Theo đó, Hội thảo về cam kết lao động trong các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức nhằm cung cấp thông tin để các đại biểu nắm được rõ các nội dung các cam kết của Việt Nam trong 2 Hiệp định trên, trước mắt là phục vụ cho quá trình sửa đổi Bộ Luật lao động của Việt Nam và chuẩn bị cho việc tổ chức triển khai sau này.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, ngày 12/11/2018, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đồng thời Việt Nam và EU cũng đang trong quá trình chuẩn bị ký kết và tiến tới phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVPTA).
Từ năm 1992 khi Việt Nam là thành viên của tổ chức Lao động quốc tế tới nay, Việt Nam đã phê chuẩn 21/189 công ước của ILO, trong đó có 5 công ước cơ bản. Bộ LĐ-TB&XH đang trong quá trình nghiên cứu khả năng phê chuẩn 3 công ước cơ bản còn lại. Đặc biệt hồ sơ xin gia nhập công ước 98 trong thời gian qua của Bộ LĐ-TB&XH đã được lấy ý kiến các Bộ, ngành và các đối tác xã hội nhiều lần và dự kiến sẽ được thông qua vào năm 2019.
Quá trình sửa đổi Bộ Luật lao động cũng đang được đẩy mạnh, dự thảo 1 của Bộ luật đã hoàn thành và chuẩn bị đưa lên trang Web trong đó bao gồm những nội dung nói trên. Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH cũng đang xây dựng kế hoạch triển khai Hiệp định CPTPP theo sự phân công của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thông tin.
Đánh giá tác động của các hiệp định thương mại tự do đối với lĩnh vực lao động, xã hội, tiến sỹ Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, khi được chính thức ký kết và đưa vào áp dụng, các hiệp định này sẽ tạo ra một khu vực tự do thương mại lớn trên thế giới; tạo thêm nhiều việc làm, đặc biệt là những ngành Việt Nam có lợi thế về nhân lực và chi phí lao động như, dệt may, da giày, sản xuất đồ gỗ, chế biến thực phẩm, cà phê... hơn nữa là tiền lương sẽ được cải thiện, nhất là trong doanh nghiệp có vốn đầu tư ở nước ngoài.
Trình bày về Cam kết lao động trong Hiệp định CPTPP và EVFTA, ông Nguyễn Mạnh Cường - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ LĐ-TB&XH cho biết: “Trong số 16 FTA Việt Nam đã, đang và sẽ tham gia (đang đàm phán) có 2 hiệp định có cam kết về lao động là CPTPP (tiền thân TTP) và FTA với EU (gọi tắt là EVFTA). 2 FTA này ở Việt Nam gọi là FTA thế hệ mới. Ngoài ra FTA với 4 nước Bắc Âu cũng có cam kết lao động nhưng mức độ cam kết nhẹ hơn nhiều.
Cam kết riêng của Việt Nam về lao động trong CPTPP được thể hiện trong Thư trao đổi của Bộ trưởng Công Thương Việt Nam với Bộ trưởng của 10 nước và gồm 4 đoạn. Về cam kết chung về lao động trong EVFTA được nằm trong Chương 13 về “Thương mại và phát triển bền vững” trong đó các bên cam kết “Nỗ lực đảm bảo” rằng luật pháp và chính sách đưa ra mức bảo vệ cao đối với lĩnh vực xã hội; Các bên tái khẳng định cam kết của mình trong việc thực thi nghĩa vụ thành viên ILO đối với tuyên bố 1998 của ILO về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết thêm.
Cũng tại hội thảo, theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương: Trước tình hình đàm phán FTA của Việt Nam cũng như tiến độ phê chuẩn hiệp định CPTPP và những cam kết của Việt Nam trong CPTPP thì những giải pháp như Nhà nước tiếp tục cải cách chính sách, thu hút đầu tư có hàm lượng công nghệ cao từ nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam cần tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới,… qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh khi tham gia FTA và CPTPP.
Ngoài ra, tại hội thảo các đại biểu đã thảo luận xoay quanh việc thực thi các cam kết về lao động trong EVFTA và CPTPP; lộ trình đề xuất phê chuẩn các công ước của ILO và sửa đổi, bổ sung Bộ luật lao động. Những thiết chế và nhân sự Việt Nam cần chuẩn bị để thực thi cam kết về lao động trong CPTPP và EVFTA; việc thực thi các tiêu chuẩn lao động quốc tế tại doanh nghiệp.../.