Kết quả tương đối toàn diện
Báo cáo của Văn phòng Bộ Công Thương tại Hội nghị cho thấy, năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và các kế hoạch 5 năm 2021-2025 trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội, trong đó có các hoạt động công tác của Văn phòng Bộ.
Song, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ; sự phối hợp, giúp đỡ của các đơn vị thuộc Bộ; lãnh đạo, cán bộ, công chức, người lao động Văn phòng Bộ đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao và đã đạt được những kết quả tích cực, tương đối toàn diện trên các mặt công tác.
Về công tác tổng hợp - cải cách thủ tục hành chính, công tác thư ký, tổng hợp được triển khai thực hiện có hiệu quả, cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ; đã rà soát, tham mưu xây dựng Quy chế làm việc của Bộ, bảo đảm phù hợp với Quy chế làm việc của Chính phủ và tình hình thực tiễn của Bộ; tham mưu xây dựng chương trình công tác của Bộ trưởng và các Thứ trưởng, phù hợp với chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kịp thời luân chuyển các văn bản chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ đến các đơn vị để triển khai thực hiện, đặc biệt là các văn bản gấp, văn bản mật; thực hiện tốt việc rà soát, kiểm tra về quy trình, thủ tục, thể thức văn bản của các đơn vị trình Lãnh đạo Bộ, bảo đảm đúng quy định.
Việc dự thảo các thông báo kết luận giao ban hàng tuần, giao ban tháng của Lãnh đạo Bộ được thực hiện nề nếp. Chủ động phối hợp với các đơn vị chuẩn bị tài liệu, nội dung, biên bản phục vụ các cuộc họp, hội nghị của Lãnh đạo Bộ; kịp thời ban hành thông báo ý kiến kết luận của Lãnh đạo Bộ sau các hội nghị; đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện, đảm bảo chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ được giao.
Công tác tham mưu cho Lãnh đạo Bộ về cải cách hành chính được tăng cường. Việc tổng hợp phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công Thương được thực hiện kịp thời trên hệ thống Báo cáo của Chính phủ, bảo đảm yêu cầu về chất lượng và thời hạn theo quy định.
Về công tác hành chính - lưu trữ, trong năm qua, việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện theo đúng các quy chế tiếp nhận, xử lý, ban hành văn bản và các quy trình ISO, đảm bảo 100% hồ sơ của các tổ chức, cá nhân được giải quyết đúng quy định. Việc tiếp nhận và xử lý văn bản đến đáp ứng tốt yêu cầu công việc, không để xảy ra tình trạng mất tài liệu hoặc chuyển nhầm địa chỉ, đảm bảo truyền tải kịp thời sự chỉ đạo của lãnh đạo Trung ương và Lãnh đạo Bộ tới các đơn vị chuyên môn. Việc rà soát văn bản đi trước khi phát hành được chú trọng, bảo đảm quy định về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản theo quy định.
Công tác quản lý các tài liệu nói chung và tài liệu mật nói riêng được củng cố, thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định.
Về công tác truyền thông, năm 2021, công tác báo chí truyền thông đã bám sát các chương trình công tác, kịp thời phản ánh thông tin về các hoạt động của Bộ. Chủ động tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện tốt các kế hoạch truyền thông ngắn và dài hạn của Bộ trong năm; bám sát thông tin, nắm tình hình về những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, nhất là phản ánh của người dân và doanh nghiệp liên quan tới ngành Công Thương; đồng thời, cung cấp kịp thời, chính xác các thông tin đến các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp, góp phần tạo sự đồng thuận trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Bộ.
Ngoài ra, các hoạt động thường xuyên về công tác truyền thông luôn được quan tâm, phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả, như: Quản lý hoạt động của Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương; Tiếp nhận, xử lý và cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn báo chí về cơ chế chính sách và các hoạt động của ngành Công Thương; Đầu mối chuẩn bị các cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương và Họp báo thường kỳ Chính phủ; Tổng hợp các Báo cáo điểm báo tuần để cung cấp thông tin, phục vụ các cuộc họp giao ban của Bộ…
Bên cạnh đó, công tác thi đua - khen thưởng từng bước được đổi mới, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định. Công tác về kế toán, tài chính được chú trọng, bảo đảm chi tiêu tiết kiệm, hiệu quả, đúng chế độ, định mức theo quy định, góp phần cải thiện đời sống của cán bộ công chức cơ quan Bộ. Các công tác về lễ tân, quản trị, quốc phòng an ninh, quản lý, sử dụng xe ô tô và hoạt động của Văn phòng đại diện Văn phòng Bộ tại Đà Nẵng cũng được củng cố và có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu công việc được giao.
Đánh giá về kết quả hoạt động của Văn phòng Bộ Công Thương năm 2021, Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định, vượt qua một năm có nhiều khó khăn, ngành Công Thương đã có những đóng góp tương đối rõ nét vào thành tựu chung của đất nước, trong đó việc duy trì hoạt động của Văn phòng, đảm bảo hậu cần cho các hoạt động của toàn cơ quan Bộ cũng như phục vụ lãnh đạo Bộ có đóng góp rất đáng kể.
