Viện nghiên cứu Cơ khí: Vững vai trò nội địa hóa thiết bị nhiệt điện

Sau gần 3 năm thực hiện Quyết định 1791/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước, thiết bị các nhà máy nhiệt điện trong giai đoạn 2012 - 2025

Theo Quyết định 1791/QĐ-TTg ngày 29/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ, Narime được giao nhiệm vụ chủ trì để tiếp nhận chuyển giao công nghệ và thực hiện thiết kế, chế tạo các hạng mục thiết bị các nhà máy nhiệt điện. Do đây là lần đầu tiên trong nước thực hiện nên gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, từ cơ chế chính sách, vốn cho dự án, đến năng lực kinh nghiệm còn hạn chế. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực, Narime đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và bước đầu thu được những kết quả đáng ghi nhận.

Trong công tác chuẩn bị năng lực, kinh nghiệm, trang thiết bị để tham gia thiết kế, chế tạo các hệ thống thiết bị phụ nhà máy nhiệt điện, tính đến thời điểm này, với sự giúp đỡ từ nhà thầu nước ngoài, có ba hạng mục đã hoàn toàn thực hiện được, bao gồm các hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP) với tỷ lệ nội địa hóa khoảng 80%, hệ thống cung cấp than (CHS) và hệ thống thải tro, xỉ (ASH) khoảng 50%.

Hệ thống thiết bị chế tạo thanh gai cực phóng

Đối với hệ thống ESP, đã hoàn thành thiết kế, cung cấp thiết bị, lắp đặt và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật cho dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1. Chuẩn bị triển khai thực hiện đồng bộ hệ thống ESP cho dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1 do Marubeni làm tổng thầu với tỷ lệ nội địa hóa chiếm hơn 70% trên tổng giá trị gói thầu. Để nâng cao năng lực trong công tác chế tạo các thiết bị lọc bụi tĩnh điện, đặc biệt là các thiết bị chính và khó, quyết định đến chất lượng của thiết bị như tấm cực lắng, cực phóng, hệ thống điện điều khiển, bộ gõ, Narime đã đầu tư một hệ thống thiết bị đồng bộ để chế tạo như: 2 dây chuyền sản xuất tấm cực lắng tự động, trong đó 1 dây chuyền sản xuất với kích thước sản phẩm đạt được 480mm x15000 mm theo tiêu chuẩn profile châu Âu và 1 dây chuyền sản xuất với kích thước sản phẩm đạt được là 640mmx15605mm theo tiêu chuẩn profile theo bản quyền của nhà sản xuất MHI - Nhật Bản, hệ thống máy đột dập và sản xuất thanh gai cực phóng với chiều dài theo thiết kế, hệ thống máy chế tạo búa gõ và tai treo tấm cực lắng, các thiết bị để thử nghiệm hệ thống lọc bụi tĩnh điện. Với đầu tư này hơn 90% các chi tiết thuộc hệ thống ESP sẽ được chế tạo tại Việt Nam cùng sự hỗ trợ của tư vấn nước ngoài. Công suất chế tạo cho toàn bộ hệ thống có thể đạt được khoảng 6 bộ ESP/năm, tương đương với 3 dự án nhiệt điện 2x600 MW.

Đối với hệ thống CHS, Narime đã thành công trong việc thiết kế và cung cấp các hệ thống thiết bị tương tự như: hệ thống CHS cho nhà máy nhiệt điện thuộc Vinakraft, hệ thống vận chuyển Bauxit Tân Rai với chiều dài hệ thống băng tải tới 4,9 km và đang tiếp tục hoàn thành thiết kế và chế tạo hệ thống băng tải dài 4,9 km cho dự án Bauxit Nhân Cơ công suất 720 tấn/giờ. Để chế tạo các thiết bị băng tải có công suất lớn, tốc độ cao, chất lượng đáp ứng yêu cầu như hệ thống CHS trong các nhà máy nhiệt điện, Narime sẽ hoàn thành việc đầu tư mới vào tháng 5/2016 hệ thống dây chuyền thiết bị đồng bộ để chế tạo một số chi tiết quan trọng như con lăn, tang băng tải, bộ chạy cho thiết bị bốc dỡ than, máy đánh đống và phá đống, hệ thống làm sạch, căng băng, hệ thống thử nghiệm, hệ thống điện điều khiển. Cùng với các thiết bị được đầu tư đồng bộ này, một số thiết bị chính như con lăn, tang băng tải, giá đỡ con lăn, bộ căng băng… thuộc hệ thống cung cấp than sẽ được trong nước chế tạo với sự kiểm soát chặt về chất lượng, tiến độ, đáp ứng được yêu cầu đặt ra về tuổi thọ từ 10.000 đến 30.000 giờ ở điều kiện làm việc đủ tải. Năng suất của toàn bộ hệ thống có thể đạt được khoảng 50.000 con lăn và tang các loại/năm đáp ứng được nhu cầu của ít nhất cho 3 nhà máy nhiệt điện đầu tư mới/năm. Với năng lực, kinh nghiệm của mình cùng với việc đầu tư bổ sung các trang thiết bị mới, Narime đã được lựa chọn là nhà thầu thiết kế và cung cấp hệ thống CHS trọn bộ cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, tổng khối lượng toàn bộ phần kết cấu thép và thiết bị dự án khoảng 4.500 tấn trong đó giá trị trong nước thực hiện khoảng 50,2%.

Đối với hệ thống AHS, Narime là nhà thầu chính, phối hợp với nhà thầu UCC thực hiện thiết kế và cung cấp đồng bộ hệ thống AHS cho nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1 do Marubeni làm tổng thầu. Ngoài ra, Narime cũng đang chuẩn bị xuất khẩu một số thiết bị thuộc hệ thống AHS cho dự án Mae Moh tại Thái Lan.

Để chuẩn bị cho nhiệm vụ chủ trì để tiếp nhận chuyển giao công nghệ và thực hiện thiết kế, chế tạo các hạng mục thiết bị các nhà máy nhiệt điện, trên cơ sở nguồn nhân lực hiện có khoảng 500 người, Viện đã cử kỹ sư tham gia vào các khoá học tập tại nước ngoài về thiết kế các thiết bị chuyên ngành, mở các khoá học chuyên ngành về thiết bị nhà máy nhiệt điện nhằm đáp ứng các nhu cầu về nguồn nhân lực cho nhiệm vụ được giao.

Với những kết quả đạt được, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về đầu tư, về năng lực, về nguồn nhân lực cũng như về chuyển giao công nghệ Narime chắc chắn sẽ hoàn thành nhiệm vụ về nội địa hóa thiết bị nhiệt điện, được Chính phủ, Bộ Công Thương giao phó trong Quyết định 1791.