Việt Nam hoàn thành Chương trình chuyển đổi nhiên liệu hạt nhân lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt

Vào lúc 5 giờ 5 phút ngày 3/7/2013 giờ Việt Nam (22 giờ 5 phút ngày 2/7/2013 giờ GMT), chiếc máy bay vận tải AN-124-100 của Hàng không Liên bang Nga đã cất cánh từ sân bay quân sự Biên Hòa, đưa 11 kg

Đây là sự kiện hết sức có ý nghĩa, không chỉ đánh dấu việc hoàn thành Chương trình chuyển đổi nhiên liệu cho Lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt từ nhiên liệu có độ làm giàu cao sang nhiên liệu có độ làm giàu thấp mà còn là một điểm mốc đáng nhớ ghi nhận nỗ lực toàn cầu trong việc bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân toàn thế giới. Đây có thể coi là chiến dịch đỉnh điểm của một quá trình phức tạp với sự nỗ lực và phối hợp của nhiều thành phần giữa các cơ quan chức năng của Việt Nam với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Cơ quan An ninh hạt nhân quốc gia Hoa Kỳ (NNSA), Tập đoàn Năng lượng nguyên tử nhà nước Liên bang Nga (ROSATOM) trong nhiều năm.

Sự kiện này một lần nữa thể hiện chính sách nhất quán của Việt Nam là chỉ sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.

Thành công của Chương trình chuyển đổi nhiên liệu còn thể hiện những cố gắng liên tục của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và các cơ quan chức năng khác của Việt Nam trong suốt một thời gian khá dài.

Như chúng ta đã biết, nguyên bản của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt là lò phản ứng TRIGA MARK II được xây dựng và đưa vào hoạt động năm 1963 với công suất 250 kW. Lò phản ứng chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn và phải dừng hoạt động do chiến tranh. Các thanh nhiên liệu cũ của lò phản ứng đã được đưa về Hoa Kỳ trước khi thống nhất đất nước. Sau thời gian đó lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã được các chuyên gia Liên Xô thiết kế lại, nâng công suất đến 500 kW và đưa vào hoạt động từ năm 1984 cho đến nay. Trước khi đưa vào vận hành lò phản ứng, năm 1983 Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế đã tài trợ kinh phí để Việt Nam mua 140 bó nhiên liệu hạt nhân độ làm giàu cao (Highly Enriched Uranium – HEU) loại WWR-M2 chuẩn do Liên Xô chế tạo để làm nhiên liệu cho lò phản ứng

Thực hiện khuyến cáo của IAEA và theo thỏa thuận của Hoa Kỳ và Liên bang Nga, các lò phản ứng nghiên cứu sử dụng nhiên liệu urani có độ làm giàu cao (trên 20% U-235) đều phải chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu có độ làm giàu thấp (Low Enriched Uranium – LEU, dưới 20% U-235). Lý do là nhiên liệu LEU không thể sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân. Lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt là một trong số 20 lò phản ứng của 17 quốc gia sử dụng nhiên liệu HEU do Liên Xô cung cấp nên cần phải chuyển đổi sang nhiên liệu LEU.

Tháng 11 năm 2006 tại Hà Nội, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ George W. Bush đã ký Tuyên bố chung, theo đó hai nước thỏa thuận việc Việt Nam tham gia Chương trình chuyển đổi nhiên liệu cho lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt từ sử dụng nhiên liệu có độ làm giàu cao sang nhiên liệu có độ làm giàu thấp. Trên cơ sở Tuyên bố chung, bắt đầu từ năm 2007 đến nay Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với IAEA, NNSA và ROSATOM để thực hiện Chương trình chuyển đổi nhiên liệu cho lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu Đà Lạt.

