Ngày 23/12/2019, tại Trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đặng Hoàng An đã tiếp Thứ trưởng Bộ Công Thương Lào Somchith Inthamith sang thăm, làm việc, chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực quản lý thị trường từ ngày 22-25/12/2019.
Chia sẻ tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đặng Hoàng An đã bày tỏ vui mừng trước kết quả trao đổi thương mại song phương giữa Việt Nam và Lào trong năm 2019. Tính đến hết tháng 11 năm 2019, kim ngạch song phương hai nước đã đạt xấp xỉ 1,1 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Thứ trưởng nhấn mạnh, kết quả tốt đẹp này đạt được nhờ nền tảng mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước, quan hệ hợp tác gắn bó và ngày càng hiệu quả giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Lào.
Song song đó, Thứ trưởng cũng bày tỏ sự tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Thứ trưởng, tập thể Bộ Công Thương Lào sẽ tiếp tục gặt hái được những thành tựu xuất sắc trong năm 2020.
“Sự gắn kết giữa hai Bộ tiếp tục là cầu nối quan trọng góp phần củng cố và phát triển hợp tác giữa hai nước nói chung, hợp tác trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp nói riêng”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.
Về phía nước bạn Lào, Thứ trưởng Somchith Inthamith cũng đã chúc mừng những thành tựu kinh tế Việt Nam đạt được trong năm 2019, đồng thời, cảm ơn sự hợp tác hiệu quả của Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Lào trong thời gian qua.
Thứ trưởng Somchith Inthamith cho rằng những kết quả về thương mại và đàm phán hợp tác mua bán điện giữa hai Bên là rất đáng ghi nhận. Để tiếp tục duy trì mối quan hệ tốt đẹp này, Thứ trưởng Somchith Inthamith mong muốn sẽ nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ hợp tác của Việt Nam dành cho Bộ Công Thương Lào trong lĩnh vực quản lý thị trường cũng như các lĩnh vực khác Việt Nam có thế mạnh.
Trước đề nghị từ phía nước bạn Lào, Thứ trưởng Đặng Hoàng An đã giao Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với các đơn vị liên quan tích cực hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm với phía Bạn trong lĩnh vực quản lý thị trường. Trong đó tập trung vào lĩnh vực cụ thể, như công tác phòng chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại...
Kết thúc buổi tiếp, hai Bên khẳng định trong thời gian tới sẽ cùng nhau phối hợp chặt chẽ, triển khai một số biện pháp tăng cường hợp tác để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác song phương Việt Nam-Lào.
Ngay sau buổi làm việc với Thứ trưởng Đặng Hoàng An, chiều cùng ngày, đoàn Bộ Công Thương Lào đã có buổi làm việc với Tổng cục Quản lý thị trường tại Hà Nội để bàn về các giải pháp phối hợp giữa hai bên trong lĩnh vực quản lý thị trường.
Chia sẻ quan điểm về phòng chống hàng giả, kiểm soát thị trường, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, hàng giả đến từ 2 nguồn chính.
Thứ nhất, hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới được thẩm lậu từ biên giới Trung Quốc vào Việt Nam. Chủ yếu là các mặt hàng gia dụng như đồng hồ, túi xách, các mặt hàng điện tử. Thứ hai, là các mặt hàng kém chất lượng được sản xuất ngay tại thị trường Việt Nam.
Để giải quyết vấn đề này, trong thời gian qua, Tổng cục QLTT phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng làm công tác chốt chặn biên giới như bộ đội biên phòng, hải quan để ngăn chặn vi phạm ngay từ cửa khẩu. Đối với những mặt hàng được thẩm lậu vào Việt Nam, bên cạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, Tổng cục QLTT phối hợp chặt chẽ với các đại diện các hãng để tiến hành xác minh sản phẩm, làm căn cứ xử phạt nhanh chóng và chính xác.
Do đó, với kinh nghiệm ngăn chặn hàng giả, hàng lậu từ phía Việt Nam, ông Trần Hữu Linh cho rằng, Bộ Công Thương Lào cần quan tâm phát triển và đẩy mạnh lĩnh vực QLTT bởi kinh tế càng phát triển, nếu QLTT bảo vệ tốt sẽ góp phần không nhỏ vào việc chống thất thu thuế, đem lại niềm tin cho người tiêu dùng cũng như DN.
"Tổng cục QLTT sẵn sàng hỗ trợ Bộ Công Thương Lào, bộ phận QLTT Lào tuyên truyền, phổ biến cũng như chia sẻ các kinh nghiệm trong phòng chống hàng giả, cách thức, quy trình trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường”, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh khẳng định.
Tính đến hết 11 tháng năm 2019, kim ngạch thương mại song phương đạt mức tăng trưởng cao (12,4%) (xấp xỉ 1,1 tỷ USD), tạo tiền đề quan trọng để thực hiện mục tiêu kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào tăng trưởng từ 10%-15%/năm trong cả năm 2019. Tốc độ tăng trưởng như vậy rất đáng khích lệ trong bối cảnh thương mại thế giới và khu vực đang gặp nhiều khó khăn.