10 tháng năm 2014: Sản xuất tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ 2013

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, 10 tháng năm 2014, sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng tăng, chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2014 tăng trưởng 6,9%, cao hơn mức tăng 5,3% của 8 tháng năm 2

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,9%

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, tháng 10 năm 2014, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,6% so với tháng 9 năm 2014 và tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng giảm 0,9%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,2%, ngành sản xuất, phân phối điện tăng 11,8% và ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2013.

Tính chung 10 tháng năm 2014, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,9%, đây là mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2013 so với năm 2012 tăng 5,4%). Trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 0,7%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,4%, sản xuất và phân phối điện tăng 11,5%, cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,4%.

Các ngành sản xuất và phân phối điện và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng chỉ số sản xuất cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất và phân phối điện tăng 11,5% (năm 2013 tăng 8,6% so với năm 2012); chỉ số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,4% (năm 2013 tăng 6,9% so với năm 2012) cho thấy sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng tăng.

Trong ngành khai khoáng, chỉ số sản xuất có xu hướng tăng nhẹ ở các ngành khai thác than cứng và than non (tăng 0,3%), ngành khai thác dầu thô và khí đốt (tăng 0,3%), ngành khai thác đá, cát, sỏi, đất sét tăng 13,5%.

Trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, một số ngành có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ như: chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản (tăng 11,2%); dệt (tăng 18,7%); may trang phục (tăng 11,5%), sản xuất giày dép (tăng 20,8%), sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (tăng 13,7%), sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (tăng 13,6%),... Tuy nhiên, một số ngành có mức tăng trưởng giảm như: sản xuất mỳ ống, mỳ sợi và sản phẩm tương tự giảm 10,6%; sản xuất thuốc lá giảm 12,4%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 6%,v.v...

Tháng 9 năm 2014, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 14,3% so với tháng 9 năm 2013. Tính chung 9 tháng đầu năm 2014 chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,1% so với cùng kỳ, trong đó tăng chủ yếu ở nhóm hàng chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản (tăng 14,1%); sản xuất đường (tăng 15,8%); sản xuất vải dệt thoi (tăng 18%); sản xuất giày, dép (tăng 23,4%), v.v... Những nhóm hàng có chỉ số tiêu thụ giảm so với cùng kỳ là sản xuất mì ống, mì sợi và sản phẩm tương tự (giảm 31,2%); sản xuất thuốc lá (giảm 8,8%); sản xuất hàng may sẵn (giảm 12,8%); sản xuất mô tô, xe máy (giảm 10,2%), v.v...

Tại thời điểm 01 tháng 10 năm 2014, chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,4% so với thời điểm 01 tháng 9 năm 2014 (thấp hơn mức tăng 11,6% tại thời điểm 01 tháng 9 năm 2014 so với thời điểm 01 tháng 8 năm 2014) và tăng 10,9% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, một số ngành chỉ số tồn kho cao là: chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản (tăng 13,9%); sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản (tăng 45,8%); may trang phục (trừ trang phục từ da, lông thú) (tăng 28,4%); dệt (tăng 12,3%); sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu (tăng 34,5%); sản xuất sắt, thép, gang (tăng 34,8%); sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (tăng 16,8%), v.v...

Hoạt động sản xuất kinh doanh ngành dầu khí tiếp tục ổn định

Nhìn chung 10 tháng đầu năm 2014, ngành điện đã nỗ lực cung cấp đủ điện, an toàn phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với địa phương, đầu tư xây dựng các dự án cấp điện đáp ứng tiến độ yêu cầu của nhà đầu tư, triển khai đúng tiến độ. Điện sản xuất của cả nước tháng 10 năm 2014 ước đạt 11,92 tỷ kWh, tăng 11,6% so cùng kỳ. Tính chung 10 tháng năm 2014, điện sản xuất ước đạt 115,67 tỷ kWh, tăng 12% so cùng kỳ. Điện thương phẩm tháng 10 ước đạt 10,83 tỷ kWh, tăng 12,1% so cùng kỳ. Công suất cực đại trong tháng 10 ước đạt 21.349MW. Tỷ lệ nguồn phát điện trong tháng 10: 53% từ thủy điện; 24% từ nhiệt điện khí; 23% từ nhiệt điện than, còn lại từ các nguồn khác.

Trong tháng 10 và 10 tháng năm 2014, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của ngành dầu khí tiếp tục ổn định. Sản lượng một số sản phẩm chính đều tăng trưởng khá so với cùng kỳ: dầu thô khai thác tháng 10 ước đạt 1,4 triệu tấn, đạt 99,1% so cùng kỳ, tính chung 10 tháng ước đạt 14,2 triệu tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ. Sản lượng khí đốt thiên nhiên tháng 10 ước đạt 0,7 tỷ m3, tăng 8,4% so với cùng kỳ, tính chung 10 tháng đầu năm, sản lượng khí đốt đạt 8,4 tỷ m3, tăng 3,4% so với cùng kỳ; sản lượng khí hóa lỏng (LPG) tháng 10 ước đạt 55,5 nghìn tấn, giảm 8,4% so với cùng kỳ, tính chung 10 tháng, sản lượng khí hóa lỏng (LPG) ước đạt 536,7 nghìn tấn, giảm 7,7% so với cùng kỳ. Xăng dầu các loại tháng 10 ước đạt 564,6 nghìn tấn, tăng 3,0% so với cùng kỳ 2013, tính chung 10 tháng đầu năm ước đạt 4,61 triệu tấn, giảm 16,2% so với cùng kỳ.

