Thông tin từ Hiệp hội Giấy và Bột giấy (VPPA) cho thấy, chỉ trong vòng 2 tuần (ngày 26/6 đến 10/7), việc triển khai công văn số 3738/ TCHQ-GSQL ngày 26/6/2018 về siết chặt quản lý phế liệu nhập khẩu của Tổng cục Hải quan đã khiến cho hàng nghìn container Giấy thu hồi NK của các doanh nghiệp sản xuất trong nước bị ách tắc tại cảng, gây thiệt hại lớn (riêng phí lưu container, ước các DN NK giấy phế liệu (thu hồi) lên tới nhiều chục tỷ đồng, chưa kể những thiệt hại trong sản xuất do phải dừng máy hay bị phạt hợp đồng do giao hàng không đúng hẹn và nhiều hệ lụy dây chuyền…). Trong tháng 8, sản xuất của ngành giấy giảm 2%, chủ yếu là giấy bao bì; giấy bao bì xuất khẩu cũng giảm 8%, chủ yếu do ảnh hưởng bởi việc siết nhập khẩu phế liệu.
Giấy tái chế là một nguồn nguyên liệu trong sản xuất
Theo ông Đặng Văn Sơn, Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA),Viện trưởng Viện Công nghiệp giấy và xenluylo, việc các cơ quan nhà nước siết chặt quản lý, giám sát chặt chẽ các DN nhập khẩu phế liệu là việc làm cần thiết, không để lợi dụng chính sách NK những chất thải nguy hại, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, môi trường sống và toàn xã hội.
Tuy nhiên ông Sơn cho rằng, sản xuất giấy (kể cả giấy tái chế) không phải là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Thế giới từ lâu đã công nhận tái chế giấy (sử dụng các loại giấy đã dùng, bao gồm giấy loại hoặc bìa loại thu hồi để tái chế thành các sản phẩm giấy như giấy tiêu dùng và giấy bao bì) là hoạt động bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và không coi giấy thu hồi là phế liệu… Nhiều nước phát triển cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ việc thu gom, tái chế giấy và không coi giấy đã qua sử dụng dùng làm nguyên liệu sản xuất giấy tái chế là giấy phế liệu (waste paper) mà gọi là giấy thu hồi ( recovered paper) và không quản lý mặt hàng này như tất cả các loại phế liệu khác.
Giấy tái chế là nguyên liệu sản xuất. (Ảnh: internet)Theo quy định, để có thể nhập khẩu giấy thu hồi (phế liệu) làm nguyên liệu sản xuất, các doanh nghiệp nhập khẩu giấy phế liệu sản xuất giấy phải tuân thủ các quy định: Có giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; ký quỹ trước khi làm thủ tục thông quan; cung cấp Chứng thư chứng nhận hàng phế liệu đáp ứng đủ yêu cầu về môi trường theo quy chuẩn QCVN 33:2010/BTNMT, phù hợp với Quyết định 73/2014/QĐ-TTg; Kiểm hoá 100% lô hàng tại cảng nhập khẩu, theo quy định của Tổng cục Hải quan…
Diễn biến trên thị trường vừa qua cũng cho thấy việc siết chặt nhập khẩu giấy loại thu hồi đã khiến việc tranh mua tranh bán loại nguyên liệu này trong nội địa ngày càng căng thẳng. Nhận định về thực trạng này VPPA cho biết doanh nghiệp giấy trong nước chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, không thể đủ sức cạnh tranh rất khó mua loại giấy này về sản xuất, đồng thời VPPA cũng kiến nghị cơ quan chức năng cần nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ.
Cần nhanh chóng có cơ chế quản lý phù hợp
Theo ông Hoàng Trung Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Giấy và Bao bì Đồng Tiến (Đồng Tiến) việc siết chặt nhập khẩu phế liệu, trong đó có giấy thu hồi đã ảnh hưởng rất nhiều tới hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Hàng tháng, Công ty phải nhập khẩu khoảng 3,500-4,000 tấn, tương tương khoảng 160-180 containers.
Từ khi thực hiện công văn số 3738 của Tổng cục Hải quan đến nay, riêng chi phí lưu conts, lưu bãi Công ty đã phải trả là hơn 4 tỷ đồng, tương đương hơn 1 triệu đồng/tấn giấy thu hồi NK và còn tiếp tục phát sinh. Ngoài ra, theo ông Sơn, việc thông quan chậm trễ còn gây ra tình trạng thiếu hụt nguyên liệu sản xuất buộc các doanh nghiệp phải giảm công suất hoặc tạm ngưng sản xuất, cũng như đẩy giá giấy thu hồi trong nước tăng cao (hơn 1tr đồng/tấn chỉ trong vòng 01 tháng) do hiện tượng tranh mua giữa các doanh nghiệp.
VPPA cho biết đã làm nhiều văn bản gửi các cơ quan chức năng, kiến nghị tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính nhập khẩu giấy loại thu hồi phục vụ sản xuất giấy bao bì cho ngành giấy. Bởi từ trước đến nay, ngành giấy làm rất tốt công tác bảo vệ môi trường và sản phẩm giấy loại này thực tế là nguyên liệu sạch.
Là một nước xuất khẩu lớn, giấy bao bì là một mặt hàng rất quan trọng của nước ta đi cùng các hàng hóa xuất khẩu (lượng bao bì giấy sử dụng hàng năm là rất lớn). Tuy nhiên thực tế hiện nay, ngành giấy Việt Nam đang thiếu nguồn nguyên liệu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng giấy đang tăng nhanh, đặc biệt là với giấy bao bì (với tốc độ tăng trưởng dự kiến trong 5-10 năm tới là 14-18 %/năm. Năm 2017, cả nước đã nhập gần 1,5 triệu tấn giấy thu hồi các loại làm nguyên liệu sản suất, và dự báo con số này sẽ còn tăng cao trong các năm tới để đáp ứng nhu cầu.