Trong ngày 31/3, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã công bố báo cáo mới nhất về triển vọng thương mại toàn cầu với dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ đạt 8% trong năm 2021, tăng đáng kể so với mức dự báo tăng 7,2% đưa ra hồi tháng 10/2020. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với xu hướng trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
WTO nhận định tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ giảm về mức 4% trong năm 2022. WTO cũng nhấn mạnh đà phục hồi của thương mại toàn cầu phụ thuộc mạnh vào việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 của các nền kinh tế trên thế giới và tác động của đại dịch vẫn còn kéo dài lên các hoạt động kinh tế.
Khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát trên toàn cầu, WTO đã cảnh bảo thương mại toàn cầu có thể sụt giảm đến 30% trong năm 2020 nhưng sau đó dần điều chỉnh mức dự báo này về còn giảm 9,2%. Trong năm 2020, suy giảm thương mại toàn cầu ước đạt ở mức 5,3%.
WTO nhận định các chính sách tiền tệ siêu nới lỏng và chính sách tài khoá ở quy mô lớn chưa từng có kết hợp với việc suy giảm thương mại ở mức thấp hơn dự báo là những động lực chính để thúc đẩy thương mại toàn cầu tăng trưởng hậu đại dịch Covid-19.
Trong năm nay, nhu cầu thương mại hàng hoá toàn cầu sẽ được thúc đẩy chủ yếu bởi khu vực Bắc Mỹ khi Hoa Kỳ bơm lượng lớn tiền ra thị trường với mức tăng trưởng nhập khẩu lên đến 11,4%. Các gói kích thích kinh tế quy mô lớn của Hoa Kỳ được nhận định cũng sẽ kích thích các nền kinh tế khác thông qua hệ thống thương mại.
Mức nhập khẩu hàng hoá của khu vực Châu Âu và Nam Mỹ trong năm nay được WTO dự báo sẽ đạt 8%. Theo WTO, phần lớn nhu cầu nhập khẩu hàng hoá toàn cầu sẽ được đáp ứng bởi Châu Á. Do đó, tăng trưởng xuất khẩu của khu vực Châu Á trong năm nay được dự báo sẽ tăng 8,4%.
Tổng giám đốc WTO bà Ngozi Okonjo-Iweala cảnh báo sự phục hồi của thương mại toàn cầu vẫn đứng trước nhiều rủi ro do tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Bà Okonjo-Iweala nhấn mạnh tiến trình triển khai vaccine ngừa COVID-19 nhanh chóng và bình đẳng là kế hoạch kích thích tốt nhất cho sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ và bền vững.
Tuy nhiên, bà Okonjo-Iweala cho rằng một khi vẫn còn nhiều người và nhiều quốc gia còn chưa được tiếp cận đủ vaccine thì đó vẫn là trở ngại với tăng trưởng và có nguy cơ đảo ngược đà phục hồi kinh tế và y tế trên toàn cầu.
Theo kế hoạch, WTO sẽ tổ chức hội nghị với các nhà sản xuất vaccine trong tháng 4 này để bàn giải pháp có thể tăng tốc việc phát triển cũng như điều phối chuỗi cung ứng một cách hợp lý.