Kết thúc quý 1/2024, Công ty Cổ phần Đông Hải Bến Tre (mã cổ phiếu DHC - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu thuần 811 tỷ đồng và lãi ròng 56 tỷ đồng, lần lượt giảm 4,3% và 35% so với cùng kỳ năm 2023.
Đông Hải Bến Tre hiện là nhà sản xuất giấy công nghiệp lớn thứ 4 với khoảng 5,3% thị phần và 7% sản lượng giấy cả nước. Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính, đây là công ty có mức chi phí sản xuất cạnh tranh hàng đầu trên thị trường nội địa, thậm chí thấp hơn cả nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Theo chia sẻ từ ban lãnh đạo Đông Hải Bến Tre, kết quả kinh doanh quý 1/2024 chưa đạt kỳ vọng chủ yếu do chi phí đầu vào tăng 10,3% nhưng giá bán đầu ra chỉ tăng 3,5%. Đồng thời, công ty buộc phải dừng Nhà máy Giao Long 1 trong 4 ngày và Nhà máy Giao Long 2 trong 2 ngày. Đây cũng là hai nhà máy chính của công ty với tổng công suất là 320.000 tấn giấy/năm, đóng góp khoảng 90% tổng doanh thu hàng năm của Đông Hải Bến Tre.
Tuy kết quả kinh doanh quý 1/2024 chưa khả quan nhưng các điều kiện kinh doanh của Đông Hải Bên Tre đang xuất hiện nhiều dấu hiệu khả quan. Trong đó, giá giấy công nghiệp trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 5 đã tăng 15%. Nếu so với mức đáy hồi tháng 10/2023, giá giấy công nghiệp hiện đã tăng khoảng 26%.
Bên cạnh đó, tệp khách hàng chính của Đông Hải Bến Tre là các doanh nghiệp thuỷ sản (chiếm tới 40% doanh thu mảng bao bì) và may mặc tại khu vực Tây Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long đang ghi nhận đơn hàng tăng trưởng dần đều trong những tháng gần đây, mở ra triển vọng gia tăng nhu cầu tiêu thụ giấy công nghiệp.
Đáng chú ý, dấu hiệu “ấm lên” của thị trường giấy công nghiệp trong nước còn được phản ánh thông qua việc các nhà máy giấy FDI lớn như Nin Dragon đã vận hành trở lại 3 nhà máy cùng lúc trong tháng 2 và tháng 3 vừa qua.
Trong trung và dài hạn, xu hướng hạn chế sử dụng bao bì nhựa dùng một lần nhằm giảm thiểu rác thải nhựa sẽ thúc đẩy nhu cầu sử dụng bao bì giấy. Các khảo sát thị trường cho thấy bao bì giấy đang dần thay thế và có tín hiệu phát triển sâu rộng tại Việt Nam. Dòng sản phẩm giấy Testliner của Đông Hải Bến Tre đang được nhiều đối tác sử dụng thay thế cho bao bì nhựa, đặc biệt giấy Tesliner thường có giá bán cao hơn so các sản phẩm giấy thông thường.
Tỷ lệ sản xuất giấy Testliner/Medium tại các nhà máy Giao Long 1 và Giao Long 2 của Đông Hải Bến Tre hiện lần lượt là 45%/55% và 80%/20%, cho thấy công ty đang chú trọng ưu tiên sản xuất giấy Testliner.
Theo đánh giá mới đây của hãng Chứng khoán Mirae Asset Vietnam, “nội lực” kinh doanh của Đông Hải Bến Tre đã được chứng minh khi công ty hoạt động ổn định trong năm 2023 đầy thách thức.
Bắt đầu từ tháng 10/2022 ngành giấy công nghiệp Việt Nam đã đối mặt với nhiều khó khăn lớn. Trong đó, tình trạng suy giảm đơn hàng xuất khẩu của các ngành khiến nhu cầu tiêu thụ giấy bao bì suy giảm mạnh. Đồng thời, nhu cầu tiêu thụ giấy tại Trung Quốc cũng suy giảm khiến các doanh nghiệp giấy Trung Quốc tại Việt Nam đẩy mạnh bán hàng ra tại trường nội địa, gia tăng áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp Việt Nam. Theo Hiệp hội Giấy Việt Nam, hiện tượng thừa cung xuất hiện khiến nhiều doanh nghiệp trong nước chỉ sản xuất từ 50 – 60% công suất.
Tuy nhiên trong năm 2023, sản lượng của Đông Hải Bến Tre vẫn vượt kế hoạch với hơn 324.000 tấn giấy công nghiệp, chỉ giảm 1% so với năm 2022. Nhưng do giá bán giảm sâu, doanh thu và lãi ròng của công ty đã giảm hơn 20% so với năm 2023.
Do đó với việc hoạt động kinh doanh của các khách hàng chính đã phục hồi, triển vọng kinh doanh của Đông Hải Bến Tre thời gian tới kỳ vọng sẽ ở mức tích cực, Chứng khoán Mirae Asset Vietnam nhận định.