Xuất siêu 10 tháng lập kỷ lục mới với con số khủng

Theo số liệu mới nhất vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tính đến hết tháng 10 vừa qua, cả nước đã xuất siêu đạt hơn 7,2 tỷ USD, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Cụ thể, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 10/2018, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 22,53 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước. Tính từ đầu năm đến nay, đây là tháng đứng thứ hai về giá trị kim ngạch xuất khẩu Việt Nam đạt được. Trước đó, tháng 8/2018 ghi nhận mức kim ngạch xuất khẩu cao kỷ lục, đạt gần 23,5 tỷ USD.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cũng đạt tới 21,76 tỷ USD, tăng 11,5% so với tháng trước và xác lập giá trị kim ngạch lớn nhất trong tháng tính từ đầu năm đến nay. Với kết quả này, tháng 10/2018 Việt Nam xuất siêu khoảng 770 triệu USD.

xuất siêu lập kỷ lục

Với 7,2 tỷ USD, xuất siêu xác lập kỷ lục mới

Tính từ đầu năm đến hết tháng 10/2018, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt trên 202 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch nhập khẩu tương ứng đạt 184,8 tỷ USD và tăng 12,4%. Như vậy, Việt Nam xuất siêu  đạt trên 7,2 tỷ USD.

Đóng góp vào kết quả trên, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt kim ngạch xuất khẩu trên 142,8 tỷ USD (chiếm 70,7% kim ngạch xuất khẩu của cả nước), tăng 14,9% so với cùng kỳ.

Khối FDI cũng nhập khẩu xấp xỉ 117 tỷ USD (chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch nhập khẩu), tăng 12,3% so với cùng kỳ. Và như vậy, trong 10 tháng đầu năm 2018 khu vực này xuất siêu tới trên 25,8 tỷ USD.

Đặc biệt, chỉ riêng tháng 10, có tới 5 nhóm hàng xuất khẩu thu từ 1 tỷ USD trở lên. Trong đó dẫn đầu là điện thoại và linh kiện với kim ngạch 4,746 tỷ USD, nâng kim ngạch hết tháng 10 lên 41,435 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhóm hàng đạt kim ngạch tỷ USD khác trong tháng 10 là: máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch 2,835 tỷ USD; dệt may với kim ngạch 2,732 tỷ USD; máy móc thiết bị 1,503 tỷ USD; giày dép 1,382 tỷ USD.

Với trị giá kim ngạch và tốc độ tăng trưởng 10 tháng qua, nhiều khả năng năm 2018, kim ngạch xuất khẩu cả nước sẽ vượt 240 tỷ USD - con số kỷ lục của năm 2017 và cũng là con số cao nhất từ trước đến nay.

suất siêu
Điện thoại và linh kiện tiếp tục là nhóm hàng đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu với mức 41,44 tỷ USD

Cán cân thương mại từ năm 2016 đến nay luôn duy trì thặng dư. Mức thặng dư thương mại trong năm 2016, 2017 lần lượt là 1,78 tỷ USD và 2,11 tỷ USD. 9 tháng năm 2018, cán cân thương mại thặng dư với mức xuất siêu đạt hơn 7,2 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước tới nay.

Đánh giá về kết quả này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho biết, trong kết quả xuất khẩu 10 tháng qua, Việt Nam không chỉ vui mừng vì cán cân thương mại đã ngày càng tăng ổn định mà còn có thể mừng vì khu vực kinh tế trong nước đã có những đóng góp đáng kể trong kim ngạch xuất khẩu.

Lần đầu tiên, mức tăng kim ngạch xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước cao hơn mức tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kim ngạch xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng 16,8%, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 13,2%).

Tuy đánh giá mức tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước khá tốt và tăng đều trong 3 năm gần đây, nhưng đại diện Cục Xuất nhập khẩu cũng cho rằng, về giá trị, kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước khó có thể vượt qua khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

“Nhưng đây là điểm sáng đáng ghi nhận trong bức tranh xuất nhập khẩu thời gian vừa qua. Bởi từ trước đến nay, khu vực kinh tế trong nước luôn có mức tăng trưởng xuất khẩu thấp hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài”, ông Trần Thanh Hải đánh giá.

Ngoài ra, cũng theo ý kiến của ông Trần Thanh Hải, trong bối cảnh nguồn cung trên thị trường thế giới dư thừa, các nước nhập khẩu ngày càng siết chặt hàng rào phi thuế quan bằng các tiêu chuẩn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, an toàn thực phẩm… thì việc Việt Nam tiếp tục duy trì xuất siêu là một kết quả phản ánh hiệu quả trong việc chuyển biến các hướng đi đúng đắn của các bộ, ngành liên quan trong suốt thời gian qua. Đặc biệt phải kể đến, việc các mặt hàng nông sản chủ lực tiếp tục duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu là tín hiệu đáng mừng, cho thấy chất lượng nông sản Việt Nam ngày càng có xu hướng tăng cao.

 

 

Thu Thảo