Theo báo cáo của EVN, 7 tháng đầu năm, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 158,017 tỷ kWh, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2021 và thấp hơn 810 triệu kWh so với kế hoạch Bộ Công Thương phê duyệt (158,827 tỷ kWh). Điện thương phẩm toàn quốc đạt 138,65 tỷ kWh, tăng 4,8% so với cùng kỳ; ước thực hiện cả năm đạt 241,6 tỷ kWh, tăng 7,25% so với năm 2021. EVN đã nỗ lực đảm bảo cung ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân và các sự kiện chính trị xã hội quan trọng của đất nước.
EVN đã nỗ lực tiết giảm chi phí sản xuất điện, chi phí các khâu: truyền tải, phân phối, phụ trợ. Đồng thời, triệt để tiết kiệm chi phí thường xuyên, chi phí sửa chữa lớn. Nguồn điện được huy động tối ưu như: tăng tỉ lệ huy động thủy điện, giảm nguồn có giá thành cao (như nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu).
Tuy nhiên, trong thời gian qua, giá nhiên liệu theo thị trường tăng rất cao và chi phí đầu vào tăng mạnh, đã làm cho chi phí sản xuất điện tăng cao, dẫn đến EVN rất khó khăn trong cân đối tài chính. Tại buổi làm việc, EVN đã đưa ra các đề xuất, kiến nghị tới Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan chức năng, nhằm tháo gỡ khó khăn cho EVN.
Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Sỹ Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đánh giá cao EVN dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng đã nỗ lực đảm bảo cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, Ủy ban sẽ có báo cáo tới Chính phủ về những nguyên nhân khách quan tác động đến hoạt động của EVN, để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét.