Nhu cầu mở rộng nguồn lực
Ngày 12/8 vừa qua, Công ty Transimex Sài Gòn chính thức khởi công xây dựng “kho ngoại quan và trung tâm logistics khu công nghệ cao”. Ông Bùi Tuấn Ngọc - Chủ tịch Transimex Sài Gòn cho biết, dự án sẽ tạo thêm cơ sở để Công ty tập trung phát triển cung cấp dịch vụ quản lý chuỗi cung ứng và cung cấp logistics trọn gói bên thứ 3 (3PL).
3PL là gì? Nói vắn tắt là các hoạt động do một công ty cung cấp dịch vụ logistics thực hiện trên danh nghĩa chủ hàng, thực hiện các dịch vụ logistics trong suốt quá trình luân chuyển hàng hóa như: giao nhận, vận chuyển, lưu kho, làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu, cung cấp chứng từ giao nhận.
Hiện có khoảng 90% doanh nghiệp logistics thuần Việt cung cấp dịch vụ 1PL, 2PL, tức chỉ đảm nhận khâu vận chuyển, hoặc giao nhận, hoặc lưu kho. Mới có 10% doanh nghiệp có thể cung cấp 3PL, thường gọi là cung cấp logistics trọn gói.
Những doanh nghiệp đủ sức cung cấp 3PL chủ yếu nằm ở TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam như Trancimex Sài Gòn, Tân Cảng Sài Gòn, Vinalink, Gemapt, ITL... Là những doanh nghiệp lớn, song để đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp FDI trong cung cấp 3PL, họ phải thường xuyên mở rộng nguồn lực và quy mô hoạt động thông qua liên kết.
Ông Bùi Tuấn Ngọc đánh giá rằng, dù đã triển khai được dịch vụ 3PL nhưng bài toán không dễ là Công ty buộc phải ứng dụng trình độ công nghệ thông tin, thuật toán ở mức độ cao liên tục. Bên cạnh đó, các công ty cũng phải có những mở rộng lớn về cơ sở hạ tầng để tận dụng “lợi thế quy mô” trong quá trình vận tải, lưu kho, lưu bãi; từ đó mới tối ưu hóa hoạt động, loại bỏ các chi phí vô ích. Vì thế, Transimex Sài Gòn phải “tự lớn” bằng cách góp vốn liên doanh vào Công ty Vận tải và Xếp dỡ Hải An; liên doanh với Công ty Nippon Express và Vinafreight.
Công ty ICD Tân Cảng - Sóng Thần có sự liên kết với các công ty của Nhật Bản, Thái Lan và các công ty trong cùng hệ thống Tân Cảng với nhau.
Chính vì thế, ICD Tân Cảng - Sóng Thần có rất nhiều đầu mối logistics để khi cần đều có thể kết nối.
Thúc đẩy hợp tác
Qua thực tiễn hợp tác, IDC Tân Cảng muốn đề xuất thành lập Câu lạc bộ các doanh nghiệp logistics trên địa bàn để trao đổi thông tin, cùng kết nối tạo thành sức mạnh nhằm đủ lực cạnh tranh với các công ty nước ngoài. Đại tá Cao Tiến Thuận - Giám đốc Công ty TNHH MTV ICD Tân Cảng - Sóng Thần cho rằng, các doanh nghiệp cùng ngành logistics trong nước có thể hỗ trợ nhau để hoàn thành dự án lớn, phục vụ khách hàng lớn, phối hợp làm thành gói logistics, thay vì làm đơn lẻ.
Sự liên kết giữa các công ty logistics rất thuận lợi ở chỗ, ngoài Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA) còn có hàng loạt các hiệp hội liên quan khác như: Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam (VSA), Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam (VATA), Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải Việt Nam (VISABA); Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA) và Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam (VNSC). Sự ra đời của các hiệp hội này đã góp phần đưa các doanh nghiệp logistics trong nước về một mái nhà chung để bày tỏ những tâm tư nguyện vọng, tìm cơ hội hợp tác, cùng thúc đẩy ngành dịch vụ logistics phát triển bền vững hơn.
Thực ra, không chỉ cùng ngành logistics, mà doanh nghiệp logistics cũng tham gia hợp tác ngoài ngành. Thí dụ như Công ty Cổ phần Giao nhận vận tải và thương mại (Vinalink) cùng Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) ký thỏa thuận phối hợp triển khai dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp “Xuất nhập khẩu trọn gói”, với sự tham gia của Bảo hiểm Bảo Minh. Theo đó, Eximbank sẽ thực hiện những nghiệp vụ chuyên môn như hướng dẫn tư vấn mở L/C, nhờ thu chứng từ xuất nhập khẩu, các thủ tục và phương thức thanh toán. Những khâu còn lại như khai báo hải quan, giao nhận hàng, bốc xếp và vận chuyển hàng hóa, lưu kho ngoại quan và làm thủ tục xin giấy phép nhập khẩu, mua bảo hiểm hàng hóa liên quan L/C mở... thì do Vinalink và Bảo Minh đảm nhận.
Ở các nước phát triển như Bắc Mỹ, EU hay Nhật Bản, có khoảng gần một nửa số doanh nghiệp sử dụng dịch vụ từ 3PL trở lên. Ở nước ta, chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng phần lớn các doanh nghiệp lớn như Masan, Vinaphone, Vinamilk đã tiên phong sử dụng dịch vụ này.
Trong Quyết định số 1012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến 2020, định hướng đến năm 2030, đã định hướng: “Phát triển mạng lưới trung tâm logistics bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu của sản xuất và lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu. Khai thác có hiệu quả thị trường dịch vụ logistics của Việt Nam, trong đó tập trung vào các dịch vụ logistics thuê ngoài, tích hợp trọn gói và đồng bộ, tổ chức và hoạt động theo mô hình logistics bên thứ 3 (3PL) nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển thông qua việc tối thiểu hóa chi phí và bổ sung giá trị gia tăng cho hàng hóa và dịch vụ của các doanh nghiệp”.
Việc định hướng phát triển mô hình 3PL không chỉ giúp doanh nghiệp giảm chi phí dịch vụ logistics mà còn thúc đẩy doanh nghiệp logistics bắt tay, hợp tác trong và ngoài ngành nhằm đón đầu xu hướng sử dụng dịch vụ 3PL ngày càng tăng của doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu nước ta.