Kết quả sản xuất kinh doanh khả quan
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn nêu rõ, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đang hoạt động theo mô hình Tập đoàn, có công ty mẹ, công ty con và các đơn vị thành viên. Để hoạt động được theo mô hình này, một trong những hoạt động quan trọng là cử người đại diện của tập đoàn tham gia vào phần vốn của tập đoàn tại các doanh nghiệp.
“Sau 2 năm gián đoạn do đại dịch, năm 2022, Tập đoàn mới tổ chức được Hội nghị Người đại diện phần vốn này. Vai trò của người đại diện là cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ, bảo đảm phát triển nguồn vốn, bảo đảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị cũng như thực hiện chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước” – ông Nguyễn Phú Cường nói.
Năm 2020, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều đơn vị của tập đoàn gặp khó khăn, doanh thu sụt giảm 5%. Song đến năm 2021, nhờ các bài học có được, các đơn vị đã phát huy vai trò doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh đã có nhiều khởi sắc. Năm 2022, con số ước đến thời điểm này, doanh thu toàn Tập đoàn đạt khoảng trên 60.000 tỷ đồng, giá trị sản xuất công nghiệp trên 60.000 ngàn tỷ đồng; lợi nhuận trên 6000 tỷ đồng. Đây là con số kỷ lục về doanh thu.
Năm 2022 cũng sự ghi nhận sự nỗ lực của tất cả các đơn vị trong Tập đoàn. Một số đơn vị nằm trong danh sách các đơn vị yếu kém như Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP số 2… năm 2022 đã có doanh thu cao. Còn các đơn vị khác đều có con số sản xuất kinh doanh cao như Lân Văn Điển, Lân Ninh Bình, Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, DAP 1, Hóa chất cơ bản miền Nam, Hóa chất Việt Trì, Pinaco, Lix…
“Kết quả này là sự thành công của tập thể và vai trò của người đại diện phần vốn của doanh nghiệp là rất quan trọng” – ông Nguyễn Phú Cường khẳng định.
Năm 2023 là năm bản lề cho kế hoạch 5 năm của Tập đoàn. Đây cũng là năm doanh nghiệp phải đối diện với nhiều khó khăn do chi phí năng lượng tăng, tỷ giá tăng, lãi suất tăng… Với điều kiện như vậy, vai trò của người đại diện phần vốn lại càng quan trọng. “Người đại diện đại diện chính là cánh tay nối dài của tập đoàn đến các đơn vị” – ông Cường khẳng định.
Báo cáo về việc công tác Người đại diện phần vốn của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam năm 2021-2022 của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam do ông Phạm Quốc Đại – Phó Trưởng Ban Tổ chức nhân sự nêu rõ, năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp do các biến thể virus mới, kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực nhờ chiến lược tiêm chủng vaccine diện rộng và tác động tích cực của các gói kích thích kinh tế.
Với sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc Tập đoàn, cùng quyết tâm cao độ của tập thể cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các đơn vị thành viên và sự đoàn kết của toàn thể người lao động trong toàn Tập đoàn, Tập đoàn đã đạt được những kết quả tích cực trong việc triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021 và 10 tháng đầu năm 2022.
Theo đó, năm 2021, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh hợp nhất của Tập đoàn đều vượt kế hoạch và tăng mạnh so với thực hiện năm 2020, trong đó: Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế tăng 34,1%, doanh thu tăng 32,2%, tăng hiệu quả 5.536 tỷ đồng so với năm 2020. Riêng Công ty mẹ - Tập đoàn lãi 289 tỷ đồng (Kế hoạch lỗ 950 tỷ đồng, tăng hiệu quả 1.239 tỷ đồng).
Dự kiến năm 2022, doanh thu cộng hợp ước đạt 60.200 tỷ đồng (doanh thu đạt cao nhất từ trước đến nay), bằng 115% so với kế hoạch năm 2022, tăng 13% so với thực hiện năm 2021. Lợi nhuận cộng hợp ước lãi 6.015 tỷ đồng, tăng hiệu quả 3.883 tỷ đồng so với thực hiện năm 2021. Nộp ngân sách nhà nước cộng hợp ước đạt 1.869 tỷ đồng, bằng 109% so với kế hoạch năm 2022, tăng 3% so với thực hiện năm 2021. Thu nhập bình quân của người lao động: 13 triệu đồng/người/tháng.
“Để đạt được các kết quả tích cực trong năm 2021, 2022, Hội đồng thành viên Tập đoàn đánh giá cao vai trò của Người đại diện phần vốn của Tập đoàn trong việc thực hiện, hoàn thành các mục tiêu quan trọng đã được Tập đoàn giao” – ông Phạm Quốc Đại nhấn mạnh. Đồng thời nêu rõ, đó là kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu đầu tư và vốn của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đầu tư tại các doanh nghiệp khác; Góp phần tích cực phát triển Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao; trong đó ngành công nghiệp hóa chất là chủ đạo; nghiên cứu khoa học, công nghệ, đào tạo để cung cấp dịch vụ cho các công ty thành viên...
