Trong 7 tháng đầu năm nay, Nga nhập khẩu từ Việt Nam chủ yếu các nhóm hàng điện thoại và linh kiện, hàng dệt may, cà phê, máy vi tính sản phẩm điện tử…. trong đó nhóm hàng điện thoại và linh kiện chiếm tỷ trọng lớn nhất 48,4%, đạt 710,3 triệu USD, tăng 15,61%. Đứng thứ hai là hàng dệt may, đây cũng là một trong nhóm hàng có lợi thế khi mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu (FTA Việt Nam-EAEU) có hiệu lực, tuy nhiên thì tốc độ xuất khẩu sang Nga của nhóm hàng này giảm 9,97% tương ứng 94,2 triệu USD. Kế đến là cà phê đạt 113,2 triệu USD, tăng 63,24% so với cùng kỳ…. Nhìn chung, thời gian này kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Nga đều tăng trưởng, chiếm 78,2% và ngược lại hàng hóa với kim ngạch suy giảm chỉ chiếm 21,7%. Đặc biệt, tuy không phải là mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang Nga nhưng sắt thép và sản phẩm mây tre lại tăng đột biến, trong đó sản phẩm mây tre tăng nhiều nhất gấp 2,76 lần (tức tăng 176,05%) tuy chỉ đạt 878,5 nghìn USD và sắt thép gấp 2,15 lần (tức tăng 115,39%) đạt 6,5 triệu USD.
Với số dân khoảng 145 triệu người, Liên bang Nga được xem là thị trường tiềm năng, hấp dẫn và đa dạng về hàng thực phẩm và đồ uống cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt. Hơn nữa, Việt Nam là đối tác ký hiệp định thương mại tự do đầu tiên với khối liên minh Kinh tế Á Âu, nên cơ hội đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam rất lớn. Với tỷ lệ gần 90% dòng thuế được cắt, giảm thuế quan nhập khẩu, trong đó, 59,3% được xóa bỏ ngay khi VEAEUFTA hiệu lực là lợi thế rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc cạnh tranh với các nước khác khi xuất khẩu sang Liên bang Nga.
Đối với cà phê, thị trường Nga là thị trường có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam có thể thâm nhập sâu hơn. Cà phê là đồ uống không thể thiếu trong sinh hoạt thường ngày của người dân Nga. Điều đáng chú ý là có tới gần 90% là cà phê rang, dưới dạng nguyên liệu. Cà phê nguyên liệu được chế biến trong nước với các thương hiệu nổi tiếng, sau đó tiêu thụ tại thị trường nội địa và xuất khẩu. Việc này giúp giảm áp lực thuế nhập khẩu áp dụng đối với các sản phẩm chế biến. Nga nhập khẩu cà phê chủ yếu từ ba nước là Việt nam, Brazil và Indonesia. Chỉ lượng cà phê nhập khẩu từ ba nước này đã chiếm tới 75% thị phần cà phê nhập khẩu của Nga. Trong 7 tháng đầu năm 2018 Nga đã nhập từ Việt Nam 52,9 nghìn tấn cà phê, trị giá 113,2 triệu USD, tăng 63,24% về trị giá so với cùng kỳ.
Còn mặt hàng chè cũng là mặt hàng xuất khẩu tiềm năng của các doanh nghiệp Việt vào thị trường Nga. Theo khảo sát thị trường, có tới 98% dân số Nga uống trà. Tuy nhiên, do điều kiện thổ nhưỡng không cho phép nên Nga phải nhập khẩu hầu như 100% chè cho tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, 7 tháng đầu năm 2018, Việt Nam chỉ xuất được 8,4 nghìn tấn chè sang thị trường, trị giá 12,7 triệu USD, giảm 3,56% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu sắt thép và sản phẩm mây tre sang Nga tăng đột biến
TCCT
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến hết tháng 7/2018 Việt Nam dã thu về từ thị trường Nga 1,4 tỷ USD, tăng 20,81% so với cùng kỳ năm trước.