Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày hôm nay, 14 tháng 01 năm 2019 theo Nghị quyết của Quốc hội và các văn kiện có liên quan. Với 11 nước tham gia, CPTPP là một trong những hiệp định thương mại lớn nhất thế giới và khi được thực thi đầy đủ, sẽ bao gồm một thị trường gần 500 triệu người tiêu dùng, chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu.
11 nền kinh tế CPTPP bao gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam. Theo đánh giá, tham gia Hiệp định, GDP của Việt Nam có khả năng tăng thêm 1,32% tính đến năm 2035, trong trường hợp đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ, GDP có thể tăng thêm 2,01%. Các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như nông, thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng thêm 4,04% và nhập khẩu tăng thêm 3,8% vào năm 2035; tổng số việc làm tăng thêm hàng năm từ 20.000 đến 26.000 lao động.
Con số dự báo xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm 4,04% vào năm 2035 cho thấy phải chăng việc thực thi CPTPP chưa có khả năng tạo ra bước đột phá cho xuất khẩu nước ta? Nhưng thực tế đúng là như vậy. Bởi lẽ, trong 10 nước đối tác của CPTPP thì ta đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) với 7 nước theo hình thức song phương hoặc đa phương hoặc cả hai. Cụ thể, với Úc và New Zealand ta có FTA đa phương Khu vực thương mại tự do ASEAN-Úc-Niu Di Lân (AANZFTA); với Brunei, Malaysia, Singapore, ta có FTA đa phương Khu vực mậu dịch tự do Asean; với Chile ta có FTA song phương Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Chi lê; với Nhật Bản, ta vừa có FTA song phương Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), vừa có FTA đa phương Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Asean - Nhật Bản (AJCEP).
Như vậy, CPTPP chỉ tạo ra 3 thị trường thương mại tự do mới là Canada, Mexico và Peru. Đây không phải là những thị trường quá lớn nên khả năng đem lại đột phá cho xuất khẩu là không cao. 3 thị trường này sẽ dành những gì cho ta trong CPTPP? Ca-na-đa cam kết xoá bỏ thuế nhập khẩu cho 95% số dòng thuế và 78% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ca-na-đa ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Trong đó, 100% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và 100% kim ngạch xuất khẩu gỗ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Với Mexico, đã cam kết xóa bỏ 77,2% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 36,5% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 98% số dòng thuế vào năm thứ 10 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Còn với Pê-ru, đã cam kết xóa bỏ 80,7% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 62,1% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99,4% số dòng thuế vào năm thứ 17 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Trên thực tế, cả 3 thị trường mới này ta đều đạt được thặng dư thương mại trong những năm qua. Năm 2017, Việt Nam xuất khẩu sang Mexico 2,34 tỷ USD, nhập về 567 triệu USD; xuất sang Canada 2,7 tỷ USD, nhập về 774 triệu USD; xuất sang Peru 331 triệu USD, nhập về 117 triệu USD.