Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, đến thời điểm này, còn 3 địa phương có tỷ lệ lấy nước đổ ải thấp gồm Hà Nội (đạt gần 70%), Hưng Yên (đạt 79%) và Vĩnh Phúc (đạt gần 84%); các địa phương còn lại đã đạt 100% kế hoạch.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, tuy Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên đã cam kết với Bộ NN&PTNT sẽ cơ bản lấy đủ nước trong đợt 2, nhưng hiện phát sinh hai vấn đề. Thứ nhất, để cho đảm bảo cho TP Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc lấy nước bình thường, cần duy trì mức nước ở trên mức tối thiểu trong thời gian dài hơn, do phụ thuộc vào năng lực của một số trạm bơm dọc sông Hồng qua hai địa phương. Thứ hai là vấn đề tưới dưỡng. Đến khoảng trung tuần tháng 2 âm lịch, sẽ bắt đầu tưới dưỡng, do đó cần phải tính toán vận hành Nhà máy Thủy điện Hòa Bình phù hợp cho các tỉnh lấy nước tưới dưỡng được.
Riêng đối với Hà Nội và Vĩnh Phúc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị EVN giảm lượng xả từ các hồ chứa thủy điện xuống mức duy trì mực nước tại trạm thủy văn Sơn Tây thấp nhất 1,8m trở lên từ 0 giờ ngày 7/2 đến 24 giờ ngày 8/2/2023. Khi bắt đầu vào giai đoạn tưới dưỡng, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp cùng EVN điều hành để các địa phương, các trạm bơm dọc tuyến có thể hoạt động bình thường, đảm bảo cho các địa phương tưới dưỡng.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, mặc dù năm nay rất khó khăn về nguồn nước, nhưng EVN đã thực hiện rất nghiêm túc việc cấp nước đổ ải, luôn đảm bảo mực nước ở Hà Nội theo yêu cầu, thuận lợi cho các địa phương lấy nước.
Ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, từ đợt 1 đến nay, EVN đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện tuân thủ việc xả nước theo kế hoạch đề ra; đồng thời, các công ty điện lực ở các địa phương tăng cường lực lượng ứng trực; bố trí trí thêm các trang thiết bị; đảm bảo điện an toàn tuyệt đối cho các trạm bơm hoạt động.
Trong những ngày cuối của đợt xả nước đổ ải thứ 2, EVN sẽ thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ NN&PTNT trong việc điều chỉnh lưu lượng nước xả phục vụ đổ ải. Việc điều chỉnh của Bộ NN&PTNT sẽ đem lại hiệu quả và lợi ích cho cả EVN và các địa phương trong việc lấy nước, ông Ngô Sơn Hải cho hay.
Để đảm bảo lấy nước đổ ải hiệu quả hơn trong thời gian tới, theo Bộ NN&PTNT, các địa phương cần vận động bà con nhân dân sản xuất ở một thời điểm cố định và thời gian càng ngắn càng tốt; cần có các biện pháp để tích nước phù hợp, tránh lãng phí nguồn nước. Ngoài ra trong thời gian tới, các địa phương cần xem xét, đầu tư các công trình theo hướng các trạm bơm lấy nước dọc sông Hồng có thể hoạt động trong điều kiện Nhà máy Thủy điện Hòa Bình vận hành bình thường…