Doanh nghiệp sản xuất linh kiện tăng trưởng tốt
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết năm 2018, ông Ngô Văn Tuyển – Quyền Tổng giám đốc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM) cho biết, năm 2018, mặc dù có phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, tổng doanh thu của VEAM vẫn tăng trưởng 12%. Tuy nhiên doanh thu sản xuất công nghiệp đạt 1.977 tỷ đồng, giảm 3% so với năm 2017, chỉ đạt 72% kế hoạch năm. Công ty mẹ vẫn đạt được mục tiêu doanh thu và lợi nhuận theo nghị quyết của ĐHCĐ. Theo đó, tổng doanh thu của VEAM ước đạt 5.390 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kì, lợi nhuận sau thuế ước đạt 5.180 tỷ đồng, tăng 6% .
Hoạt động kinh doanh cốt lõi của VEAM dựa trên 3 trụ cột chính là công nghiệp hỗ trợ, động cơ và máy nông nghiệp và ô tô xe máy. Tuy nhiên, phần lớn lợi nhuận của VEAM năm 2018 đến từ các công ty liên doanh Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam và Ford Việt Nam với tỷ lệ góp vốn lần lượt là 20%, 30%, và 25%.
Công nghiệp hỗ trợ là điểm sáng trong kết quả sản xuất kinh doanh của VEAM 2018, đóng góp vào sự tăng trưởng doanh thu chung của Tổng công ty.Trong đó phải kể đếnCông ty Cơ khí chính xác số 1 là đơn vị tăng trưởng cao nhất năm 2018, vượt kế hoạch 66% và tăng 82% so với 2017.FOMECO tiếp tục tăng tăng trưởng mạnh trong năm 2018 cả về lợi nhuận, giá trị sản xuất và kinh doanh.Việc tích cực phát triển sản phẩm trong thời gian gần đây là tiền đề để Công ty duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại Trung Mỹ đã khiến làn sóng đầu tư nước ngoài chuyển sang Việt Nam, tạo điều kiện để Công ty phát triển khách hàng mới. Hiện FOMECO là Công ty có tỉ suất lợi nhuận trên vốn CSH cao nhất trong các công ty cổ phần.
Công ty Diesel Sông Công là một trong những công ty đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2017 trong đó có thu nhập tài chính từ lãi liên doanh là 281 tỷ đồng. Công ty là đơn vị sản xuất trục khuỷu cho Honda Việt Nam. Việc đầu tư máy dập mới 1000DT &400T (hoàn thành trong tháng 8/2018) cho dây truyền dập nóng trục khuỷu vừa đáp ứng mục tiêu cung cấp lâu dài sản phẩm cho Honda Việt Nam. Cổ phần Phụ tùng máy số 1 (FUTU1) cũng có doanh thu lớn về sản xuất công nghiệp. Hiện FUTU1 có chỉ số lợi nhuận cơ bản trên cổ phiếu tốt nhất trong số các công ty cổ phần và vẫn giữ được mức lợi nhuận khá tốt năm 2018.
Hoạt động thương mại dịch vụ của VEAM cũng tăng trưởng so với năm 2017. Doanh thu thương mại dịch vụ tăng trưởng cao là do có sự đóng góp của Matexim Hải Phòng.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh cốt lõi của VEAM là sản xuất động cơ và máy móc nông nghiệp đều suy giảm trong năm 2018. Tiêu thụ giảm sút nghiêm trọng cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Năm 2018 chứng kiến sự sụt giảm trong sản xuất kinh doanh của SVEAM. Do xu hướng sử dụng máy có công suất lớn hơn khiến sức tiêu thụ các loại động cơ và máy cày tay tại thị trường trong nước và xuất khẩu giảm 1/3 so với 2017. Do bất lợi về chính sách thuế VAT, dù sản phẩm có mẫu mã đẹp và chất lượng nhưng các sản phẩm của TAMAC cũng không thể cạnh tranh sản phẩm Trung Quốc. Cơ khí Trần Hưng Đạo tiếp tục sụt giảm đáng kể về giá trị sản xuất và doanh thu trong năm 2018.
Sản phẩm phải đáp ứng nhu cầu thị trường
Năm 2018 được coi là năm bản lề, sau khi công ty mẹ đã bước đầu ổn định với mô hình hoạt động của công ty cổ phần. Theo đó, các kế hoạch thnoái vốn nhà nước, niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán đã khiến Công ty có sự chuyển mình để phù hợp hơn với mô hình hoạt động mới. Tuy vậy cũng cần nhìn nhận một thực tế rằng, bên cạnh một vài doanh nghiệp đã tích cực khai thác các thiết bị mới được đầu tư và cho ra đời nhiều sản phẩm mới (Cơ khí Trần Hưng Đạo) thì các doanh nghiệp vẫn dựa vào sản phẩm truyền thống, chưa đưa ra các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Phát biểu tại hội nghị, ông Bùi Quang Chuyện – Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty VEAM cho rằng, dù các chỉ tiêu cơ bản hoàn thành, đặc biệt là chỉ tiêu lợi nhuận, tuy nhiên trong bối cảnh hội nhập, ngành máy nông nghiệp tiềm ẩn nhiều khó khăn, do đó doanh nghiệp phải xem xét và đánh giá lại toàn diện về khả năng cạnh tranh nếu không thị phần sẽ bị thu hẹp, hiệu quả sản xuất ngày càng thấp do đó “Phải thay đổi tư duy sản xuất, chuyển đổi sản phẩm , nâng cao doanh thu, chuyển đổi ngành nghề, đồng thời phải sản xuất cái thị trường cần”, ông Chuyện nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cần tập trung đẩy mạnh sản xuất, chế tạo, gia công các chi tiết, các cụm chi tiết đáp ứng cho nhu cầu của ngành công nghiệp nói chung và ngành máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam nói riêng, nâng cao năng lực sản xuất ngành công nghiệp hỗ trợ mà trước mắt phục vụ cho sản xuất xe máy, ô tô và các máy nông nghiệp.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao nỗ lực của Công ty trong bối cảnh khó khăn năm 2018, tuy nhiên VEAM “Cần phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh, cần tập trung trọng điểm vào các mặt hàng đang có lợi thế như: động cơ, máy kéo nông nghiệp, máy cày… Bên cạnh đó cần quản lý và sử tốt nguồn vốn và tài sản theo đúng pháp luật hiện hành”.
Tiếp thu chỉ đạo của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, ông Bùi Quang Chuyện bày tỏ, VEAM sẽ tập trung thực hiện tốt công tác về quản lý, vốn, điều hành kinh doanh, công tác đầu tư…để hoàn thành các mục tiêu tài chính, doanh thu mục tiêu năm 2019. Đồng thời kỳ vọng sẽ có thêm những nhà đầu tư mới, giúp VEAM tăng năng lực tài chính cũng như năng lực về quản trị và hàm lượng công nghệ sẽ hiện đại hơn, đem lại hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hơn trong năm 2019.