Xóa đói giảm nghèo: Thành tựu và thách thức

Xóa đói giảm nghèo là một chiến lược của Chính phủ Việt Nam nhằm giải quyết vấn đề đói nghèo và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Phương pháp tiếp cận
Năm 1989, Việt Nam chuyển sang kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong sản xuất nông nghiệp thực hiện giao khoán đến hộ đã nhảy vọt từ nước đang thiếu lương thực vươn lên thành nước xuất khẩu gạo, và giữ vị trí trong ba nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới từ đó đến nay, an ninh lương thực đã vững vàng. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn tỷ lệ đói nghèo (bao gồm cả thiếu lương thực) mà đa số phân bố ở các xã thuộc chương trình 135 (xã nghèo). Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, đó là 61 huyện (gồm 797 xã và thị trấn) thuộc 20 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, tỷ lệ hộ nghèo cao gấp 3,5 lần bình quân cả nước đã được triển khai tích cực.
Đầu thập niên 1990, nguy cơ đói nghèo đã được nhận rõ, mà trước hết là số liệu trẻ em suy dinh dưỡng đã ở mức báo động (gần 50%). Ngay đầu năm 1991, vấn đề xoá đói giảm nghèo đã đề ra trong các diễn đàn, các nghiên cứu, và triển khai thành phong trào xoá đói giảm nghèo. Tổng bí thư Đỗ Mười, khi đó rất quan tâm đến chương trình này, ông lo lắng thế hệ con cháu mai sau bị ảnh hưởng do đói nghèo hôm nay.
Nghị quyết Quốc hội Việt Nam về nhiệm vụ năm 1993 đã đánh giá cao tinh thần cộng đồng, tương thân tương ái "trong nhân dân đã phát triển nhiều hoạt động từ thiện giúp đỡ nhau và phong trào xoá đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa..." Sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lấy ngày 17 tháng 10 là "Ngày vì người nghèo", đó cũng là ngày Liên hợp quốc chọn là ngày "Thế giới chống đói nghèo".
Ngày 21 tháng 5 năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo". Đây là chiến lược đầy đủ, chi tiết phù hợp với mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG) của Liên Hợp Quốc công bố. Trong quá trình xây dựng chiến lược có sự tham gia của chuyên gia các tổ chức quốc tế tại Việt Nam như IMF, UNDP, WB,... tổng hợp thành các mục tiêu phát triển Việt Nam. Vấn đề là cụ thể hoá chiến lược bằng các chương trình, dự án được triển khai, được giám sát và đánh giá thường xuyên. Các nghiên cứu đã lập được bản đồ phân bố đói nghèo đến từng xã, từng hộ. Việt Nam đã ký vào Tuyên bố Thiên niên kỷ với 8 mục tiêu:
1. Xóa bỏ tình trạng cùng cực và thiếu đói.
2. Đạt phổ cập giáo dục tiểu học.
3. Tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế phụ nữ.
4. Giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh.
5. Tăng cường sức khỏe bà mẹ.
6. Phòng chống bệnh HIV/AISD, sốt rét và các bệnh khác.
7. Đảm bảo bền vững môi trường.
8. Thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu vì mục đích phát triển.
Những mục tiêu này mang kết quả trực tiếp và gián tiếp xóa đói giảm nghèo một cách bền vững bởi nguy cơ đói nghèo, tái đói nghèo đều có thể xảy ra trong những biến cố của thiên nhiên, của quá trình hội nhập và phát triển. Một quốc gia khi không giải quyết dứt điểm đói nghèo thì luôn ẩn chứa nguy cơ phát triển không bền vững dẫn đến những hậu quả bất ổn định kinh tế - xã hội. Những mục tiêu đó cũng gợi mở những phương thức tác động trực tiếp hay gián tiếp đến việc xóa đói giảm nghèo.
Thành tựu
Phát huy kết quả đạt được, toàn hệ thống chính trị đã cố gắng cao độ để thực hiện những chỉ tiêu theo Quyết định 20/2007/QĐ-TTg ngày 05/02/2007 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 – 2010:
1. Đối với các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo cơ bản xây dựng đủ các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu theo quy định.
2. Có 6 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi.
3. Thực hiện khuyến nông - lâm - ngư, chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn cho 4,2 triệu lượt người nghèo.
4. Miễn, giảm học phí học nghề cho 150 nghìn người nghèo.
5. 100% nguời nghèo được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế, khi ốm đau đi khám, chữa bệnh được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo quy định.
6. Miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp xây dựng trường cho 19 triệu lượt học sinh nghèo, trong đó có 9 triệu học sinh tiểu học.
7. Tập huấn nâng cao năng lực cho 170 nghìn cán bộ tham gia công tác giảm nghèo ở các cấp, trong đó 95% là cán bộ cấp cơ sở.
8. Hỗ trợ để xoá nhà tạm cho 500 nghìn hộ nghèo.
9. Phấn đấu 98% người nghèo có nhu cầu được trợ giúp pháp lý miễn phí.
Tổng nguồn vốn cho giảm nghèo giai đoạn 2006 – 2010 khoảng 43.488 tỷ đồng. Trong đó, phân theo nguồn vốn: Ngân sách trung ương chiếm (28,68 %); Ngân sách địa phương (5,2%); Huy động cộng đồng (5,66%); Huy động quốc tế (0,68%); Vốn tín dụng (59,79 %).
“Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH về tình hình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, định hướng chuẩn nghèo mới và kết quả một năm thực hiện Nghị quyết 30A/2008/NĐ-CP, trong năm 2009, hàng loạt chính sách, mô hình giảm nghèo được duy trì và mở rộng, kết quả : trên 1 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi với mức bình quân từ 7-8 triệu đồng/lượt/hộ; trên 700 công trình phục vụ cho công tác giảm nghèo được xây dựng; gần 700.000 lượt người nghèo, người dân tộc thiểu số được hướng dẫn cách làm ăn, phát triển kinh tế; 53.703 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở; 12,5 triệu người nghèo được cấp thẻ BHYT; 2,5 triệu học sinh nghèo được miễn giảm học phí, 700.000 học sinh nghèo được hỗ trợ vở viết, sách giáo khoa...- Báo HNM”
Công cuộc xóa đói giảm nghèo đã được triển khai tích cực, tại Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc từ ngày 20 - 22/9/2010, Việt Nam được công bố đạt Mục tiêu thiên niên kỷ thứ nhất, là 1 trong năm quốc gia được công nhận thành công chống đói nghèo (Việt Nam, Ghana, Brazil, Trung Quốc, Malauy). Báo cáo mới nhất tổ chức tư vấn độc lập của Anh- Học viện Phát triển Nước ngoài (ODI) trước khai mạc Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc vừa qua “Việt Nam là trường hợp với những tiến bộ chưa từng thấy trong việc cải thiện đời sống của người nghèo. Trong 14 năm qua, tỉ lệ người nghèo có thu nhập dưới 1 USD một ngày giảm từ 67% xuống còn 20%. Ngoài ra, tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ở quốc gia này cũng đã giảm một nửa”

Ngân hàng thế giới nhận định: “Mô hình phát triển của Việt Nam đã giúp hàng triệu người thoát nghèo. Việt Nam đã có bước tiến mạnh mẽ trong việc cải thiện đời sống người dân nhờ nâng cấp cơ sở hạ tầng và dịch vụ xã hội – xem báo cáo năm 2010 worldbank.org). Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) cũng có báo cáo rà soát, đánh giá các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam (xem báo cáo năm 2009 - undp.org.vn ).
Kinh nghiệm
(1) Xác định đúng đối tượng nghèo đói và cận nghèo đói, lập được bản đồ phân bố với địa chỉ từng hộ; cảnh báo nguy cơ tái nghèo do thiên tai, dịch bệnh và những biến đổi khác trong quá trình đô thị hóa, hội nhập và cạnh tranh. Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê là hai cơ quan chỉ đạo và tổng hợp kết quả điều tra, xác định số liệu tin cậy, cùng các cơ quan chuyên môn và tư vấn độc lập đề xuất chính sách...
(2) Hệ thống chính sách tác động tích cực, đó là sự chỉ đạo kiên quyết, kịp thời của Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng và các lực lượng của cộng đồng hướng vào mục tiêu xóa đói nghèo. Trong đó đáng chú ý nhất là sự phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng các chương trình dự án xóa đói nghèo theo vùng (như Miền Trung, miền núi,...) giao trách nhiệm cho Ban quản lý dự án. Ở cơ sở, phương thức xây dựng chương trình dự án vận hành theo chính sách pháp luật có hiệu quả, thu hút các doanh nghiệp, cộng đồng tham gia. Ở nhiều nơi công cộng có “Hộp kính” hảo tâm gợi lòng trắc ẩn, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp,... Quan trọng hơn cả là những giải pháp về tín dụng, đào tạo, xuất khẩu lao động, tạo việc làm, cấp đất canh tác, khuyến công, khuyến nông lâm ngư, xây dựng hạ tầng nông thôn, củng cố các tổ chức HTX, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, quỹ khuyến học, quỹ vì người nghèo, quỹ của nhóm cộng đồng... đã tạo ra những “chiếc cần câu” giúp xóa đói giảm nghèo bền vững. Những người thoát nghèo là những tấm gương, kinh nghiệm lan truyền trong cộng đồng...
