1. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Lãnh đạo một số Bộ Ngành đã đến thăm, làm việc và đi kiểm tra, khảo sát tình hình SXKD của các đơn vị thành viên Vinacomin, tìm hiểu đời sống, việc làm của CNCB ngành Than - Khoáng sản. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã đánh giá cao hướng đi mới của ngành như tái cấu trúc, ứng dụng KHCN vào sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa nâng cao năng lực sản xuất than, đầu tư thành công nhiều nhà máy điện, đáp ứng nhu cầu an ninh năng lượng quốc gia…, đồng thời biểu dương CBCNV toàn Tập đoàn nỗ lực vượt bậc trong sản xuất - kinh doanh, hoàn thành nhiệm vụ được giao, đặc biệt trong điều kiện kinh tế thế giới khó khăn, thị trường xuất khẩu của ngành bị ảnh hưởng như thời gian vừa qua. 2. Tập đoàn đã tích cực triển khai thực hiện Đề án đổi mới, tái cơ cấu Tập đoàn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 314/QĐ-TTg ngày 07/2/2013, trong đó chuyển đổi xong 6 công ty TNHH MTV sản xuất than, 3 công ty than hai cấp chuyển về một cấp là chi nhánh của Tập đoàn vào đầu năm 2014; triển khai bàn giao Tổng Công ty Đông Bắc về Bộ Quốc phòng thống nhất quản lý, triển khai các thủ tục cổ phần hóa 03 doanh nghiệp và đang thực hiện tái cơ cấu các đơn vị khác, tích cực thực hiện việc thoái vốn đầu tư ở các các đơn vị ngoài ngành. Sắp xếp lại Cơ quan quản lý điều hành của Tập đoàn, tinh giảm các ban chuyên môn giúp việc từ 28 xuống còn 23 ban; Đồng thời, chỉ tập trung đầu tư các dự án trọng điểm trong các lĩnh vực: than, khoáng sản, điện, hóa chất theo quy hoạch, kế hoạch 5 năm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các dự án đưa công nghệ mới vào sản xuất… 3. Tổ chức thành công Đại hội Công đoàn Than Khoáng sản Việt Nam lần thứ IV nhiệm kỳ 2013 - 2018. Trong nhiệm kỳ này, Công đoàn Than Khoáng sản Việt Nam sẽ tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm thực hiện có hiệu quả chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Tiếp tục tham gia có hiệu quả trong công tác quản lý, đổi mới và tái cơ cấu doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn nhằm xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành Than - Khoáng sản. 4. Khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Mạo Khê: Ngày 12/4, tại xã Bình Khê, huyện Đông Triều, Quảng Ninh, Tập đoàn đã tổ chức khánh thành dự án Nhà máy Nhiệt điện Mạo Khê, công suất 440 MW. Đây là dự án trọng điểm quốc gia nằm trong Quy hoạch điện VII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhà máy nhiệt điện Mạo Khê đi vào hoạt động sẽ bổ sung vào lưới điện quốc gia khoảng 2,86 tỷ kWh/năm, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đồng thời giải quyết việc làm cho cán bộ công nhân viên ngành Than, tỉnh Quảng Ninh và khu vực lân cận. Theo các chuyên gia năng lượng, đây là một trong những dự án nhiệt điện hiếm hoi theo Quy hoạch Điện VII về đích trước tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đáp ứng các tiêu chuẩn về khắt khe về kỹ thuật, môi trường.
5. Phát hành thành công 5.000 tỷ đồng trái phiếu: Đây là đợt phát hành trái phiếu tiền đồng lớn nhất của Vinacomin cũng như của Tập đoàn doanh nghiệp nhà nước tính đến thời điểm phát hành. Điều này minh chứng cho sự khẳng định Vinacomin là Tập đoàn kinh tế nhà nước có uy tín cao trên thị trường.