“Văn phòng là bộ mặt của Bộ Công Thương và ngành Công Thương, cũng là cầu nối trung chuyển giữa các cơ quan nội bộ, vì vậy luôn bị đặt dưới sự kiểm tra, giám sát của nhiều người. Bất kể giờ nào, bất kể lúc nào cũng phải “trực chiến” 24/7, duy trì sẵn sàng trong tình trạng cao, lại rất nhiều công việc hậu cần không tên”, Thứ trưởng chia sẻ với đặc thù và khó khăn của công tác văn phòng “làm dâu trăm họ”.
Công tác cải cách hành chính, thi đua khen thưởng, quản lý tài sản cũng như công tác truyền thông đã có những bước tiến ổn định, chủ động hơn. Đặc biệt, công tác phối hợp thông tin giữa Văn phòng và các đơn vị chức năng cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nhận định còn một số vấn đề Văn phòng Bộ cần cải thiện để có thể làm tốt hơn như diện mạo và chất lượng cơ sở vật chất Bộ chưa được chú trọng hoàn thiện; công tác tiết kiệm chưa được thực hiện triệt để; công tác quản trị tài sản, cơ sở vật chất còn những tồn tại nhất định; công tác theo dõi, đôn đốc công việc chuyên môn cần sát sao hơn; công tác văn thư, lưu trữ chưa có hệ thống sắp xếp, phân loại hay số hóa tối ưu; công tác bảo vệ bí mật nhà nước cần tăng cường; kỷ luật, kỷ cương của cán bộ, người lao động chưa được chấn chỉnh nghiêm túc.
“Văn phòng cần quán triệt tinh thần quyết liệt, triển khai cải thiện các vấn đề tồn tại, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của lãnh đạo Bộ và các đơn vị chức năng trực thuộc”, Thứ trưởng yêu cầu.
Nâng cao chất lượng đội ngũ và công việc
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định Văn phòng Bộ là cơ quan tham mưu tổng hợp và phục vụ trực tiếp sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ ở tất cả các lĩnh vực.
“Bộ chúng ta có bao nhiêu lĩnh vực, có bao nhiêu công việc thì bấy nhiêu lĩnh vực và công việc Văn phòng Bộ đều là những người có chức năng, có nhiệm vụ tham mưu và phục vụ, từ tổng hợp, biên tập đến hành chính, quản trị,…”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh công tác đối nội, Văn phòng Bộ cũng có chức năng giúp lãnh đạo Bộ trong công tác đối ngoại.
Do vậy, Văn phòng có vai trò, vị trí cực kỳ quan trọng, dẫn đến công việc có tính chất rất đặc thù:
Thứ nhất, phải rất bao quát, quán xuyến nhưng cũng đòi hỏi rất cụ thể.
Thứ hai, phải rất khoa học, có chương trình, kế hoạch nhưng khi thực thi cũng phải rất linh hoạt, “bởi nếu không khoa học thì sẽ rối bời, nếu không linh hoạt thì sẽ rơi vào trạng thái lúng túng, bị động”.
Thứ ba, phải rất khẩn trương, hay có việc đột xuất nhưng đòi hỏi luôn chu đáo và “chuẩn chỉ”.
Thứ tư, công việc bận rộn, vất vả nhưng vẫn phải vui vẻ, cởi mở; đồng thời giữ được sự kín kẽ và sâu sắc cần thiết.
Thứ năm, công việc văn phòng rất vất vả và người làm văn phòng có lúc rất thiệt thòi cả về vật chất và tinh thần, nhưng đòi hỏi phải rất tận tụy và vô tư.
“Làm công tác văn phòng ở một Bộ kinh tế đa ngành như Bộ Công Thương, thì 5 cặp phạm trù này lại càng rõ nét, vì thế đòi hỏi từ lãnh đạo cho đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở đây phải quán triệt, thực hiện cho được những điều đó”, Bộ trưởng khẳng định.
Tuy nhiên, Văn phòng Bộ cũng có “tài sản” vô giá là các mối quan hệ được xây dựng và củng cố, qua đó có cơ hội tiếp xúc và mở rộng hiểu biết nhiều hơn, trưởng thành một cách vững chắc.
"Từ những định nghĩa khái quát đó, tôi mong rằng các đồng chí lãnh đạo Văn phòng, các phòng, các bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của mình sẽ tự liên hệ, đối chiếu xem trong thời gian qua, đặc biệt trong năm qua, chúng ta làm tốt cái gì, chưa tốt cái gì, so với những điều tôi vừa nêu thì chúng ta cần có hành động thế nào”.
Theo Bộ trưởng, năm 2022 và những năm tiếp theo, Bộ Công Thương sẽ triển khai hàng loạt các công việc trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng và các chỉ đạo của Trung ương, của Chính phủ. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ để phục hồi kinh tế sau đại dịch và phải nỗ lực rất cao để khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại.
