Trong đó, mảng kinh doanh chủ lực của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán: VHC – sàn: HoSE) là cá tra fillet đã ghi nhận doanh thu trong tháng 4/2023 giảm 55% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 519 tỷ đồng. Doanh thu của mảng bánh phồng tôm, sản phẩm phụ và mảng sản phẩm chăm sóc sức khoẻ lần lượt giảm 46%, 34% và 28% so với cùng kỳ tháng 4/2022. Chỉ duy nhất mảng sản phẩm bún và bánh gạo ghi nhận tăng trưởng doanh thu 16%, đạt mức 17 tỷ đồng trong tháng 4/2023.
Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn cho biết hoạt động xuất khẩu tại tất cả các thị trường chính đều kém tích cực. Cụ thể, doanh thu tại thị trường Hoa Kỳ trong tháng 4/2023 giảm tới 69% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 308 tỷ đồng. Doanh thu tại thị trường Trung Quốc và châu Âu cùng giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, doanh thu tại thị trường nội địa của Vĩnh Hoàn giảm 24%, xuống chỉ còn 203 tỷ đồng trong tháng 4/2023.
Luỹ kế 4 tháng đầu năm nay, doanh thu của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn đạt 3.121 tỷ đồng và tương ứng hoàn thành 27% kế hoạch năm. Kết quả kinh doanh kém tích cực của Vĩnh Hoàn là tình hình chung của ngành thuỷ sản Việt Nam trong những tháng gần đây khi thị trường thế giới vẫn bị tác động nặng nề bởi lạm phát và kinh tế suy yếu khiến nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản sụt giảm trên quy mô toàn cầu.
Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn hiện giữ vị trí đầu ngành, chiếm 15,4% về giá trị và 10,31% về sản lượng xuất khẩu toàn ngành cá tra của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu cá tra của Vĩnh Hoàn đứng đầu Việt Nam ở các thị trường: Hoa Kỳ (chiếm 46%), Anh (29%) và Canada (26%).
Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch ngày 26/5, cổ phiếu VHC của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn có mức giá tham chiếu tại 57.000 đồng/cổ phiếu.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), tính chung 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tất cả các dòng sản phẩm cá tra của Việt Nam đều sụt giảm mạnh. Trong đó, xuất khẩu cá tra fillet/cắt khúc đông lạnh (mã HS 0304) đạt 471 triệu USD, giảm 45%; xuất khẩu cá tra tươi/đông lạnh/khô (mã HS 03) đạt 89 triệu USD, giảm 9%; xuất khẩu cá tra chế biến (mã HS 16) chỉ đạt 9 triệu USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về thị trường, xuất khẩu cá tra sang tất cả các thị trường đều giảm, đáng chú ý các thị trường trọng điểm là Hoa Kỳ và Trung Quốc đều giảm sâu. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) chỉ đạt 183 triệu USD, giảm 39%; xuất khẩu sang Hoa Kỳ chỉ đạt 86 triệu USD, giảm 64% so với cùng kỳ năm 2022. VASEP cũng cho biết lượng hàng tồn kho tại Hoa Kỳ hiện vẫn còn ở mức cao.
Tuy nhiên, đã ghi nhận tín hiệu tích cực tại một số thị trường như Singapore, Anh và Đức. Cụ thể, xuất khẩu cá tra sang Anh và Singapore lần lượt đạt 22 triệu USD và 12 triệu USD trong 4 tháng đầu năm 2023, tương ứng tăng 13% và tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022. Anh hiện là một trong số các nền kinh tế lớn có tỷ lệ lạm phát cao nhất trên thế giới. Do đó, việc xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường này vẫn ghi nhận tăng trưởng dương 2 con số là điểm sáng.
VASEP nhấn mạnh hậu quả của lạm phát cao, kéo dài và lượng hàng tồn kho của các nhà bán lẻ đang những khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam. Người nuôi và doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức từ thị trường sụt giảm, chi phí nguyên liệu và các chi phí đầu vào khác tăng cao, lợi nhuận giảm mạnh, thiếu vốn đề quay vòng sản xuất kinh doanh.