(3) Chúng ta đã lượng hóa thời gian thực hiện (lộ trình) nhằm giải quyết tốt các mục tiêu trong từng chương trình dự án, tính tập trung cao độ đã có hiệu quả ở chỗ giảm, chấm dứt tái nghèo đói. Nghị quyết 30A đã tập trung cao vào 61 huyện nghèo, bảo đảm không để dân đói trong mọi trường hợp. Điều đó không chỉ là chính sách nhân ái mà đã hạn chế, ngăn chặn những hậu quả của đói dẫn đến bệnh tật, suy giảm sức lực, tổn thương tinh thần,... Quyết định số 1433/QĐ-TTg ngày 10/8/2010 về việc thành lập Ban Chỉ đạo biên soạn xây dựng Chương trình giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011 – 2020 sẽ có những thay đổi về đối tượng (do thay đổi về chuẩn nghèo mới: mức thu nhập bình quân hộ ở khu vực nông thôn từ 400.000 đồng/người/tháng trở xuống; thành thị từ 500.000 đồng/người/tháng trở xuống”.
Thác thức
Theo ông Nguyễn Văn Phẩm, chuyên gia hàng đầu về thống kê và so sánh quốc tế: “Các quốc gia khác nhau sử dụng các tiêu chuẩn khác nhau để đánh giá mức độ giàu nghèo. Nước Mỹ áp dụng mức chuẩn từ những năm 60 của thế kỷ trước, cụ thể, thu nhập 18.600 đô la/năm là ngưỡng nghèo đối với các gia đình có bốn người (gồm bố mẹ và hai con), và thu nhập 9.573 đô la/năm là ngưỡng nghèo đối với người độc thân trong độ tuổi lao động. Theo chuẩn này thì năm 1993 nước Mỹ có 15,1% dân số nghèo khổ, năm 2000 tỷ lệ đó giảm xuống còn 11,3%, nhưng tới năm 2003 thì tỷ lệ người nghèo của nước Mỹ tăng lên 12,5% tức là khoảng 35,9 triệu người dân Mỹ sống trong tình trạng nghèo đói”. Thách thức trên toàn cầu với con số 1 tỷ người luôn trong tình trạng đói nghèo!
Báo cáo 2009 của - UNDP chỉ ra thành tựu lớn, thách thức không nhỏ: “Trong thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được những thành công to lớn trong cuộc chiến chống đói nghèo với tỷ lệ nghèo đói giảm từ 58,1% năm 1993, xuống dưới 12,1% vào năm 2008, tỷ lệ này vẫn còn tương đương với trên 10 triệu người nghèo trên cả nước. Những người nghèo, chủ yếu tập trung ở vùng núi, vùng xa và vùng dân tộc thiểu số, đang ngày càng khó có thể tự mình thoát khỏi đói nghèo do bị cô lập và không có khả năng tiếp cận với nguồn thông tin, thị trường và các nguồn lực, đặc biệt là đất đai”
Ở nước ta, theo Quyết định 1785/TTg ngày 27/09/2010 của Thủ tướng Chính phủ về Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011 sẽ cho số liệu mới về đói nghèo, nếu theo chuẩn mới thì số hộ đói nghèo, cận đói nghèo sẽ lớn hơn 10%.
Thách thức thứ nhất, chênh lệch giàu nghèo theo hướng tăng số giàu và tăng cả số nghèo do quá trình phân bố nguồn lực, phân bổ thu nhập và lợi thế; bất lợi nghiêng về khu vực nông thôn, miền núi, đồng bào dân tộc và vùng thiên tai. Thứ hai, nguy cơ tái nghèo do biến đổi khí hậu toàn cầu với mức độ thiên tai ngày càng nặng làm cản trở những nỗ lực xóa đói giảm nghèo ở vùng thiên tai. Thứ ba, quá trình hội nhập và cạnh tranh quốc tế, ngay trong quốc gia cùng với xu thế công nghiệp hóa, đô thị hóa xuất hiện thêm những người nghèo do không hội nhập được với xu hướng mới, nguy cơ khủng khoảng kinh tế và thất nghiệp vẫn còn...
Tham khảo:
- Rà soát tổng quan các chương trình dự án giảm nghèo ở Việt Nam; UNDP- Việt Nam (2009)
- Đánh giá giữa kỳ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, giai đoạn 2006 – 2008; UNDP- Việt Nam (2009)
- Việt Nam: Trước & Sau khi thực hiện dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ (Worldbank Việt Nam (2010).