tác kiểm tra Trạm bơm tại Nam ĐịnhTrước những diễn biến khó lường của cơn bão số 4, để chuẩn bị tốt cho công tác ứng phó với những hình thái thời tiết cực đoan, ông Trần Mạnh Sỹ - Giám đốc Công ty Điện lực Nam Định (PC Nam Định) cho biết, đến sáng nay, 16/8/2018 Công ty đã tổ chức ứng trực 100% quân số. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 trong tháng 7, phần lớn diện tích lúa ở Nam Định đã phải cấy lại, do đó, với sự phức tạp của cơn bão số 4 dự báo sẽ mưa lớn, ngập úng nên sẽ phải huy động hiệu quả các trạm bơm tiêu úng. Đến thời điểm hiện nay, PC Nam Định đã phối hợp với các đơn vị trên địa bàn kiểm tra việc đảm bảo cấp điện, kiểm tra khả năng sử dụng của các máy bơm tại trạm bơm để khi cần thiết có thể huy động bơm tiêu úng cứu lúa, chống ngập ngay cho địa phương. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nam Định có 6 trạm bơm đầu mối, 28 trạm bơm vừa và hơn 4000 trạm bơm dã chiến. Về cơ bản các trạm bơm đã được kiểm tra, đầu tư, đại tu sửa chữa trước mùa mưa bão, đảm bảo sẵn sàng hoạt động hết công suất khi địa phương cần huy động.
Trước cơn bão số 4, PC Nam Định đã tiến hành sửa chữa khắc phục hơn 300 điểm xung yếu (gồm thay 158 vị trí cột, bổ sung 60 vị trí cột mới, gia cố kè 97 vị trí móng cột, kéo lại 13 vị trí cột nghiêng, sửa chữa và xử lý tiếp xúc các vị trí lèo, bảo dưỡng các đầu dao); chuẩn bị vật tư thiết bị dự phòng (4 máy biến áp trung gian, 63 máy biến áp phân phối, 20 cột điện các loại, dây dẫn phụ kiện đầy đủ); ký hợp đồng nguyên tắc với khoảng 9 đơn vị thi công, cáp vật tư và thi công để khắc phục sự cố ngay sau khi bão đi qua.
Ghi nhận tinh thần chủ động ứng trực, luôn luôn bám sát tình hình diễn biến của các hình thái thời tiết để đưa ra những giải pháp trong chỉ đạo điều hành ứng phó với bão số 4 và hoàn lưu bão một cách linh hoạt, phù hợp với diễn biến và thực tế phức tạp của cơn bão, ông Hồ Mạnh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc tin tưởng nếu cơn bão số 4 có tâm bão đang hướng tới Nam Định thì ngành điện cũng chủ động các giải pháp ứng phó. Ông Tuấn lưu ý đơn vị luôn chủ động với tinh thần cảnh giác cao với các diễn biến của bão, tiếp tục theo dõi tình hình thực tế để chủ động có những chỉ đạo trong quản lý vận hành sát với thực tế. Các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền về an toàn điện đến nhân dân. Ông Tuấn nhấn mạnh nguyên tắc ứng phó trong các sự cố do thiên tai gây nên quan trọng là phải đảm bảo an toàn cho con người (CBCNV, nhân dân, khách hàng) và tài sản lưới điện. Trong lúc bão đổ bộ vào, CBCNV tuyệt đối không được ra ngoài làm việc (trừ trường hợp có lệnh khẩn cấp nhưng phải đảm bảo điều kiện an toàn cho phép). Trong quá trình xử lý sự cố sau bão ở những vũng trũng ngập nước, CBCNV tuyệt đối tuân thủ các quy định về an toàn điện, lưu ý mặc áo phao để tránh tình trạng đuối nước khi làm việc, kiểm tra thận trọng với những trường hợp khách hàng dùng máy phát điện diesel trong lúc cắt điện để đảm bảo không có hiện tượng máy phát ngược lên lưới gây nguy hiểm đến tính mạng CBCNV khi thao tác xử lý sự cố tại hiện trường.
Trạm bơm Gia viễn Ninh BìnhTại Ninh Bình, đến thời điểm hiện nay, trưa ngày 16/8, ghi nhận tình hình tại thành phố Ninh Bình và một huyện vũng trũng như Gia Viễn, trời có mưa nhỏ, mức nước sông Hoàng Long lên chưa cao, nhưng với những dự báo về cơn bão số 4 từ Trung tâm Khí tượng thủy văn TW, lãnh đạo Công ty Điện lực Ninh Bình và các CBCNV đã chủ động, sẵn sàng các phương án chống bão. Theo đó, từ chiều qua và sáng nay, các đoàn công tác của Công ty gồm lãnh đạo các Phòng Ban chức năng đã xuống ứng trực tại các Điện lực trên địa bàn để theo dõi và chuẩn bị các công việc ứng phó với bão số 4. Tại huyện Yên Mô, thành phố Tam Điệp một đoàn công tác đã được phân công ứng trực và chỉ đạo trực tiếp với sự tham gia của các Phó Giám đốc Công ty Điện lực Ninh Bình; Lãnh đạo và chuyên viên Phòng Kỹ thuật, An toàn của Công ty tổ chức thành nhiều đoàn ứng trực chỉ đạo trực tiếp tại huyện Kim Sơn, Yên Khánh, Nho Quan, Gia Viễn, Thành phố Ninh Bình, huyện Hoa Lư….
Trong Chương trình kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 4, đoàn công tác thực hiện nhiệm vụ của BCH PCTT & TKCN Tổng công ty và đơn vị đã đi kiểm tra việc đảm bảo điện tại các trạm bơm tiêu úng của Nam Định, Ninh Bình như trạm bơm Cốc Thành, huyện Vụ Bản, Thái Bình, trạm bơm Gia Viễn, huyện Gia Viễn, Ninh Bình và đến động viên anh em CBCNV người lao động tại các Điện lực huyện, Chi nhánh Lưới điện cao thế các tỉnh. Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng để ngành điện miền Bắc ứng phó với bão số 4 đang tiến đến các tỉnh miền Bắc trung bộ.
Trước đó, ngày 15/8/2018, đoàn công tác đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 4 tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình. Tại các địa phương này, ngành điện cấp tỉnh cũng đã lên phương án và sẵn sàng vật tư thiết bị, nhân lực theo phương châm 4 tại chỗ để ứng phó với bão và ảnh hưởng sau bão với phương châm hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản trên lưới điện, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con người, cung cấp điện ổn định cho các phụ tải trọng điểm, nỗ lực khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất với mức độ an toàn cao nhất.