Theo báo cáo tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2019 của VEAM, doanh thu thuần đạt 4.488 tỷ đồng, giảm 37% so với doanh thu thực hiện năm 2018, và lợi nhuận gộp từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ đạt 65,4 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận gộp/doanh thu đạt 1,5%. Tuy nhiên nhờ khoản doanh thu tài chính gần gấp 2,2 lần, lên 903,3 tỷ đồng nên tính chung cả năm, trừ các loại chi phí, VEAM báo lãi sau thuế hợp nhất 7.319 tỷ đồng, tăng 4% so với lợi nhuận đạt được năm 2018. Trong đó lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ đạt 7.280 tỷ đồng.
Nhìn chung các chỉ tiêu doanh thu tài chính và lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ năm 2019 tăng trưởng mạnh là do các nguyên nhân: các công ty có vốn VEAM có kết quả hoạt động tốt; do tối ưu hóa nguồn tài chính nên hiệu quả đầu tư tài chính ngắn hạn trong năm 2019 được cải thiện.
Với kết quả sản xuất kinh doanh đã đạt được, HĐQT công ty trình phương án phân phối lợi nhuận năm 2019, trong đó dành hơn 6.979 tỷ đồng chia cổ tức tỷ lệ 52,524% cho cổ đông, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 5.252 đồng. Đây cũng là đợt chi trả cổ tức tiền mặt thứ ba của VEAM kể từ khi đưa cổ phiếu lên giao dịch tại sàn UPCoM. Trước đó, vào tháng 12/2019, VEAM đã chi hơn 5.160 tỷ đồng chi trả cổ tức năm 2018 với tỉ lệ chi trả 33,84%.
Nhờ thường xuyên duy trì lượng tiền mặt lớn và khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, VEAM dễ dàng huy động nguồn vốn để thực hiện chi trả cổ tức.
Năm 2020, VEAM tiếp tục tập trung tiêu thụ hàng tồn kho, hạn chế các sản phẩm mới đưa ra thị trường để giảm thiểu giá trị hàng tồn kho. Doanh thu tài chính năm 2020 dự kiến thấp hơn năm 2019 do giảm lãi ngân hàng và tác động của dịch bệnh Covid-19. Do đó VEAM đặt mục tiêu doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty mẹ đạt gần 1.171 tỷ đồng, tăng 71% so với năm 2019. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế 6.741 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ.
Để tiếp tục triển khai việc niêm yết cổ phiếu VEAM (mã VEA) lên sàn chứng khoán HOSE, nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động và quản trị, tăng thanh khoản và nâng cao vị thế, thương hiệu cho công ty, VEAM trình Đại hội thông qua việc niêm yết cổ phiếu. Đồng thời ủy quyền cho HĐQT thực hiện các thủ tục liên quan. Trước đó, Đại hội cổ đông thường niên năm 2019 cũng đã thông qua việc niêm yết cổ phiếu VEA lên Sở GDCK Thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên VEAM chưa thực hiện được do có yếu tố ngoại trừ trọng yếu trong BCTC năm 2018 và 2019.
Tại Đại hội cổ đông 2020, HĐQT VEAM đã thực hiện việc miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với các ông: Bùi Quang Chuyện, Ngô Văn Tuyển, Lê Hữu Phúc, Vũ Quang Tâm. Đồng thời bầu bổ sung các thành viên HĐQT gồm ông Nguyễn Khắc Hải, Phan Phạm Hà, Phạm Kim Khoa.
HĐQT VEAM đã bầu ông Nguyễn Khắc Hải làm Chủ tịch HĐQT VEAM và ông Phan Phạm Hà làm Tổng Giám đốc VEAM. Ông Nguyễn Khắc Hải cũng nhất trí từ nhiệm Q. Tổng Giám đốc VEAM để nhận nhiệm vụ mới.
“Sự tín nhiệm của cổ đông và HĐQT dành cho các nhân tôi là vinh dự nhưng cũng là trọng trách. Với cương vị là người đứng đầu VEAM, tôi cam kết sẽ cùng với Ban lãnh đạo Tổng Công ty, CBCNV đoàn kết, nỗ lực để đưa VEAM ngày càng phát triển bền vững, hiệu quả, bảo đảm cổ tức cho các cổ đông, đặc biệt là cổ đông nhà nước và đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động” Ông Phan Phạm Hà, tân Tổng Giám đốc VEAM phát biểu tại Đại hội.
Hoạt động kinh doanh cốt lõi của VEAM dựa trên 3 trụ cột chính là công nghiệp hỗ trợ, động cơ và máy nông nghiệp và ô tô xe máy. Tuy nhiên, phần lớn lợi nhuận của VEAM đến từ hoạt động liên doanh, liên kết. Hiện VEAM sở hữu 30% cổ phần Honda, 20% tại Toyota và 25% của Ford. Đây là nguồn thu chủ lực đem lại lợi nhuận của VEAM trong nhiều năm qua.
Đến này, sau 3 năm cổ phần hóa, VEAM dần thích ứng với mô hình hoạt động mới, công tác quản lý và điều hành hoạt động theo mô hình công ty cổ phần của VEAM ngày càng hoàn thiện hơn. VEAM đang tiếp tục lộ trình thực hiện việc thoái vốn nhà nước tại VEAM theo đúng qui định. Thời gian tới, VEAM tiếp tục thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, sẽ thay đổi hình thức sở hữu, mô hình quản trị đối với các công ty con, công ty liên kết và các chi nhánh theo hướng tinh gọn, năng động, minh bạch, hiệu quả. Đồng thời, khai thác có hiệu quả 3 lĩnh vực động cơ và máy nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp ô tô, xe máy.