Công tác Người đại diện vốn luôn được coi là công tác trọng tâm trong hoạt động quản lý, điều hành của Tập đoàn
Hiện nay, tổng số doanh nghiệp có vốn đầu tư của Tập đoàn là 33 công ty, trong đó có 03 công ty là công ty TNHH một thành viên do Tập đoàn nắm giữ 100% vốn điều lệ; 19 công ty là công ty cổ phần do Tập đoàn nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và 11 công ty là công ty liên kết.
Để quản lý phần vốn của Tập đoàn tại các doanh nghiệp trên, trong năm 2021 Tập đoàn đã cử và ủy quyền 82 người đại diện tại các doanh nghiệp (Bao gồm cả thành viên HĐTV của 02 Công ty TNHH MTV), trong đó có 31 người đại diện không chuyên trách và 51 người đại diện chuyên trách.
Trong năm 2022, Tập đoàn đã cử và ủy quyền 79 người đại diện tại các doanh nghiệp (Bao gồm cả thành viên HĐTV của 02 Công ty TNHH MTV), trong đó có 33 người đại diện không chuyên trách và 46 người đại diện chuyên trách.
Trong thời gian gần đây, công tác nhân sự đối với Người đại diện đã có nhiều sự thay đổi tích cực, tăng cường năng lực quản trị, tạo ra cầu nối về thông tin cập nhật hơn giữa Người đại diện làm việc tại Công ty mẹ - Tập đoàn và Người đại diện làm việc tại doanh nghiệp. Đồng thời, cũng là nơi để Tập đoàn thực hiện công tác bồi dưỡng, đào tạo, luân chuyển cán bộ, tạo nguồn quy hoạch cho công tác cán bộ tại Công ty mẹ Tập đoàn và các đơn vị thành viên.
Tham luận tại Hội nghị, ông Vũ Việt Tiến, Tổng giám đốc Công ty CP DAP số 2 Vinachem nhấn mạnh, từ khi thành lập đến nay, Công ty luôn nhận được sự hỗ trợ rất cao của lãnh đạo Tập đoàn và các ban chuyên môn của Tập đoàn. Người đại diện phần vốn của Tập đoàn luôn nỗ lực, cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ do Tập đoàn giao, nhưng cũng có những khó khăn mà người đại diện không thể chủ động được.
“Thời gian tới, tôi mong muốn lãnh đạo Tập đoàn và các ban chuyên môn tiếp tục hỗ trợ để Công ty vượt qua khó khăn, người đại diện phần vốn tại Công ty hoàn thành nhiệm vụ”. – ông Vũ Việt Tiến kiến nghị.
Ông Ngô Văn Đông, Tổng giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền chia sẻ thêm, với cương vị người quản lý doanh nghiệp, người đại diện phần vốn của Tập đoàn chấp hành tốt các quy định của pháp luật hiện hành và chỉ đạo của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành hoạt động của Phân bón Bình Điền. Bên cạnh đó, chấp hành tốt nghĩa vụ của người đại diện phần vốn quy định tại Quy chế quản lý người đại diện phần vốn do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam ban hành; trước khi biểu quyết thông qua các vấn đề quan trọng, người đại diện phần vốn đều xin chủ trương của Tập đoàn.
Tuy nhiên, ông Ngô Văn Đông cũng chia sẻ, Luật số 71 của Quốc hội quy định phân bón là đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng như hiện nay tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón. Do đó, đề nghị Tập đoàn tiếp tục báo cáo Chính phủ trình Quốc hội đưa mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng như hiện nay thành đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng.
Ông Lê Văn Năm, Tổng giám đốc Công ty CP Pin ắc quy miền Nam cho hay, trong giai đoạn khó khăn do đại dịch và những biến động trên thị trường thế giới, người đại diện phần vốn tại doanh nghiệp đã nỗ lực tìm các giải pháp để giữ vững thị phần, giữ được việc làm cho người lao động, bảo toàn được vốn của Nhà nước và Tập đoàn giao. Ví dụ như quan tâm, chỉ đạo ban giám đốc có kế hoạch từ đầu năm, có sự ứng biến hợp lý để đạt các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh mà Tập đoàn giao. Bên cạnh đó, thành lập Phòng Xuất nhập khẩu để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, đa dạng đầu ra cho sản phẩm của doanh nghiệp. Đồng thời cải thiện, nâng cao chất lượng cho sản phẩm. Có quy chế lương thưởng đầy đủ để động viên người lao động…
Ông Lê Văn Năm cũng kiến nghị thời gian tới, Tập đoàn cho phép Công ty thành lập Ban Kiểm tra nội bộ. Bên cạnh đó, về quy chế quản lý đầu tư, đề nghị Tập đoàn thay đổi việc bổ sung việc đầu tư.