Dựa trên kinh nghiệm của các nước và yêu cầu thực tế của Việt Nam là không làm gián đoạn kế hoạch vận hành lò phản ứng, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phương án chuyển đổi nhiên liệu của Lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt được chia làm hai giai đoạn chính như sau:

Giai đoạn 1: Chuyển đổi nhiên liệu độ giàu cao chưa qua sử dụng (2007-2009)

Các nhiệm vụ được thực hiện trong giai đoạn này bao gồm: tiếp nhận 36 bó nhiên liệu LEU chuẩn từ Liên bang Nga; thực hiện tái nạp nhiên liệu lần thứ 6 bằng việc lấy ra khỏi vùng hoạt 8 bó nhiên liệu HEU và nạp vào vùng hoạt 6 bó nhiên liệu LEU, khởi động lò phản ứng với vùng hoạt pha trộn gồm 98 bó nhiên liệu HEU và 6 bó nhiên liệu LEU; chuyển trả 35 bó nhiên liệu HEU chưa qua sử dụng về lại Liên bang Nga.

Đến ngày 15/9/2007 cả 3 nội dung trên đã được thực hiện, 35 bó nhiên liệu HEU chưa sử dụng (tổng cộng 3,8693 kg urani, trong đó 1,41805 kg U-235) đã được chuyển trả về Liên bang Nga an toàn với sự tham gia hiệu quả của các Bộ, ngành trong nước và sự hợp tác chặt chẽ với các cơ quan liên quan của IAEA, Hoa kỳ và Liên bang Nga. Từ tháng 9/2007, Lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt đã được vận hành với cấu hình vùng hoạt pha trộn theo hình thức nạp thử nghiệm dần với cấu hình lúc đầu là 98 bó nhiên liệu HEU và 6 bó nhiên liệu LEU, sau đó từ tháng 7/2009 với cấu hình 92 bó nhiên liệu HEU và 12 bó nhiên liệu LEU.

Giai đoạn 2: Chuyển đổi nhiên liệu độ giàu cao đã qua sử dụng (2010-2013)

Trong giai đoạn này, các nhiệm vụ được tiến hành bao gồm: tiếp nhận thêm 66 bó nhiên liệu LEU mới do Liên bang Nga sản xuất (do phía Hoa Kỳ tài trợ kinh phí để Việt Nam mua từ Liên bang Nga). Thay thế toàn bộ 92 bó nhiên liệu HEU đang sử dụng trong Lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt bằng các bó nhiên liệu LEU. Như vậy tổng cộng có 102 bó nhiên liệu LEU đang được Viện Nghiên cứu hạt nhân (Đà Lạt) quản lý và sử dụng; Sau khi lấy ra từ vùng hoạt của lò phản ứng, tất cả 106 bó nhiên liệu HEU được lưu giữ tại bể chứa nhiên liệu bên cạnh thùng lò phản ứng để làm nguội về phóng xạ; Chuyển trả 106 bó nhiên liệu HEU đã qua sử dụng (sau khi đã được làm nguội khoảng 2-3 năm) về lại Liên bang Nga. 

Cuối năm 2011 Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã hoàn thành việc thay thế và chuyển đổi thành công Lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt sang vận hành hoàn toàn bằng nhiên liệu LEU. Đây là một trong 10 sự kiện khoa học và công nghệ tiêu biểu của Việt Nam trong năm 2011. Cấu hình vùng hoạt làm việc hiện tại của Lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt gồm 92 bó nhiên liệu LEU (trong đó có 80 bó nhiên liệu mới và 12 bó nhiên liệu đã cháy một phần, độ cháy khoảng từ 1,5 đến 3,5 %) và bẫy nơtron ở trung tâm. Với cấu hình này dự trữ độ phản ứng là 9,5 $ và dự trữ dập lò là 2,5 $ đảm bảo cho lò vận hành trên 10 năm với mức độ khai thác như hiện nay và luôn hoạt động an toàn. Từ tháng 3/2012, Lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt với vùng hoạt sử dụng nhiên liệu LEU đã được đưa vào vận hành an toàn và tiếp tục khai thác có hiệu quả.

Tháng 3 năm 2012, Việt Nam và Liên bang Nga đã ký Hiệp định hợp tác đưa về Liên bang Nga nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng của lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu Đà Lạt.

Giai đoạn cuối cùng của Chương trình chuyển đổi nhiên liệu lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt là thực hiện Kế hoạch đưa 106 bó nhiên liệu HEU (tổng cộng 11,6093 kg urani, trong đó có 4,2561 kg U-235) đã qua sử dụng từ lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt về Liên bang Nga.

