Theo số liệu cập nhật của Tổng cục Hải quan, trị giá nhập khẩu hàng hóa trong tháng 5/2024 đạt 32,72 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước, tương ứng tăng 2,74 tỷ USD. Trong đó, tăng mạnh nhất tập trung vào các nhóm hàng như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 1,03 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 533 triệu USD; kim loại thường và sản phẩm tăng 310 triệu USD; dầu thô tăng 276 triệu USD; sắt thép các loại và sản phẩm tăng 223 triệu USD.
Nhập khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng mạnh nhất
Tính đến hết tháng 5/2024, trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 147,66 tỷ USD, tăng mạnh 17,3%, tương ứng tăng 21,77 tỷ USD so với 5 tháng năm 2023. Trong đó, tăng mạnh nhất là nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (tăng 8,56 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng (tăng 2,4 tỷ USD); sắt thép các loại và sản phẩm (tăng 1,56 tỷ USD); nguyên phụ liệu dệt may, da giày (tăng 1,35 tỷ USD). Tính riêng 4 nhóm hàng trên, trị giá nhập khẩu đã tăng 13,97 tỷ USD so với 5 tháng năm 2023, chiếm 64% trị giá nhập khẩu tăng của cả nước.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: Trong tháng 5/2024, trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này đạt 8,64 tỷ USD, tăng 13,6% so với tháng trước và tăng gần 40% so với tháng 5/2023.
Tính đến hết tháng 5/2024, nhập khẩu nhóm hàng này đạt 40,29 tỷ USD, tăng 27,4%, tương ứng tăng 8,66 tỷ USD so với 5 tháng/2023 và đạt mức cao nhất so với cùng kỳ từ trước đến nay.
Hai thị trường chính cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam trong 5 tháng năm 2024 là: Trung Quốc với 13,09 tỷ USD, tăng mạnh 56,8% (tương ứng tăng 4,74 tỷ USD) và chiếm 32% trị giá nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện của cả nước; Hàn Quốc với 11,81 tỷ USD, tăng 14,4% (tương ứng tăng 1,5 tỷ USD) và chiếm 29%.
Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng: Trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 5 năm 2024 đạt 4,33 tỷ USD, tăng 14% tương ứng tăng 532 triệu USD so với tháng trước. Trong 5 tháng năm 2024, nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 18,46 tỷ USD, tăng 15% tương ứng tăng 2,4 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường chính cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam bao gồm: Trung Quốc đạt 10,72 tỷ USD, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 2,39 tỷ USD, chiếm 58% trị giá nhập khẩu của cả nước; Hàn Quốc đạt 2,25 tỷ USD, giảm 3,3%, tương ứng giảm 77 triệu USD; Nhật Bản đạt 1,6 tỷ USD, giảm 1,2%, tương ứng giảm 19 triệu USD.
Nhóm hàng nguyên, nhiên liệu: Trong tháng 5/2024, lượng nhập khẩu nhóm hàng nguyên, nhiên liệu đạt 9,11 triệu tấn, tăng 8,5% so với tháng trước với trị giá là 2,62 tỷ USD, tăng 2,7%. Trong đó, tăng mạnh nhất là nhóm hàng dầu thô với lượng đạt 1,4 triệu tấn, tăng 28% và trị giá đạt 955 triệu USD, tăng 40,6% so với tháng trước.
Trong 5 tháng năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu 38,8 triệu tấn nguyên, nhiên liệu, với trị giá là 11,78 tỷ USD, tăng 43,4% về lượng và tăng 19,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, lượng than đá nhập khẩu đạt 27,06 triệu tấn, tăng 60%; lượng dầu thô nhập khẩu đạt 5,8 triệu tấn, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước.
Lượng nhập khẩu xăng dầu các loại vào Việt Nam trong 5 tháng năm 2024 đạt 4,65 triệu tấn, tăng 11,4% so với 5 tháng/2023. Trong đó, lượng dầu Diesel nhập khẩu đạt 2,18 triệu tấn, giảm 0,5% và chiếm 47% lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước; lượng xăng nhập khẩu đạt 1,37 triệu tấn, tăng 52%.
Nhóm hàng nguyên, nhiên liệu nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu từ các thị trường: Indonesia đạt 11,42 triệu tấn, tăng 1,9 lần so với cùng kỳ năm trước; Australia đạt 7 triệu tấn, giảm 12,3%; Kuwait đạt 5,26 triệu tấn, tăng 26,9%.
Nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày: Trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 5/2024 đạt 2,63 tỷ USD, tăng 6,3% (tương ứng tăng 155 triệu USD) so với tháng trước. Tính chung, lũy kế trong 5 tháng năm 2024, nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu cho ngành dệt may da giày đạt 11,11 tỷ USD, tăng 13,8% (tương ứng tăng 1,35 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, vải các loại đạt 5,92 tỷ USD, tăng 11% (tương ứng tăng 586 triệu USD); nguyên phụ liệu dệt may da giày đạt 2,83 tỷ USD, tăng 18,5% (tương ứng tăng 443 triệu USD); bông các loại đạt 1,31 tỷ USD, tăng 12,5% (tương ứng tăng 146 triệu USD); xơ sợi dệt các loại đạt 1,05 tỷ USD (tăng 176 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước.
Nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may, da giày nhập khẩu vào Việt Nam trong 5 tháng năm 2024 chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, chiếm tỷ trọng tới 56%, với 6,17 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Hóa chất và sản phẩm hóa chất: Trị giá nhập khẩu hóa chất và sản phẩm hóa chất trong tháng 5/2024 đạt 1,49 tỷ USD, tăng 10,6% so với tháng trước. tương ứng tăng 142 triệu USD. Tính đến hết tháng 5, cả nước nhập khẩu 6,55 tỷ USD hóa chất và sản phẩm hóa chất, tăng 4,5% tương ứng tăng 284 triệu USD so với cùng kỳ năm 2023.
Việt Nam chủ yếu nhập khẩu nhóm hàng này từ các thị trường chính: Trung Quốc đạt 2,68 tỷ USD, tăng 3% (tương ứng tăng 78 triệu USD); Hàn Quốc đạt 595 triệu USD, tăng 17,9% (tương ứng tăng 91 triệu USD); Hoa Kỳ đạt 482 triệu USD, tăng 9,5% (tương ứng tăng 42 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước.
Chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm: Trị giá nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm trong tháng 5/2024 đạt 1,85 tỷ USD, tăng 14,8% (tương ứng tăng 238 triệu USD) so với tháng trước. Tính đến hết tháng 5/2024, cả nước đã nhập khẩu 7,88 tỷ USD chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm, tăng 16,8% (tương ứng tăng 1,13 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam chủ yếu nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm từ các thị trường chính: Trung Quốc đạt 3,12 tỷ USD, tăng 31,5% (tương ứng tăng 748 triệu USD); Hàn Quốc đạt 1,57 tỷ USD, tăng 19,4% (tương ứng tăng 256 triệu USD) so với 5 tháng năm 2023.
5 tháng, cả nước nhập khẩu 7,48 tỷ USD sắt thép các loại và sản phẩm
Sắt thép các loại và sản phẩm: Trị giá nhập khẩu sắt thép các loại và sản phẩm trong tháng 5 đạt 1,72 tỷ USD, tăng 14,9% tương ứng tăng 223 triệu USD so với tháng trước. Trong đó, trị giá nhập khẩu của sắt thép các loại là 1,13 triệu USD tăng 17,9% với lượng nhập khẩu là 1,55 triệu tấn, tăng 20,6% so với tháng trước.
Trong 5 tháng năm 2024, cả nước đã nhập khẩu 7,48 tỷ USD sắt thép các loại và sản phẩm, tăng 26,3%, tương ứng tăng 1,56 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023 và xấp xỉ với mức nhập khẩu của 5 tháng năm 2022. Trong đó, lượng nhập khẩu sắt thép các loại là 6,92 triệu tấn, tăng 50,15 với trị giá là 5,02 tỷ USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Việt Nam chủ yếu nhập khẩu sắt thép các loại và sản phẩm từ các thị trường chính: Trung Quốc đạt 4,77 tỷ USD, tăng 53,8% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 37,9% so với cùng kỳ năm 2022; Hàn Quốc đạt 735 triệu USD, tăng 4,6%so với cùng kỳ năm 2023.
Kim loại thường và sản phẩm: Trị giá nhập khẩu kim loại thường và sản phẩm trong tháng 5/2024 đạt 1,24 tỷ USD, tăng 33,4% so với tháng 4/2024 (tương ứng tăng 310 triệu USD). Lũy kế 5 tháng năm 2024, cả nước nhập khẩu 4,89 tỷ USD, tăng 22% (tương ứng tăng 882 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước.
Kim loại thường và sản phẩm được nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu từ Trung Quốc với 1,98 tỷ USD, tăng 25,8%, tương ứng tăng 406 triệu USD và chiếm 40% trị giá nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Ô tô nguyên chiếc: Trong tháng, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam đạt 14.941 chiếc, tăng 29,2% so với tháng trước. Tuy nhiên, trong 5 tháng năm 2024, Việt Nam nhập khẩu 58.716 ô tô nguyên chiếc các loại, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống nhập về Việt Nam đạt 47.390 chiếc, chiếm tới 81% tổng lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập về Việt Nam và giảm 3,8% (tương ứng giảm 1.894 chiếc) so với cùng kỳ năm trước.
Ô tô nguyên chiếc các loại nhập về Việt Nam trong 5 tháng năm 2024 chủ yếu có xuất xứ từ Indonesia, Thái Lan và Trung Quốc. Trong đó, nhập khẩu từ Indonesia là 26.233 chiếc, tăng 19,2%; nhập khẩu từ Thái Lan với 18.495 chiếc, giảm 38,3%.
Lượng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại từ Trung Quốc trong 5 tháng năm 2024 đạt 11.869 chiếc, tăng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với lượng nhập khẩu trung bình của giai đoạn 2014-2023 (gần 34 nghìn chiếc/năm).