Bộ Công Thương cũng sẽ cần triển khai thực hiện những nhiệm vụ để giúp cộng đồng doanh nghiệp, giúp đất nước hội nhập một cách đầy đủ với thế giới, thể hiện qua nội lực nền kinh tế, khả năng tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam.
Những bối cảnh này tác động trực tiếp đến công tác của Văn phòng, đòi hỏi từ lãnh đạo đến mỗi cán bộ, chuyên viên, nhân viên của Văn phòng dù đứng ở góc độ nào. Do vậy, Bộ trưởng đề nghị Văn phòng Bộ tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, từ lãnh đạo đến cán bộ, chuyên viên, nhân viên, người lao động tại Văn phòng đều phải xác định tiếp tục nghiên cứu, quán triệt các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và các chỉ đạo của lãnh đạo Bộ. Quan tâm đến việc tổng kết thực tiễn, tổng kết kinh nghiệm đã qua và thật sâu sát với cơ sở, với thực tiễn để kịp thời nắm bắt, phát hiện những bất cập, từ đó tham mưu cho lãnh đạo Bộ có hoạch định, chủ trương, có kế hoạch, biện pháp và triển khai thực hiện có hiệu quả.
Thứ hai, cần bám sát hơn sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Trung ương và Chính phủ, bám sát hơn đến chương trình công tác, làm việc của Bộ. Căn cứ vào diễn biến thực tiễn, tình hình để tham mưu cho lãnh đạo Bộ triển khai, đôn đốc, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Ngành và những nhiệm vụ liên quan đến Ngành nhằm đạt kết quả cao nhất.
Cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa đối với các đơn vị thuộc Bộ trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, trong việc tổng hợp, phân tích tình hình, đề xuất chủ trương mới; đồng thời chú ý quản lý, lưu trữ, khai thác hợp lý các hồ sơ nguồn và các tài liệu của Ngành theo đúng quy định.
Thứ ba, cần chú trọng phân cấp, giao việc nhưng phải quan tâm việc kiểm tra, đôn đốc, giám sát, tổng hợp, cập nhật tình hình một cách thường xuyên, liên tục để phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo.
Lãnh đạo Văn phòng cần phải bao quát nhưng cũng kỹ lưỡng, cụ thể hơn đối với công việc, nắm vững 5 phương thức lãnh đạo: Hoạch định chủ trương, đưa ra yêu cầu công việc - Phân công công việc rõ ràng - Giải thích cặn kẽ - Kiểm tra, giám sát thường xuyên - Nêu gương trong lời nói và hành động.
Lãnh đạo Văn phòng vừa phải chú trọng phối hợp thực hiện công việc chuyên môn của Ngành thông qua các đơn vị thuộc Bộ, vừa phải quan tâm chăm lo, quán xuyến công việc nội bộ cơ quan, đồng thời phải rất trách nhiệm trong tham mưu và thực hiện công tác đối ngoại, phản ánh thông tin đi kèm với đề xuất, tham mưu cho “đúng, trúng và phù hợp”.
Bên cạnh đó, tiếp tục kiện toàn và nâng cao chất lượng công tác văn thư, lưu trữ, bảo đảm phương châm tám chữ “Kịp thời - Chính xác - An toàn - Bí mật”. Công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản cần được chấn chỉnh mạnh mẽ theo hướng “Tiết kiệm - Hiệu quả - Đúng luật. Công tác lễ tân phải tiếp tục đổi mới theo hướng chuyên nghiệp và chu đáo. Công tác phục vụ và hậu cần để được tiếp tục đổi mới theo phương châm tận tụy và đầy đủ.
Văn phòng phải là một trong những đơn vị đi đầu trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành.
Thứ tư, cần quan tâm hơn nữa công tác giáo dục tư tưởng, phẩm chất đạo đức, tác phong của người làm văn phòng trung thành, tận tụy, linh hoạt, nghiêm túc và chu đáo; cởi mở, thận trọng trong kỷ luật phát ngôn; đồng thời rất chú ý công tác quản lý, sử dụng hợp lý tài chính, tài sản theo hướng tiết kiệm để chăm lo đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, trước hết là chăm lo cho đội ngũ văn phòng.
Thứ năm, tiếp tục duy trì, củng cố khối đoàn kết nội bộ, kỷ cương, kỷ luật trong từng đơn vị bằng cách mở rộng dân chủ, nghĩa là các việc phải được bàn bạc một cách dân chủ và công khai, phải được phân công, phân nhiệm một cách rõ ràng để khi cần thì kiểm tra, giám sát để chỉ ra lỗi phạm một cách cụ thể. Xây dựng và thực hiện một cách nghiêm chỉnh các quy chế, quy định dựa trên phát huy dân chủ. Phải tiến hành kiểm tra, giám sát thường xuyên và thực hiện chế độ nêu gương của tập thể lãnh đạo, người đứng đầu.