Ngày 3/4/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký ban hành Nghị quyết số 39/NQ-CP của Chính phủ thống nhất thông qua Đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An như đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị bổ sung Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024; trình Quốc hội quyết định việc xây dựng, ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (tháng 5 năm 2024) theo quy trình xem xét, thông qua tại một kỳ họp.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Nghệ An có nhiều tiềm năng, lợi thế, hội tụ nhiều yếu tố về điều kiện thuận lợi để phát triển như nằm ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ kết nối hai miền Bắc - Nam, trong hành lang kinh tế Đông – Tây nối liền Myanmar – Thái Lan – Lào – Việt Nam theo Quốc lộ 7 thông ra biển Đông qua cảng Cửa Lò.
Hệ thống cơ sở hạ tầng của Nghệ An đầy đủ các loại hình giao thông đường bộ, đường sắt, cảng hàng không, đường biển và đường thuỷ nội địa. Tuy nhiên, Nghệ An vẫn chưa tận dụng được lợi thế của mình để phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông trọng yếu; tốc độ đô thị hoá chậm; khu vực miền Tây còn nhiều khó khăn.
Vì vậy, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù là cần thiết nhằm thể chế hoá đầy đủ Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Nghệ An nhanh và bền vững; hướng tới là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, logistics, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;…
Dự thảo Nghị quyết này quy định thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Nghệ An về lĩnh vực quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý quy hoạch đô thị, tài nguyên và môi trường; quản lý đầu tư; phát triển kinh tế biển; tổ chức bộ máy và biên chế.
Để đạt được mục tiêu xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An như mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đề xuất 05 nhóm lĩnh vực với tổng số 22 chính sách. Trong đó: Quản lý tài chính - ngân sách nhà nước (07 chính sách); Quản lý quy hoạch đô thị, tài nguyên và môi trường (06 chính sách); Quản lý đầu tư (04 chính sách); Phát triển kinh tế biển (02 chính sách); Tổ chức bộ máy và biên chế (03 chính sách). Trong các chính sách đề xuất trên có 12 chính sách áp dụng tương đồng với các tỉnh, thành phố đã được Quốc hội ban hành và 10 chính sách tỉnh đề xuất mới.
Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định quan điểm xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An tương xứng với vị trí, vai trò, tầm quan trọng, xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh Nghệ An và cả nước.
Vận dụng sáng tạo trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh, xây dựng, phát triển tỉnh Nghệ An toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Tiếp tục cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, kinh tế số, kinh tế cửa khẩu, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Phát triển nhanh và đột phá vùng phía Đông để thúc đẩy phát triển bền vững vùng phía Tây; tập trung đầu tư và có cơ chế, chính sách vượt trội để phát triển thành phố Vinh trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá của cả vùng Bắc Trung Bộ; tăng cường thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, theo hướng xanh, thông minh, hiện đại. Tăng cường quan hệ đối ngoại, nhất là với các nước thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây, các tỉnh của nước bạn Lào có chung đường biên giới...