Vùng kinh tế động lực Ngọc Hồi

Ngọc Hồi là huyện phía Bắc tỉnh Kon Tum, nằm ở ngã ba Đông Dương, giáp 2 nước Lào và Campuchia (có chung đường biên giới với Lào 30 km, Campuchia 25 km). Diện tích: 82.400 km2, dân số xấp xỉ 36 ngàn n

Ngọc Hồi có 8 đơn vị hành chính trực thuộc (7 xã và 1 thị trấn Plei Kần), là nơi hội tụ của đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 40 và quốc lộ 14C. Đặc biệt, Ngọc Hồi có khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y là cửa ngõ giao thương của tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, là đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng trong khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của Tây Nguyên. Chính vì vậy, nên Ngọc Hồi được xác định là một trong ba vùng kinh tế động lực của tỉnh Kon Tum.

Lưới điện huyện Ngọc Hồi.Trong những năm qua, Công ty Điện lực 3 (nay là Tổng công ty Điện lực miền Trung - EVNCPC) đã đầu tư các dự án lưới điện trên địa bàn huyện Ngọc Hồi (điện khí hóa xã Bờ Y, các dự án điện nông thôn) với quy mô: Xây dựng mới và cải tạo 156,2 km đường dây trung và hạ áp, các TBA phụ tải với tổng dung lượng 3.925 kVA. Hiện tại, EVNCPC đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án điện nông thôn tại đây với 20 km đường dây trung áp; 8 km đường dây hạ áp; 12 TBA phụ tải với dung lượng 2.500 kVA. Ngoài ra, cùng với việc đầu tư nâng cấp hàng năm của Công ty Điện lực Kon Tum và các nguồn vốn đầu tư khác của địa phương, đến nay Điện lực Ngọc Hồi đang quản lý 130 km đường dây trung áp; 115 km đường dây hạ áp; 107 TBA phụ tải với tổng dung lượng 14.307 kVA; khách hàng sử dụng điện 11.819 hộ. Năm 2012 sản lượng điện thương phẩm đạt 15,2 triệu kWh, tăng 7,9 % so với năm 2011; 5 tháng đầu năm 2013 đạt 6,5 triệu kWh, tăng 22,3 % so với cùng kỳ năm 2012.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Điện lực Ngọc Hồi cho biết: Ngoài việc đảm bảo cung cấp điện ổn định và liên tục cho địa phương, đơn vị còn có nhiệm vụ cung ứng điện cho tỉnh Attapư (nước bạn Lào). Sản lượng điện bán qua Lào năm 2012 là 1,2 triệu kWh, tăng 209,3 % so với năm 2011; 5 tháng đầu năm 2013: 0,86 triệu kWh, tăng 59,5 % so với cùng kỳ năm 2012. CBCNV Điện lực Ngọc Hồi đang tập trung mọi nguồn lực xây dựng và nâng cấp lưới điện, góp phần thực hiện Nghị quyết Đảng bộ huyện Ngọc Hồi phấn đấu đến cuối năm 2015 nâng cấp huyện lên thị xã.

Lưới điện cấp cho nước bạn Lào qua của khẩu Bờ Y.
Nhà điều hành Điện lực Ngọc Hồi.
Từ một huyện lúc mới thành lập (ngày 15/10/1991) với cơ sở hạ tầng thấp kém, dân số sống rải rác, kinh tế chậm phát triển, sản xuất manh mún, lạc hậu, không có điện, đời sống nhân dân khó khăn, thiếu thốn… nhờ phát huy sức mạnh tổng hợp của địa phương, đồng thời khai thác mọi tiềm năng, nhiều năm qua huyện Ngọc Hồi đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng như: Điện, đường, trường, trạm, hệ thống thủy lợi và các công trình phúc lợi xã hội. Đến nay, 100% số xã đều có đường ô tô vào trung tâm xã; 8/8 xã, thị trấn đều có điện lướiquốc gia, 100% thôn, làng có điện sinh hoạt. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp - thủy sản, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng - thương mại - dịch vụ.

Điểm nhấn của huyện Ngọc Hồi - “ngã ba Đông Dương” là Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Đây là giao điểm quan trọng nối liền các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ Việt Nam với các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan, Campuchia và Mianma; đồng thời cũng là tuyến hành lang thương mại Đông Tây ngắn nhất. Việc xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y lớn mạnh trở thành trung tâm kinh tế mũi nhọn là mục tiêu lớn của tỉnh Kon Tum. Chính vì vậy, Khu kinh tế này đang được quy hoạch, mở rộng phần lớn huyện Ngọc Hồi với diện tích 70.438 ha để trở thành vùng đặc thù của khu thương mại, công nghiệp, chế xuất... thu hút các doanh nghiệp không chỉ trong nước mà cả nước ngoài vào đầu tư, kinh doanh, sản xuất. Với sự đầu tư và kêu gọi đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, giờ đây mọi tiềm năng của khu vực này đang được đánh thức và hứa hẹn sức vươn mạnh mẽ, dáng vóc của một đô thị hiện đại đang hình thành. Trong tương lai không xa, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y sẽ đưa Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng vươn ra hội nhập với khu vực và thế giới.
Nguyễn Xuân Tư