Hiện nay, ESG đang là xu hướng được các Tập đoàn năng lượng trên thế giới và các công ty trong nước lẫn ngoài nước hướng tới và triển khai áp dụng, trong đó có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. ESG là bộ tiêu chuẩn về Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp trong quá trình vận hành một doanh nghiệp theo định hướng phát triển bền vững, bao gồm 3 yếu tố: Môi trường (Environmental) - Xã hội (Social) và Quản trị (Governance).
Môi trường: Hành động của doanh nghiệp tác động đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên trong suốt quá trình khai thác sản xuất, vận hành, quản lý; Xã hội: Các mối quan hệ và danh tiếng được xây dựng qua những hoạt động của doanh nghiệp tại các cộng đồng nơi doanh nghiệp hoạt động giữa doanh nghiệp với khách hàng, đối tác và người lao động; Quản trị: Hệ thống giám sát, kiểm soát các hoạt động, quy trình và thông lệ cần thiết để quản trị doanh nghiệp và đưa ra các quyết định hiệu quả vì lợi ích chung của công ty.
Là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, những năm gần đây, Vietsovpetro đã trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò địa chất và khai thác dầu khí tại Việt Nam. Trải qua hơn 42 năm hình thành và phát triển, Vietsovpetro đã xây dựng lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học - kỹ thuật, kỹ sư, công nhân lành nghề của Vietsovpetro không ngừng được đào tạo nâng cao trình độ, cập nhật kịp thời công nghệ, kỹ thuật mới, đóng góp to lớn trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác và xây dựng dầu khí biển cho ngành dầu khí Việt Nam.
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2023, tổng số cán bộ, công nhân viên của Vietsovpetro là 7.000 người, với tuổi đời bình quân là 44,36. Trong đó, có 25% số lao động của Vietsovpetro đang trong độ tuổi sắp về hưu (chiếm 1/4 tổng số lao động. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, Vietsovpetro đã và đang chú trọng đầu tư vào công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. 5 năm gần đây, Vietsovpetro đã tổ chức đào tạo cho khoảng 11.300 lượt cán bộ (trung bình 1,7 lượt đào tạo/người/năm), trong đó có đến 8.600 lượt đào tạo về chuyên môn (chiếm 76%), điều này cho thấy các chương trình đào tạo đang thiên về chuyên môn nhưng còn thiếu hụt các nội dung nâng cao kỹ năng quản lý và làm việc chuyên nghiệp.
Trong bối cảnh hiện tại Vietsovpetro đang khai thác vào giai đoạn cuối của mỏ, sản lượng khai thác sụt giảm nhanh. Kết quả thăm dò và tận thăm dò trên các lô hiện hữu cho thấy tài nguyên dầu khí tiềm năng còn lại tương đối nhỏ do đó việc gia tăng sản lượng, mở rộng vùng hoạt động là một trong những nhiệm vụ cốt lõi của Vietsovpetro trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, xu thế chuyển dịch năng lượng ngày càng mạnh mẽ sang nguồn năng lượng tái tạo cũng tạo ra nhiều cơ hội trong việc phát triển các dịch vụ mà Vietsovpetro có nhiều lợi thế cạnh tranh. Để làm được điều này, một trong những nhiệm vụ VSP cần tập trung đầu tư là quản lý và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Phù hợp với định hướng mục tiêu phát triển của Vietsovpetro cho giai đoạn tới, cuối năm 2023 Tổng Giám đốc Vietsovpetro đã phê duyệt “Dự án Xây dựng hệ thống quản trị tri thức và phát triển nguồn nhân lực Vietsovpetro theo định hướng ESG". -
“Dự án Xây dựng hệ thống quản trị tri thức và phát triển nguồn nhân lực Vietsovpetro theo định hướng ESG" nằm trong một phần kế hoạch của Chương trình Hành động Phát triển Xanh - Phát triển Bền vững Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro giai đoạn 2024 - 2030 với tầm nhìn đến năm 2050, đã được Tổng giám đốc Vietsovpetro phê duyệt vào 23/12/2023. Dự án này đã được Vietsovpetro chính thức khởi động vào ngày 26/02/2024.
Nhằm triển khai hiệu quả chương trình này, Vietsovpetro xác định cần thực hiện 5 nhóm giải pháp, bao gồm Nhóm 1: Các giải pháp về chính sách, quản lý; Nhóm 2: Các giải pháp về đào tạo, truyền thông; Nhóm 3: Các giải pháp kĩ thuật, đầu tư; Nhóm 4: Các giải pháp nghiên cứu khoa học công nghệ; Nhóm 5: Các giải pháp khác.
Quản trị tri thức (Knowledge Management - KM) được xác định ban đầu như là một quá trình áp dụng phương pháp tiếp cận hệ thống nhằm nắm bắt cấu trúc, quản lý và phổ biến tri thức thông qua một tổ chức nhằm nâng cao năng suất lao động, tái sử dụng các thực hành tốt nhất, và giảm các việc phải làm lại gây tốn kém.
Thiết kế kết hợp mô hình Quản trị tri thức và Đào tạo phát triển nguồn nhân lực theo định hướng ESG sẽ mang lại các lợi ích: nâng cao việc chia sẻ, lưu giữ tri thức, nâng cao khả năng thích ứng của tổ chức, nâng cao lợi thế cạnh tranh và xây dựng danh tiếng cho công ty.
Quản trị tri thức được thực hiện thông qua các chu trình quản trị tri thức (KM Process). Đó là một quá trình chuyển đổi thông tin thành tri thức trong một tổ chức. Nhu cầu xây dựng hệ thống quản trị tri thức hướng theo tiêu chuẩn và xu thế của khu vực và thế giới, để chuyển giao và đào tạo phát triển đội ngũ kế cận của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro là hết sức cần thiết.
Với mục tiêu và định hướng phát triển của Vietsovpetro trong giai đoạn tới, việc xây dựng một hệ thống quản trị tri thức và phát triển nguồn nhân lực hiệu quả, đồng bộ theo định hướng ESG là bước đi cần thiết và quan trọng đối với Vietsovpetro. Việc áp dụng mô hình quản trị tri thức và đào tạo phát triển nguồn nhân lực theo định hướng ESG sẽ góp phần cho sự phát triển bền vững của Vietsovpetro.
Ông Vũ Mai Khanh, Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Vietsovpetro