Căn cứ vào ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ra Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ Công tác liên ngành về chuyển trả nhiên liệu hạt nhân độ giàu cao đã qua sử dụng tại lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt về Liên bang Nga.

Ban chỉ đạo đã xem xét, xây dựng và phân công thực hiện kế hoạch chuyển trả về Liên bang Nga 106 bó HEU đã qua sử dụng tại lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt.

Để thực hiện Kế hoạch này từ tháng 4/2013 Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã phối hợp các Bộ, ngành, cơ quan có trách nhiệm khác tiến hành hàng loạt các thủ tục hành chính cần thiết và thực hiện việc tiếp nhận 5 ISO container thiết bị và dụng cụ cần thiết cho hoạt động chuyển trả nhiên liệu. Những container này được vận chuyển bằng đường biển đến cảng Cái Mép, Vũng Tàu, sau đó vận chuyển theo đường bộ đến Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Cán bộ Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt phối hợp với chuyên gia Liên bang Nga, Cộng hòa Séc đã thực hiện việc nạp 106 bó nhiên liệu HEU đã qua sử dụng vào thùng chứa chuyên dụng do Cộng hòa Séc chế tạo (Skoda cask). Với tinh thần chủ động, sáng tạo các cán bộ Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đã cải tiến thành công tay gắp nhiên liệu và đã rút ngắn được thời gian nạp nhiên liệu vào thùng chứa chuyên dụng 4 ngày so với dự kiến. Các chuyên gia của IAEA, Hoa Kỳ, Liên bang Nga và Cộng hòa Séc đã đánh giá rất cao sáng kiến cải tiến này và ghi nhận chính nhờ nỗ lực vượt bậc của các cán bộ Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt mà việc đưa 106 bó nhiên liệu HEU về lại Liên bang Nga đã hoàn thành đúng kế hoạch đề ra.

Bộ Quốc phòng theo phân công nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ đã xây dựng phương án tác chiến, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện việc vận chuyển nhiên liệu từ lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt về sân bay Biên Hòa, bảo đảm việc tiếp đón máy bay vận tải hạng nặng AN-124-100 của Hàng không Liên bang Nga xuống sân bay Biên Hòa để vận chuyển nhiên liệu về Liên bang Nga.

Bộ Công an cũng xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo đảm an ninh cho đoàn vận chuyển cũng như tiến hành công tác bảo vệ cán bộ Tổ Công tác liên ngành và chuyên gia nước ngoài tham gia thực hiện Chương trình chuyển đổi (chuyển trả) nhiên liệu.

Trong suốt quá trình đó công tác bảo đảm an toàn bức xạ, bảo vệ thực thể hạt nhân cũng được thực hiện tuân thủ đúng các quy định theo thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế.

Đoàn xe vận chuyển nhiên liệu HEU đã qua sử dụng (được chứa trong thùng chứa chuyên dụng Skoda và đặt trong ISO Container) do Công an và Quân đội hộ tống xuất phát từ Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt lúc 5 giờ sáng ngày 1/7/2013 để tới sân bay quân sự Biên Hòa. Ngay sau khi đoàn xe rời thành phố Đà Lạt, vào lúc 6 giờ 24 phút cùng ngày, chiếc máy bay AN-124-100 đã hạ cánh xuống sân bay Biên Hòa và được hướng dẫn lăn bánh vào sân đỗ an toàn. Các chuyên gia Liên bang Nga, Cộng hòa Séc cùng các cán bộ của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đã làm việc hết sức mình để chuẩn bị cho hoạt động chuyển thùng chứa nhiên liệu chuyên dụng (Skoda cask) vào thiết bị bảo vệ đặc biệt (TUK cask) do công ty Sosny của Liên bang Nga chế tạo, rồi chuyển vào máy bay. Thiết bị bảo vệ đặc biệt này lần đầu tiên được sử dụng cho việc vận chuyển nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng bằng đường hàng không với mục đích bảo đảm an toàn tuyệt đối, không gây rò rỉ phóng xạ ra môi trường kể cả khi máy bay gặp sự cố trong khi bay. Sáng ngày 2/7/2013, hoàn thành việc chuyển thiết bị bảo vệ đặc biệt có chứa Skoda cask vào máy bay. Lực lượng an ninh của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an được triển khai xung quanh khu vực sân bay nhằm bảo vệ nhiên liệu hạt nhân và bảo vệ máy bay chuyên chở. An ninh cũng được tăng cường tại khách sạn nơi phi hành đoàn nghỉ đêm.

