Cây xóa đói giảm nghèo
Cây sắn có điều kiện sinh trưởng phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của tỉnh Yên Bái, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những năm gần đây, bà con nông dân ở các huyện Văn Yên, Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Trạm Tấu, Trấn Yên, Yên Bình… đưa giống sắn cao sản vào trồng, do vậy năng suất và giá bán sắn đều cao hơn. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, toàn tỉnh có gần 17.000 ha sắn, với năng suất gần 19 tấn/ha, tính ra nguồn thu từ cây sắn ở Yên Bái đã lên đến 50 tỷ đồng mỗi năm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 nhà máy chế biến tinh bột sắn lớn với tổng công suất khoảng 1.600 tấn nguyên liệu/ngày; tương đương 400 tấn sản phẩm/ngày, ngoài ra, còn hàng trăm cơ sở chế biến sắn lát khô trong dân.
Nhờ cây sắn mà mấy năm nay đời sống của đồng bào các dân tộc huyện Văn Yên đã được cải thiện rõ rệt. Hàng trăm gia đình đồng bào người dân tộc đã sắm được những phương tiện hiện đại đắt tiền như: xe máy, ti vi, tủ lạnh, điện thoại...
Trong công cuộc hỗ trợ người nông dân xóa đói giảm nghèo, có phần đóng góp không nhỏ của một số các đơn vị đầu tư trên địa bàn, điển hình trong số đó là Công ty cổ phần Nông lâm sản thực phẩm Yên Bái. Hiện Công ty đã xây dựng 2 nhà máy tại Văn Yên: Một nhà máy chế biến sắn gồm 2 dây chuyền, một nhà máy chế biến bã sắn sấy khô. Theo ông Nguyễn Đình Chiến - Phó giám đốc Sở Công Thương Yên Bái, Công ty cổ phần Nông lâm sản thực phẩm Yên Bái là đơn vị tiên phong trong việc sản xuất, kinh doanh mang tính bền vững, khai thác tốt hiệu quả kinh tế của cây sắn, giúp cải thiện đời sống của người dân địa phương.
Để cây sắn phát triển bền vững
Mặc dù sản phẩm tinh bột từ cây sắn cho hiệu quả kinh tế cao, nhưng sản lượng lại chỉ chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Để tránh phụ thuộc vào thị trường này, cả chính quyền địa phương cũng như nhiều doanh nghiệp đã chung tay, góp sức tích cực hỗ trợ người dân tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm tinh bột sắn, tạo điều kiện để phát triển bền vững cây sắn.
Thời gian qua Sở Công Thương Yên Bái đã nỗ lực tìm nhiều giải pháp bằng những việc làm cụ thể như đưa các công ty sản xuất tinh bột sắn tham gia các hội chợ thương mại lớn cũng như tổ chức đoàn doanh nghiệp xúc tiến thương mại tìm hiểu thị trường tại Nhật Bản, Đài Loan, Lào, Hàn Quốc... Bên cạnh việc khuyến khích bà con trồng giống sắn cao sản, việc các nhà máy thu mua nguyên liệu sắn để chế biến tinh bột sắn cũng được tỉnh Yên Bái chú trọng, khuyến khích tạo điều kiện để sản xuất.
“Bằng những tiến bộ trong công nghệ sản xuất và vùng nguyên liệu ổn định đã đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững. Thêm vào đó là những giải pháp xúc tiến thương mại kịp thời, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu cho sản phẩm đã góp phần vào sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến sắn tại Yên Bái nói riêng và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Yên Bái nói chung” - ông Nguyễn Đình Chiến khẳng định.
Về phía các doanh nghiệp cũng đã có nhiều biện pháp tích cực, tạo được sự đồng hành, mối liên hệ chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người nông dân, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm tinh bột sắn, giúp người dân yên tâm sản xuất, canh tác.
Chẳng hạn như Công ty cổ phần Nông lâm sản thực phẩm Yên Bái, ngoài đóng góp tài chính theo quy định trong Đề án canh tác sắn bền vững của huyện Văn Yên để triển khai công tác khuyến nông ở vùng nguyên liệu, nhiều giống sắn có năng suất cao, hàm lượng tinh bột nhiều, được trồng ở những tỉnh khác cũng được Công ty mang về phối hợp trồng thử nghiệm để có thể áp dụng trên đồng đất Văn Yên.
Ông Trần Công Bình - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần Nông lâm sản thực phẩm Yên Bái cho biết, thị trường xuất khẩu tinh bột sắn nhiều lúc rất khó khăn, doanh nghiệp phải đối diện với cạnh tranh gay gắt vì phụ thuộc vào nhu cầu và sức mua của thị trường thế giới, nhưng các nhà máy luôn đảm bảo thu mua nguyên liệu cho người nông dân theo giá thị trường, giúp nông dân ổn định đời sống và đảm bảo thu nhập.
Sản phẩm tinh bột sắn sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó là tín hiệu khả quan cho ngành công nghiệp chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Điều này sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.