Được biết, hoạt động này nhằm hưởng ứng chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) về việc khuyến khích các doanh nghiệp Viễn thông còn dung lượng sẽ san sẻ kết nối đi quốc tế cho doanh nghiệp thiếu nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ. Đây cũng là lần đầu tiên Bộ TT&TT quyết liệt chỉ đạo các doanh nghiệp mở ứng cứu hỗ trợ nhau băng thông đất liền, đặt lợi ích của người dùng Internet Việt Nam nói chung lên trên hết.
Là một trong những doanh nghiệp có hạ tầng viễn thông lớn và hiện đại nhất Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) sở hữu bốn tuyến cáp quang biển và hai hướng cáp đất liền kết nối quốc tế. Khi cáp quang biển gặp sự cố, Viettel còn tuyến AAE-1 hướng đi Singapore và tuyến IA hướng đi Hong Kong (chỉ có Viettel khai thác từ trước đến nay).
Theo đó, Viettel đã dành một nhánh trong hai tuyến này để hỗ trợ VNPT mở rộng thêm 100Gbps trong thời gian VNPT đàm phán chưa xong việc mở thêm dung lượng cáp đất liền. Theo kế hoạch, vào đầu tuần tới, VNPT sẽ mở rộng thêm được dung lượng kết nối quốc tế, sau khi hoàn thành thủ tục với đối tác quốc tế.
Được biết, để đảm bảo tốc độ tăng trưởng băng thông hàng năm và dự phòng số lượng tuyến cáp quang biển thường xuyên đứt, Viettel triển khai thêm bốn tuyến cáp biển từ nay đến năm 2030. Trong đó, tuyến ADC đã hoàn thành triển khai cập bờ và dự kiến đưa vào hoạt động trong năm nay. Tuyến cáp này tăng thêm 18Tbps, giúp tăng gấp ba dung lượng so với hiện tại (dung lượng kết nối quốc tế của Viettel hiện gần 9Tbps).
Bên cạnh đó, Viettel luôn dự phòng 40% dung lượng đi quốc tế để sẵn sàng cho các tình huống đứt cáp, tránh ảnh hưởng đến trải nghiệm dịch vụ của khách hàng. Khi có hiện tượng cao tải, các hệ thống công nghệ thông tin do nhân sự của tập đoàn xây dựng sẽ tự động cân bằng tải, định tuyến và điều tiết dung lượng trên những hướng cáp biển còn lại và cáp đất liền.
Nhìn vào những lần trước đây có thể thấy, quá trình sửa chữa cáp quang biển vô cùng phức tạp, và phải xin cấp phép ra vào địa phận các quốc gia cáp đi qua. Vì thế, thường chỉ có 3/5 tuyến cáp biển hoạt động đồng thời. Đó cũng là lý do Viettel luôn duy trì tối thiểu 40% dung lượng kết nối quốc tế để dự phòng bảo đảm chất lượng dịch vụ cho khách hàng.
Đại diện của Viettel cho biết, trước sự cố này, các dịch vụ của Viettel về cơ bản vẫn được bảo đảm ngay cả khung giờ cao điểm. Đặc biệt, nhóm khách hàng kênh thuê riêng, data 3G và 4G không bị ảnh hưởng do đã được cấu hình ưu tiên từ trước. Ngay khi sự cố xảy ra, Viettel đã đầu tư bổ sung thêm 30% dung lượng đường truyền quốc tế với đối tác để đẩy nhanh tiến độ khôi phục các tuyến cáp biển.
Theo dự kiến, tuyến cáp APG sẽ là tuyến cáp được khôi phục đầu tiên trong tháng 3/2023, giúp khôi phục 25% dung lượng kết nối quốc tế cho Viettel.