Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn ông Hồ Tiến Thiệu đã chủ trì buổi làm việc với đoàn công tác Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel (Tập đoàn Viettel), bao gồm đại diện của Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post, mã cổ phiếu VTP - sàn HoSE), về các nội dung của dự án Công viên Logistic Viettel Lạng Sơn.
Trước đó, vào ngày 8/11, Viettel Post đã ký hợp đồng thuê lại toàn bộ hạ tầng Khu trung chuyển hàng hoá thuộc khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng nhằm phát triển dự án Công viên Logistics Viettel.
Dự án sẽ được triển khai trên phần diện tích 143,7 ha với tổng vốn đầu tư gần 3.300 tỷ đồng. Công năng gồm khu dịch vụ thông quan, khu vực các kho hàng, kho ngoại quan, trung tâm giao dịch nông sản, khu dịch vụ logistics gia tăng, hạ tầng ga kết nối đường sắt liên vận...
Viettel Post cho biết sẽ tiến hành đầu tư đồng bộ hạ tầng logistics để cung cấp các dịch vụ logistics toàn trình, kết hợp với hạ tầng cửa khẩu để nâng cao năng lực xuất nhập khẩu hàng hoá và rút ngắn thời gian thông quan.
Tại buổi làm việc, Tập đoàn Viettel đã kiến nghị UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với tập đoàn và Viettel Post nhằm tháo gỡ một số vướng mắc để đảm bảo khai trương dự án, dự kiến vào ngày 11/12 tới và hoạt động sau này.
Chủ tịch UBND Hồ Tiến Thiệu đề nghị Viettel Post khẩn trương hoàn thành thủ tục hoàn công đầu tư Dự án giai đoạn 1 để đủ các điều kiện thực hiện thủ tục tiếp theo.
Các sở, ngành theo chức năng được giao chủ động hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục pháp lý về đất đai, khẩn trương hoàn thành các thủ tục đấu nối với đường bộ; xây dựng phương án giá, phí dịch vụ; hoàn thành thủ tục để cơ quan hải quan công nhận là điểm kiểm tra hàng hóa tập trung.
UBND huyện Cao Lộc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng giai đoạn 2 dự án Khu trung chuyển hàng hóa, nhất là triển khai khu tái định cư; phấn đấu hết tháng 6/2025 cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng giai đoạn 2.
Dự án Công viên Logistic Viettel Lạng Sơn là động thái mới nhất của Viettel Post trong việc xúc tiến khai thác mảng dịch vụ logistics xuyên biên giới. Trước đó, hồi tháng 3/2024, Viettel Post đã ký kết thoả thuận hợp tác với chính quyền TP.Bằng Tường và TP.Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) để thành lập văn phòng đại diện và xây dựng Trung tâm giao dịch nông sản Trung Quốc - ASEAN.
Đồng thời, Viettel Post cũng có kế hoạch khai thác các đoàn tàu liên vận Việt Nam - Trung Quốc và vận chuyển container lạnh. Tính đến thời điểm hiện tại, Viettel Post đang là đơn vị logistics đầu tiên của Việt Nam hợp tác với chính quyền địa phương tại Trung Quốc để hoàn thiện hạ tầng mạng lưới vận chuyển xuyên biên giới.
Theo một báo cáo của SSI Research, Việt Nam nhập khẩu 110 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc (chiếm 1/3 tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam) và xuất khẩu 61 tỷ USD hàng hóa sang Trung Quốc (chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu).
Cửa khẩu Hữu Nghị Lạng Sơn (đây là cửa khẩu biên giới lớn nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc) mỗi ngày có 1.300 xe container qua lại, tương đương với khoảng 500.000 TEU hàng hóa. Mỗi container có thể yêu cầu các dịch vụ khác nhau như: thông quan, lưu kho và depot, xử lý và xếp dỡ hàng...
Quy mô thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc (xuất khẩu sang tất cả các quốc gia) đạt 250 tỷ USD vào năm 2021, tăng 31% so với cùng kỳ.