Xu hướng gia tăng các vụ kiện chống bán phá giá của Hoa Kỳ đối với hàng hóa Trung Quốc

Theo thông tin từ Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương), thống kê cho thấy số lượng và phạm vị các cuộc điều tra chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp nhằm vào hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc đư

Đối với vụ việc chống bán phá giá: Theo thống kê, tính đến hết tháng 6/2014, DOC đã ban hành 95 quyết định CBPG đối với hàng hóa của Trung Quốc được nhập khẩu vào Hoa Kỳ.

Trong 6 tháng đầu năm 2014, DOC đã ban hành quyết định áp thuế CBPG đối với sản phẩm bê tông cốt thép làm đường ray xe lửa và hủy bỏ quyết định áp thuế CBPG đối với sản phẩm van lắp ghế trước; axit hydroxyethylidene và axit 1-diphosphonic.

Số lượng các lệnh áp thuế CBPG của Hoa Kỳ đối với hàng hóa Trung Quốc vẫn được duy trì ổn định trong những năm vừa qua, nhưng con số này sẽ tăng lên đáng kể vào cuối năm 2014. Do một số mặt hàng của Trung Quốc, bao gồm thép mạ điện có hạt định hướng (grain-oriented electrical steel); thép mạ điện không định hướng (non-oriented electrical steel); bột ngọt, 1,1,1,2-tetrafluroethane; dây thép hợp kim cứng và các bon (carbon and certain alloy steel wire rod); hoạt chất canxi hypoclorite và sản phẩm tinh thể silicon quang điện hiện đang bị Hoa Kỳ điều tra.

Dự kiến kết luận áp thuế CBPG chính thức đối với các mặt hàng trên sẽ được Hoa Kỳ công bố trong những tháng tới đây. Số lượng mặt hàng Trung Quốc bị Hoa Kỳ áp thuế CBPG có thể lên tới con số 100 vào cuối năm 2014.

Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng áp thuế CBPG với nhiều mặt hàng thuộc các quốc gia khác, cụ thể, tính đến cuối năm 2013, Hoa Kỳ đã áp thuế CBPG đối với 18 mặt hàng của Đài Loan; 15 mặt hàng của Ấn Độ; 14 mặt hàng của Nhật Bản; 12 mặt hàng của Nam Phi; 8 mặt hàng của Braxin và 8 mặt hàng của Mexico.

Tuy nhiên, nếu so sánh diễn biến số lượng các vụ áp thuế CBPG của Trung Quốc với các quốc gia khác trong vòng 5 năm trở lại đây thì số lượng vụ việc liên quan đến Trung Quốc có xu hướng tăng lên đáng kể; trong khi đó, số lượng vụ việc của các quốc gia khác có xu hướng ổn định hoặc thậm chí giảm.

Đối với vụ việc chống trợ cấp: Số lượng quyết định chống trợ cấp do DOC ban hành đối với các mặt hàng Trung Quốc đã lên tới con số 27 vụ việc (tính đến hết tháng 6/2014) kể từ khi DOC cho phép tiến hành điều tra chống trợ cấp đối với nước có nền kinh tế phi thị trường - Trung Quốc vào năm 2007.

Bên cạnh đó, dự kiến trong những tháng tới đây, USITC sẽ công bố kết luận đánh giá thiệt hại đối với một số mặt hàng Trung Quốc đang bị điều tra.

Số lượng các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp cho thấy Hoa Kỳ đang có xu hướng sử dụng nhiều hơn các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Hoa Kỳ đã tiến hành 9 vụ điều tra CBPG, 10 vụ điều tra chống trợ cấp đối với hàng hóa Trung Quốc trong giai đoạn từ tháng 6/2013 đến tháng 6/2014 so với mức 3 vụ điều tra CBPG và 2 vụ điều tra chống trợ cấp trong giai đoạn từ tháng 6/2012 đến tháng 6/2013.