6. Tổ chức thành công Hội thi đào lò nhanh cấp Tập đoàn: Hội thi đào lò nhanh năm 2013 lần đầu tiên tổ chức tại Công ty than Hà Lầm từ tháng 4 đến hết tháng 10/2013 gồm 7 đơn vị tham gia thi tại các đường lò XDCB mức -300 Dự án khai thác xuống sâu dưới mức -50 mỏ Hà Lầm. Đây là một chủ trương lớn của Tập đoàn nhằm đánh giá năng lực tổ chức thi công đào lò của các đơn vị chuyên đào lò và sản xuất than hầm lò, thông qua Hội thi nhằm đẩy nhanh tiến độ đào lò dự án trọng điểm của Tập đoàn. Hội thi đã thành công tốt đẹp với khối lượng mét lò các đơn vị tham gia Hội thi đạt được là 1.024,7m, năng suất lao động bình quân tăng 24% so với định mức, rút ngắn thời gian đào lò XDCB của dự án 4,5 tháng so với tổ chức thi công bình thường, đẩy nhanh tiến độ đào lò, sớm đưa dự án vào sản xuất.7. Vinacomin tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tỉnh Quảng Ninh và các Bộ, ngành TW, các địa phương khác trong công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Với quyết tâm đi tìm sự công bằng cho hòn than, cho người thợ mỏ, 2013 cũng là một năm Tập đoàn đã mạnh dạn đối mặt với dư luận trên các diễn đàn, trên phương tiện thông tin đại chúng để cải thiện cách nhìn, tìm sự chia sẻ, ủng hộ của xã hội, góp phần tạo sự đồng thuận, ổn định sản xuất. Nhờ đó mà thương hiệu, uy tín của Vinacomin chẳng những được giữ vững mà còn được củng cố thông qua đánh giá của các tổ chức uy tín. Vinacomin tiếp tục lọt vào top 10/500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam và top 10/1000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập lớn nhất Việt Nam năm 2013 do VN Report bình chọn.
8. Động thổ dự án khai thác hầm lò mỏ Khe Chàm II-IV: Dự án có công suất thiết kế 3,5 triệu tấn than/năm với tổng mức đầu tư trên 12.500 tỷ đồng. Trữ lượng công nghiệp trên 74 triệu tấn, tổng số có 13 lò chợ, trong đó có 2 lò chợ cơ giới hoá. Mỏ được thiết kế với tiêu chí mỏ sạch, hiện đại, tiết kiệm tài nguyên, được thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu, áp dụng cơ giới hoá đồng bộ trong khai thác. Các hệ thống vận tải, thông gió, thoát nước, quan trắc tập trung, tổ hợp công nghệ trên mặt mỏ được cơ giới hoá, tự động hoá tối đa. Khu xử lý nước thải mỏ được thiết kế hiện đại đảm bảo nước thải sau xử lý có thể tái sử dụng, đủ điều kiện thải ra môi trường....
9. Nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963 - 30/10/2013) và 77 năm ngày Truyền thống công nhân vùng Mỏ - Truyền thống ngành Than (12/11/1936 - 12/11/2013) như gắn biển: công trình Nhà ở tập thể công nhân mỏ Công ty than Nam Mẫu, trạm xử lý nước thải mỏ Núi Béo, trạm xử lý nước thải Hà Tu, công trình xử lý bùn nước nhà máy tuyển - Công ty Tuyển than Cửa Ông, công trình Nhà máy xử lý và tái chế chất thải công nghiệp nguy hại, dây chuyền sản xuất thuốc nổ nhũ tương hầm lò công suất 5000 tấn/năm, khai thác tấn than đầu tiên tại mỏ mới Khe Chàm III…
10. Cơn bão khủng hoảng kinh tế toàn cầu chưa có dấu hiệu suy giảm; thuế xuất khẩu lên xuống thất thường, nhiều loại thuế, phí áp dụng cho than còn chưa hợp lý; giá bán than cho điện dù tăng nhưng vẫn chưa bù được giá thành sản xuất… làm cho giá hòn than bị đẩy lên, đuối sức cạnh tranh, sản lượng tiêu thụ than sụt giảm, nhiều đơn vị phải giãn sản xuất, giảm lao động… đã tác động không nhỏ đến cân đối tài chính, việc làm, đời sống, thu nhập của hàng vạn thợ mỏ ngành Than - Khoáng sản. Tuy nhiên, sự kết thúc "có hậu" của thị trường than tháng 12 đã đánh dấu một năm vượt khó thành công của Tập đoàn.