Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post, mã cổ phiếu VTP - sàn HoSE) vừa thông qua chủ trương đầu tư dự án Công viên Logistics Viettel tại Lạng Sơn nhằm cung ứng dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ kho, vận tải hàng hóa nội địa và quốc tế, thương mại điện tử.
Theo đó, Viettel Post sẽ ký hợp đồng thuê hạ tầng Khu trung chuyển hàng hóa thuộc kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn. Đồng thời, tổng công ty cũng quyết định thành lập chi nhánh Công viên Logistics Viettel Lạng Sơn tại huyện Cao Lộc, Lạng Sơn.
Khu Kinh tế Đồng Đăng - Lạng Sơn có diện tích quy hoạch khoảng 394 km2, được định hướng phát triển thành đầu mối giao thương liên vùng, quốc tế và giao thông quan trọng của hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ.
Đây được xem là động thái mới nhất của Viettel Post trong việc xúc tiến khai thác mảng dịch vụ logistics xuyên biên giới. Trước đó, hồi tháng 3/2024, Viettel Post đã ký kết thoả thuận hợp tác với chính quyền TP.Bằng Tường và TP.Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) để thành lập văn phòng đại diện và xây dựng Trung tâm giao dịch nông sản Trung Quốc - ASEAN.
Đồng thời, Viettel Post cũng có kế hoạch khai thác các đoàn tàu liên vận Việt Nam - Trung Quốc và vận chuyển container lạnh. Tính đến thời điểm hiện tại, Viettel Post đang là đơn vị logistics đầu tiên của Việt Nam hợp tác với chính quyền địa phương tại Trung Quốc để hoàn thiện hạ tầng mạng lưới vận chuyển xuyên biên giới.
Theo đánh giá mới đây của SSI Research, dự án Công viên Logistics Viettel tại Lạng Sơn có thể đưa vào hoạt động ngay từ tháng 12/2024.
Đại diện Viettel Post cho biết, với mục tiêu xây dựng hạ tầng logistics xuyên biên giới, tổng công ty đang triển khai việc xây dựng các trung tâm logistics ở vùng biên giới và lắp đặt hệ thống soi chiếu tự động kết nối với dữ liệu hải quan để phục vụ cho việc thông quan một cách nhanh chóng (cửa khẩu thông minh).
Một hạ tầng logistic xuyên biên giới sẽ đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam khi lượng sản xuất ra chỉ được tiêu thụ 10% tại nội địa và 90% được xuất khẩu. Để thực hiện kế hoạch này, trong giai đoạn 1, Viettel Post thực hiện kết nối các thị trường tiêu thụ hàng hoá tại Đông Nam Á (như Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar) và Trung Quốc, đại diện Viettel Post chia sẻ.
Viettel Post hiện đang tìm hiểu cơ hội đầu tư vào 3 phân khúc gồm dịch vụ logistics B2B cho các nhà sản xuất và nhà bán lẻ trong nước, dịch vụ giao hàng B2C cho thương mại điện tử xuyên biên giới và dịch vụ logistics biên giới thông minh B2B.
Các kế hoạch đầu tư trên được kỳ vọng góp phần tối ưu chi phí logistics, rút ngắn thời gian vận chuyển, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam, và nâng cao vị thế logistics của Việt Nam trong việc kết nối các quốc gia trong khu vực ASEAN và Trung Quốc.