Đêm ngày 2 rạng sáng ngày 3/7/2013, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo kiêm Tổ trưởng Tổ Công tác liên ngành, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Đình Tiến cùng đông đảo cán bộ thành viên Tổ Công tác liên ngành, chuyên gia quốc tế và các lực lượng bảo vệ, lực lượng an ninh đã có mặt tại sân bay chứng kiến giờ phút hồi hộp và vui mừng khi nhiệm vụ hoàn thành. Nhiều người đã tỏ rõ sự căng thẳng khi có thông báo máy bay sẽ cất cánh chậm so với dự kiến ban đầu khoảng 4 giờ.

Sự căng thẳng chỉ được giảm bớt khi vào lúc 4 giờ sáng các hoạt động chuẩn bị cho máy bay cất cánh trở nên nhộn nhịp hơn. Động cơ máy bay bắt đầu gầm rú to hơn, hai đèn pha công suất lớn chiếu sáng đường băng. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Đình Tiến, Viện phó Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam Nguyễn Nhị Điền được mời lên đài chỉ huy sân bay. Máy bay từ từ theo xe dẫn đường lăn bánh ra đường băng. Đúng 5 giờ 5 phút ngày 3/7/2013 từ phía cuối đường băng chiếc máy bay vận tải khổng lồ bắt đầu tăng tốc độ, nhẹ nhàng rời đường băng, nhanh chóng lấy độ cao và khuất dần vào trong mây trước sự vui mừng của tất cả những người chứng kiến.

Trong khi đó tại Viên, Cộng hòa Áo, ngay sau khi đoàn xe vận chuyển nhiên liệu hạt nhân xuất phát từ Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, tại Hội nghị quốc tế về an ninh hạt nhân năm 2013 do IAEA tổ chức tại trụ sở IAEA, Tổng Giám đốc IAEA Yuki Amano, trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại IAEA Đại sứ Nguyễn Thiệp, Bô trưởng Năng lượng Hoa Kỳ Ernest Moniz, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Ryabkov đã lần lượt công bố sự kiện quan trọng này. Và ngày 03/07/2013, ngay sau khi chiếc máy bay vận tải AN-124-100 của Hàng không Liên bang Nga đưa nhiên liệu hạt nhân độ làm giàu cao đã qua sử dụng rời Việt Nam, thông tin về việc Việt Nam hoàn thành việc đưa 11 kg urani độ làm giàu cao đã qua sử dụng cuối cùng ra khỏi Việt Nam đã được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và quốc tế.

Với việc hoàn thành chương trình chuyển đổi nhiên liệu này, Việt Nam trở thành quốc gia thứ 11 hoàn toàn loại bỏ nhiên liệu HEU kể từ khi tổng thống Mỹ, ông Barrack Obama đưa ra tuyên bố tại Praha về nỗ lực toàn cầu trong việc giữ gìn an ninh tất cả vật liệu hạt nhân nhạy cảm trên toàn thế giới.

Bộ trưởng Bộ Năng lượng Hoa Kỳ E. Moniz đã phát biểu: “... khi Việt Nam đã hoàn toàn loại bỏ nhiên liệu Urani có độ làm giàu cao, chúng ta có thể nói rằng quyết định của Việt Nam góp phần thể hiện cam kết của cộng đồng quốc tế nhằm bảo đảm rằng các thành phần khủng bố sẽ không thể có trong tay vũ khí hạt nhân”.

Sự kiện này đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ 2, tháng 3 năm 2012 tại Seoul, Hàn Quốc. Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác với IAEA và cộng đồng quốc tế trong việc áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân, thực hiện chính sách về phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân.