Hội thảo là sự kiện quốc tế có quy mô lớn, nằm trong chuỗi sự kiện “Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 2” do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với tổ chức USAID, Konrad, các đại sứ quán Nhật Bản và Úc tại Việt Nam cùng một số ban, bộ, ngành trung ương và địa phương tổ chức với sự tham dự của gần 350 đại biểu lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trong nước, các đại sứ quán, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, các diễn giả quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc Hội thảoPhát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Văn Bình - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Năng lượng luôn là yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các nước trên thế giới. Hiện nay, các nguồn nhiên liệu hoá thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt đã và đang đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng của đất nước. Tuy nhiên, nguồn năng lượng hoá thạch có hạn, việc sử dụng nhiều năng lượng hoá thạch có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tăng phát khí gây hiệu ứng nhà kính. Vì vậy, việc nghiên cứu và sử dụng các nguồn năng lượng xanh thay thế, có khả năng tái tạo và khắc phục được các hạn chế nêu trên là một nhu cầu tất yếu.
Đứng trước nhu cầu đó, các chuyên gia trong nước và quốc tế tham gia và phát biểu tham luận tại Hội thảo đã phân tích và thảo luận về bức tranh phát triển năng lượng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, việc phát triển ngành năng lượng xanh cần tìm được hướng đi phù hợp, bảo đảm đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội - môi trường mà Việt Nam đã đặt ra.
Ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu về sự phát triển của lĩnh vực năng lượng tại Việt NamHiện nay, nhu cầu tiêu thụ năng lượng sơ cấp phục vụ cho phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng tăng cao, dẫn đến việc từ năm 2015 Việt Nam đã trở thành quốc gia nhập khẩu tịnh năng lượng. Dự báo, tổng nhu cầu năng lượng còn tiếp tục tăng cao, đến năm 2035 có thể tăng gấp 2,5 lần so với năm 2015 (theo Viện Năng lượng - Bộ Công Thương).
Thứ trưởng cho biết, giải pháp hiệu quả cho vấn đề này là trước hết vẫn ưu tiên sử dụng than đá trong nước cho việc sản xuất điện, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất điện, quản lý giao thông,…
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã và đang xây dựng các chương trình, cơ chế, chính sách đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng tái tạo, đặc biệt khuyến khích về giá để các bên có thể đầu tư mạnh cho các dự án về năng lượng gió và mặt trời nhưng không nằm ngoài mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Các chuyên gia thảo luận về khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế bền vững tại Việt NamChung quan điểm với Thứ trưởng, ông John Kerry - Chủ tịch danh dự Quỹ Hoà bình Quốc tế Carnegie, Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ cho rằng vấn đề quan trọng nhất là tìm kiếm phương pháp sử dụng đúng đắn nguồn năng lượng nhưng vẫn giữ vững sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế.
Năng lượng tái tạo đã và đang là xu thế chuyển động chung của thế giới trong nhiều năm gần đây, với những ưu thế nổi bật như thân thiện với môi trường, bảo đảm sức khoẻ con người, đẩy mạnh năng lực khai thác bản địa thay vì nhập khẩu năng lượng từ các quốc gia khác,… Nếu được khai thác và phân phối đúng cách, các nguồn tài nguyên thiên nhiên như gió, ánh sáng mặt trời có thể cung cấp sản lượng năng lượng lớn cho các hoạt động sử dụng năng lượng trên toàn thế giới.
Theo ông John Kerry, Việt Nam có vị trí địa lý rất đặc biệt, với tài nguyên thiên nhiên phong phú và dồi dào. Điều này có ý nghĩa lớn trong việc phát triển năng lượng tái tạo, thuận lợi cho việc tận dụng năng lượng gió, mặt trời để xây dựng một hệ thống năng lượng hỗ trợ lẫn nhau.
Năm 2017, lần đầu tiên vốn đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo đã vượt qua vốn đầu tư vào than đá, đây là dấu hiệu tích cực cho việc chuyển đổi từ việc sử dụng năng lượng hoá thạch chính sang năng lượng tái tạo.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng và ông John Kerry cùng nhận định, Việt Nam hiện nay chủ yếu dựa vào nguồn năng lượng than đá do tiềm năng khai thác tài nguyên lớn. Tỷ trọng năng lượng tái tạo không tính đến các nhà máy thuỷ điện lớn còn chưa cao. Hệ thống kỹ thuật tại nước ta cũng chưa đủ phát triển để chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, dẫn đến việc chi phí và giá thành còn cao, chưa phù hợp với thu nhập của người dân.
Trước những vấn đề này, Thứ trưởng khẳng định vai trò quan trọng của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) trong việc phát triển năng lượng tái tạo với các cơ chế chính sách, triển khai chương trình hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ đầu tư các dự án năng lượng.
Đặc biệt, WB cùng Bộ Công Thương đã tích cực làm việc về các hoạt động tiết kiệm năng lượng, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào các dự án năng lượng gió và mặt trời, tài trợ cho các dự án thuỷ điện, thực hiện các sáng kiến hướng tới việc chuyển đổi.
Các diễn giả tại Hội thảo cũng nhấn mạnh, quá trình chuyển đổi là lâu dài và mang tính chiến lược, không thể gấp rút hoàn thiện trong thời gian ngắn.
Hiện nay có 4 dự án xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời đang chờ được phê duyệt thực hiện tại Tây Ninh, Đắk Lắk, Ninh Thuận và Bình Thuận. Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp cùng WB và ADB để giải quyết các vấn đề kĩ thuật còn tồn tại, nhanh chóng phát triển năng lượng tái tạo trong khi vẫn giữ được sự ổn định trong phát triển kinh tế, xã hội.
Bộ Công Thương cũng bày tỏ mong muốn nhận được nhiều ý kiến đa chiều từ phía các chuyên gia, các đại biểu trong và ngoài nước để tiếp tục hoàn thiện các kế hoạch phát triển ngành năng lượng xanh, góp phần tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng xã hội.