Tại Hội nghị, trên tinh thần đồng hành, tháo gỡ khó khăn, chung tay cùng sự phát triển của doanh nghiệp, ông Nguyễn Phú Cường đã giải đáp các vấn đề kiến nghị của doanh nghiệp về Xếp loại doanh nghiệp; Quy chế đầu tư; Luật 71; Giá, số lượng, chất lượng quặng apatit; Các đơn vị chia sẻ, sử dụng sản phẩm, dịch vụ trong Tập đoàn…
Phòng chống khủng bố là hoạt động quan trọng
Sáng cùng ngày, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã tổ chức Hội nghị hướng dẫn triển khai công tác phòng, chống khủng bố.
Trước đó, ngày 5/8/2022, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã ban hành Quyết định số 58/QĐ-HCN kèm theo Kế hoạch thực hiện công tác phòng chống khủng bố giai đoạn 2022 – 2026. Thực hiện Kế hoạch này, Tập đoàn đã tổ chức Hội nghị nhằm phổ biến, quán triệt, thi hành Luật Phòng chống khủng bố và các Nghị định hướng dẫn thi hành cho lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của Tập đoàn.
Tổ chức phổ biến, quán triệt, thi hành Luật phòng, chống khủng bố và các Nghị định hướng dẫn thi hành cho lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của Tập đoàn, Thượng tá Đàm Văn Minh - Báo cáo viên của Cục An ninh nội địa Bộ Công an nhấn mạnh, công tác phòng chống khủng bố là một trong những nội dung rất quan trọng vì nó là một trong những vấn đề “nóng” nhất trong các hội nghị quốc tế hiện nay. Đến nay, Liên hợp quốc đã ban hành trên 50 nghị quyết về công tác chống khủng bố và đây cũng được xác định là điều quan trọng với nước ta.
Hiện chủ trương chung của đất nước là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cho nên vấn đề đảm bảo an ninh an toàn gắn liền với phát triển kinh tế xã hội là vấn đề được đặt ra. Đây cũng là vấn đề đang được rất nhiều các quốc gia ưu tiên. Vừa qua, Quốc hội đã thông qua 1 số Luật, trong đó 1 số Luật được ưu tiên nhất là Luật Phòng chống rửa tiền và sửa Luật Phòng chống khủng bố. Đây là dự án Luật được thông qua nhanh nhất.
Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Phú Cường một lần nữa khẳng định vai trò đặc biệt của người đại diện phần vốn tại doanh nghiệp. Hiện, người đại diện vốn tại doanh nghiệp hầu hết đều tham gia ban lãnh đạo của các doanh nghiệp, đều nắm giữ vị trí quyết định nên vai trò của người đại diện không thể thay đổi.
“Ta đã có năm 2022 và 2021, kết quả sản xuất kinh doanh tốt, theo chiều hướng đi lên. Đây chính là đóng góp của tập thể, trong đó có vai trò của người đại diện phần vốn doanh nghiệp. Tập đoàn ghi nhận và cảm ơn sự đóng góp của người đại diện tại các đơn vị” – ông Nguyễn Phú Cường nhắc lại.
Tuy nhiên, ông Cường cũng chỉ rõ, hiện còn 1 số vị trí cần phát huy vai trò tốt hơn. Khi nền kinh tế vẫn còn có những dấu hiệu chưa phục hồi hoàn toàn, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, làm sao người đại diện cùng với tập thể đơn vị, từ những bài học đã có sẽ vượt qua khó khăn, có kết quả sản xuất kinh doanh tốt nhất. Ông Cường khẳng định, với những kiến nghị của doanh nghiệp, Tập đoàn sẽ nỗ lực xử lý ngay để tạo điều kiện tốt nhất cho người đại điện phần vốn làm tốt nhất nhiệm vụ của mình.
Ông Nguyễn Phú Cường cũng nhắc lại, đối với ngành hóa chất, nếu xảy ra sự cố sẽ rất nguy hiểm. Cho nên các doanh nghiệp phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ sản phẩm, nguyên vật liệu, vật tư phục vụ cho công tác sản xuất kinh doanh. Đồng thời đánh giá sâu sắc hơn về an toàn hóa chất, an toàn vật liệu nổ. Đây không phải là vấn đề làm cho cộng đồng mà cho chính bản thân doanh nghiệp.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Phú Cường nêu rõ, giai đoạn này, nền kinh tế của đất nước đã vượt qua giai đoạn khó khăn, bước vào giai đoạn phát triển, các yếu tố như rủi ro cũng là điều cần hết sức xem xét. Yếu tố khủng bố trong bối cảnh hiện nay chính là thách thức giữa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống đan xen, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, ổn định của doanh nghiệp.
Riêng với vấn đề phòng chống khủng bố, ông Nguyễn Phú Cường nêu rõ, hàng năm, doanh nghiệp đều tổ chức diễn tập. Tuy nhiên, hôm nay, sau bài phát biểu của Thượng tá Đàm Văn Minh, các doanh nghiệp có sự hình dung rõ hơn. Tập đoàn cũng mong muốn tất cả cán bộ chủ chốt xác định rõ vai trò về việc chấp hành tuân thủ quy định của Luật Hóa chất vì nó liên quan trực tiếp đến vấn đề phòng chống khủng bố, đảm bảo an toàn trong sản xuất.