Vượt qua nỗi lo lỗ lũy kế, doanh nghiệp Đài Loan hợp tác cùng Xơ sợi Đình Vũ vận hành toàn bộ Nhà máy

Mới đây Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Việt Nam (VNPOLY) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn Shinkong Synthetic Fibers Corporation (SSFC) của Đài Loan (Trung Quốc) trong sản xuất sợi DTY.

Phụ thuộc vào thực tế

VNPOLY là đơn vị thành viên của Petrovietnam, là chủ sở hữu Nhà máy sản xuất xơ sợi tổng hợp Việt Nam thường được biết đến với tên gọi: Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ.

Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Trần Sỹ Thanh
Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Trần Sỹ Thanh kiểm tra tình hình vận hành Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ

Để có thể vận hành toàn bộ Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ  trong thời gian sớm nhất, VNPOLY và SSFC sẽ cùng hợp tác sản xuất sợi DTY ở cả trong ngắn hạn và trong thời gian dài, hai bên sẽ cùng thực hiện bảo dưỡng kết hợp cải tiến, cải tạo kỹ thuật.

Phía SSFC cung cấp nguyên liệu, chuyên gia kỹ thuật, cấp chi phí vận hành, đảm bảo thị trường. Về phần mình, VNPOLY sẽ cung cấp máy móc, nhân lực vận hành và hệ thống quản lý, kho bãi.

Sự hợp tác khởi đầu từ tháng 11/2019, khi ông LuoShyr Shyuan - Tổng giám đốc SSFC làm trưởng đoàn đã làm việc với VNPOLY và Petrovietnam. Tại buổi làm việc, hai bên đã cùng trao đổi, thảo luận làm rõ các thông tin liên quan đến năng lực, kinh nghiệm, tài chính và thế mạnh của các bên.

Cùng với đó là các thông tin kỹ thuật của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ; thị trường trong nước, cung cầu của các sản phẩm sợi DTY cũng như một số chính sách hỗ trợ…

Chỉ hơn 3 tuần sau đó, hai bên đã thống nhất xong các điều khoản hợp tác và tự tin về sự phát huy, tận dụng lợi thế của nhau, thúc đẩy phát triển ngành dệt may công nghệ cao ở Đài Loan và Việt Nam, cũng như hỗ trợ phát triển thị trường sợi DTY tại Việt Nam.

Công nhân Nhà máy Kiểm tra máy móc
Công nhân Nhà máy kiểm tra máy móc

Hiện nay, hai bên chưa cho biết thời điểm nào sẽ vận hành toàn bộ Nhà máy Xơ sợi vì còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khách quan và tình hình thực tế, nhưng sẽ đưa ra nhiều biện pháp đẩy tiến độ nhanh nhất có thể vì sức ép thị trường, càng hoạt động hết công suất chừng nào, càng chớp lấy cơ hội tốt chừng đó.

Vượt qua nỗi lo lũy kế?

Vấn đề lớn nhất của Xơ sợi Đình Vũ lúc này là chất lượng và sự ổn định. Bởi lẽ, thị trường đầu ra của sợi DTY tại Việt Nam còn rất rộng.

Hiện nay Xơ sợi Đình Vũ VNPOLY  cung cấp ra thị trường hơn 120.000 tấn xơ, sợi các loại, bằng khoảng 68% so với công suất thiết kế 175.000 tấn xơ sợi/năm (140.000 tấn xơ và 35.000 tấn sợi). Nếu vận hành toàn bộ nhà máy, hoạt động hết công suất cũng mới chỉ đáp ứng 30-40% nhu cầu  trong nước.

Trước đó, ngày 27/4/2018, PVTEX đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác sản xuất kinh doanh với liên danh An Phát và các đối tác nước ngoài nêu trên, bước tiến quan trọng để đi đến hợp tác sản xuất kinh doanh Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ sau một thời gian dài tìm kiếm đối tác.

Ngày 24/7, tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) với Công ty CP An Phát Holdings (APH) và Công ty CP Xơ sợi Tổng hợp An Sơn  đã ký kết Hợp đồng hợp tác gia công sợi DTY của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ. 

Đưa cuộn sợi nguyên liệu vào dây chuyền kéo sợi DTY tại Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ.
Đưa cuộn sợi nguyên liệu vào dây chuyền kéo sợi DTY tại Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ.

 

Theo bản thỏa thuận, các Bên đã thống nhất lộ trình hợp tác để nâng công suất 3 dây chuyền DTY đang vận hành hiện tại lên toàn bộ 25 dây chuyền DTY với công suất lên đến hơn 60 tấn sợi/ngày (tương đương khoảng 1800 tấn/tháng).

Đến ngày 8/5/2019, Xơ sợi Đình Vũ đã khởi động vận hành lại 3 dây chuyền DTY của Phân xưởng sợi Filament, nâng lên 12 dây chuyền.

Nhưng đến tháng 10/2019, Tập đoàn An Phát không tiếp tục gia hạn Hợp đồng hợp tác với Xơ sợi Đình Vũ nên PVTEX kiếm đối tác là SSFC của Đài Loan (Trung Quốc) nhằm khởi động lại toàn bộ nhà máy này.

Trên thực tế, sự hợp tác giữa An Phát và Xơ sợi Đình Vũ đã cho kết quả tốt. Vận hành ban đầu cho thấy máy móc hoạt động ổn định, chất lượng sản phẩm tốt, đảm bảo tiêu chuẩn yêu cầu của khách hàng. Nhưng An Phát quyết định dừng cuộc chơi có lẽ do lỗ lũy kế của Xơ sợi Đình Vũ từ những năm trước.

Chắc chắn Tập đoàn SSFC đã biết rõ tình hình tài chính của Xơ sợi Đình Vũ. Khi quyết định hợp tác, SSFC đã cân nhắc mọi yếu tố về nguồn lực để vượt qua những khó khăn về khoản lỗ từ những năm trước của Xơ sợi Đình Vũ

Nghi Xuân