Vào lúc 12h32 hôm nay (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 1/2020 đã tăng mạnh 1,16 USD/thùng lên mức 59,45 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 1/2020 cũng tăng 1,06 USD/thùng lên mức 53,20 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, giá dầu thô Brent đã giảm 2,5% trong khi giá dầu thô WTI giảm 2,2%; chạm mức thấp nhất trong gần 3 tháng trở lại đây khi thị trường lo ngại sự bùng phát dịch virus Corona sẽ làm suy giảm nhu cầu sử dụng dầu thô và các sản phẩm từ dầu thô.
Giá dầu thô bật tăng trở lại trong phiên giao dịch hôm này sau khi Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết “không có lý do để hạn chế các hoạt động du lịch hoặc thương mại với Trung Quốc vì virus Corona” trong bối cảnh WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với dịch virus Corona hay dịch viêm phổi cấp Vũ Hán. Tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu là khái niệm chỉ dùng với các đợt bùng phát dịch nghiêm trọng nhất.
Các nhà phân tích nhận định tuyên bố không hạn chế giao thương đối với Trung Quốc đã gíup vực dậy niềm tin của thị trường và hỗ trợ giá dầu thô tăng lên trong phiên giao dịch hôm nay. Tuy nhiên, tính chung cả tuần này (27/1 – 31/1), giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI vẫn có mức giảm lần lượt là 2% và 1,8%. Nhiều chuyên gia vẫn thận trọng cho biết giá dầu thô có thể vẫn chịu áp lực giảm sâu hơn nếu như dịch virus Corona lan rộng khiến nhu cầu sử dụng dầu thô cho các hoạt động đi lại, năng lượng và sản xuất giảm xuống.
Theo thông báo mới nhất của Chính phủ Italy, nước này sẽ tạm hoãn toàn bộ các chuyến bay giữa Italy và Trung Quốc; trước đó, các hãng hàng không lớn như Air France (Pháp), American Airlines (Hoa Kỳ) và British Airways (Anh) đã ngưng các chuyến bay đến Trung Quốc. Theo đánh giá của hãng tư vấn thị trường Wood Mackenzie, việc giảm các hoạt động vận chuyển giữa Trung Quốc với quốc tế cũng như trong nội địa nước này sẽ khiến tổng nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu giảm 500.000 thùng/ngày trong quý 1/2020.
Hiện thị trường đang chờ đợi cuộc họp giữa khối OPEC với 10 quốc gia sản xuất dầu thô ngoài khối OPEC (khối OPEC+) dự kiến diễn ra vào ngày 5-6/3/2020 tới đây. Trong tháng 12/2019, khối OPEC+ đã đồng ý cắt giảm sản lượng khai thác 1,7 triệu thùng/ngày trong quý 1/2020 để ngăn chặn đà giảm của giá dầu thô. Trong cuộc họp tới đây, khối OPEC+ sẽ thảo luận chính sách sản xuất mới.