Trên thực tế, hầu hết các mặt hàng Trung Quốc bị DOC điều tra CBPG và chống trợ cấp đều bị kết luận có hành vi bán phá giá hoặc hành vị trợ cấp. Tuy nhiên, không phải vụ điều tra nào cũng bị USITC kết luận ngành sản xuất của Hoa Kỳ bị thiệt hại. Ví dụ, USITC đã kết luận ngành tôm Hoa Kỳ không bị thiệt hại mặc dù trước đó DOC đã kết luận chính phủ Trung Quốc trợ cấp cho sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh vào tháng 9/2013; tương tự đối với vụ kiện sản phẩm gạch silica vào tháng 12/2013.

Theo Luật Phòng vệ thương mại Hoa Kỳ, quá trình điều tra CBPG, chống trợ cấp có thể được chấm dứt nếu không tồn tại bán phá giá, trợ cấp đối kháng; không tồn tại thiệt hại hoặc đe dọa thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước hoặc nguyên đơn rút đơn. Ví dụ, vụ điều tra chống trợ cấp đối với bột ngọt nhập khẩu từ Trung Quốc đã được hủy bỏ vào ngày 7/4/2014 do các nhà sản xuất bột ngọt lớn của Hoa Kỳ không quan tâm đến việc ban hành quyết định áp thuế chống trợ cấp. Tuy nhiên, cuộc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm bột ngọt Trung Quốc lại đang diễn ra và đi vào giai đoạn cuối của cuộc điều tra.

Các biện pháp CBPG của Hoa Kỳ đối với hàng hóa Trung Quốc đang khiến các nhà xuất khẩu Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Hoa Kỳ hiện xem Trung Quốc là nền kinh tế phi thị trường, do đó các phương pháp điều tra đối với nền kinh tế phi thị trường của Hoa Kỳ có thể đẩy biên độ bán phá giá của các mặt hàng Trung Quốc lên cao hơn so với các nước được công nhận có nền kinh tế thị trường. Mức thuế CBPG, chống trợ cấp cao sẽ khiến việc tiếp cận thị trường Mỹ của các mặt hàng Trung Quốc là gần như không thể.

Ngoài ra, các quyết định áp thuế CBPG thường chỉ được xem xét kết thúc sau đợt rà soát hoàng hôn (sunset review). Rà soát hoàng hôn được thực hiện ngay trước khi hết thời hạn 5 năm kể từ ngày có quyết định áp thuế chống bán phá giá chính thức hoặc kể từ ngày có kết quả rà soát. Do đó quyết định áp thuế CBPG có thể kéo dài đến cả thập kỷ. Ví dụ, có 7/95 lệnh áp thuế CBPG của Hoa Kỳ đối với các mặt hàng Trung Quốc bắt nguồn từ các vụ điều tra hồi thập niên 80; 18/95 lệnh từ các vụ điều tra từ những năm 1990 và 52 vụ từ những năm 2000.

Trong vòng 14 năm qua, Hoa Kỳ cũng chỉ hủy bỏ 13 quyết định CBPG đối với hàng hóa Trung Quốc; cụ thể: 10 quyết định được hủy bỏ trong giai đoạn 2000 - 2010 và 3 quyết định được hủy bỏ trong giai đoạn 2011 - 2014. Trong đó, 7 quyết định được hủy bỏ trong đợt rà soát hoàng hôn lần thứ nhất; 3 quyết định được hủy bỏ sau đợt rà soát hoàng hôn lần thứ hai. Điều này đồng nghĩa với nhiều mặt hàng của Trung Quốc đã trải qua đợt rà soát hoàng hôn lần thứ nhất nhưng vẫn chưa được hủy quyết định CBPG thì có khả năng bị áp thuế CBPG trong thời gian dài.

Sự khó khăn trong việc chấm dứt các quyết định áp thuế CBPG còn tồn tại cùng với xu hướng tăng lên các vụ điều tra CBPG, chống trợ cấp của Hoa Kỳ đối với hàng hóa Trung Quốc cho thấy số lượng quyết định áp thuế CBPG hàng hóa Trung Quốc của Hoa Kỳ sẽ còn tăng lên trong thời gian tới.