Tháng 10, than sạch khai thác của toàn ngành ước đạt 3,8 triệu tấn, tăng 1,0% so với cùng kỳ 2013. Tính chung 10 tháng đầu năm, sản lượng than sạch ước đạt 32,92 triệu tấn, tăng 0,7% so với cùng kỳ. Theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, 10 tháng đầu năm 2014, sản lượng than thành phẩm của Tập đoàn là 28,6 triệu tấn, đạt 84% kế hoạch năm, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Than tiêu thụ ước đạt 29,2 triệu tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, than xuất khẩu đạt 5 triệu tấn, giảm 37% so với cùng kỳ; than tiêu thụ nội địa đạt 24,3 triệu tấn, tăng 29% so với cùng kỳ.

Tháng 10 năm 2014, lượng sắt thép thô ước đạt 282,8 nghìn tấn, tăng 15,3% so với cùng kỳ; lượng thép cán ước đạt 293,4 nghìn tấn, tăng 17,9% so với cùng kỳ; lượng thép thanh, thép góc ước đạt 314,5 nghìn tấn, tăng 33,8% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng, lượng sắt thép thô đạt 2512,1 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ; thép cán đạt 2.870,6 nghìn tấn, tăng 21,6% so với cùng kỳ; thép thanh, thép góc đạt 2.900,5 nghìn tấn, tăng 8,0% so với cùng kỳ.

Sản lượng thuốc lá bao tháng 10 giảm 14,7% so cùng kỳ năm 2013

Tháng 10 so với cùng kỳ, sản xuất vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 27,8 triệu m2, tăng 7,6%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 63,7 triệu m2, tăng 12,5%; sản lượng quần áo mặc thường ước đạt 271 triệu cái, tăng 13,8%. Tính chung 10 tháng so với cùng kỳ, sản xuất vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 269,7 triệu m2, tăng 15,5%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 612,3 triệu m2, tăng 6,2%; sản lượng quần áo mặc thường ước đạt trên 2,47 tỷ cái, tăng 10,2%.

Tính chung 10 tháng năm 2014 so với cùng kỳ, xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 17,62 tỷ USD, tăng 19,3%; xơ, sợi dệt các loại ước đạt 2,1 tỷ USD, tăng 19,1%. Ngành dệt may Việt Nam tiếp tục đạt mức tăng trưởng xuất khẩu khá ở các thị trường truyền thống như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đơn hàng của các doanh nghiệp đảm bảo đủ cho sản xuất đến hết năm. Với đà tăng trưởng xuất khẩu của 10 tháng, dự kiến năm 2014, ngành dệt may Việt Nam có thể đạt từ 24,5 đến 25 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, vượt từ 0,5 đến 1 tỷ USD so với mục tiêu kế hoạch.

Sản lượng giầy dép da tháng 10 ước đạt 17,6 triệu đôi, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng ước đạt 201 triệu đôi, tăng 18,3% so với cùng kỳ. Giày dép vẫn là một trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu giầy, dép các loại 10 tháng ước đạt 8,2 tỷ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ.

Sản lượng thuốc lá bao các loại tháng 10 ước đạt 375,9 triệu bao, giảm 14,7% so với tháng 10 năm 2013; tính chung 10 tháng ước đạt trên 3,4 tỷ bao, giảm 12,5% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp thuốc lá hiện đang cân đối nhu cầu thu mua và sử dụng nguyên liệu để làm cơ sở cho kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá vụ mùa 2014 - 2015. Tình hình buôn lậu thuốc lá vẫn diễn biến phức tạp nhất là trong những tháng vừa qua do vào mùa nước nổi, các cánh đồng tại khu vực biên giới bị ngập nước, các đối tượng lợi dụng đồng nước, kênh rạch vận chuyển thuốc lá nhập lậu bằng xuồng máy tốc độ cao gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng kiểm tra, quản lý thị trường.

Ngành Bia, rượu, nước giải khát: Sản lượng sản xuất bia các loại tháng 10 ước đạt 275,4 triệu lít, tăng 8,9% so với tháng 10 năm 2013. Tính chung 10 tháng, sản xuất bia các loại ước đạt 2,56 tỷ lít, tăng 6,7% so với cùng kỳ (trong đó: bia thương hiệu Hà Nội ước đạt 460,2 triệu lít, tăng 4,1%; bia thương hiệu Sài Gòn ước đạt 1,09 tỷ lít, tăng 2,8%). Các doanh nghiệp đang bước vào giai đoạn sản xuất và dự trữ hàng chuẩn bị cho những tháng cuối năm. Các doanh nghiệp đã cho ra mắt nhiều sản phẩm mới, khẳng định thương hiệu và sự phát triển của ngành Đồ uống Việt Nam.

10 tháng năm 2014: KNXK ước đạt 123,1 tỷ USD

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, tháng 10, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) ước đạt 13,2 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng 9 và tăng 5,5% so với tháng 10 năm 2013, trong đó: xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 8,4 tỷ USD, tăng 2,9% so với tháng 9 và tăng 4,7% so với tháng 10 năm 2013.

Tính chung 10 tháng năm 2014 KNXK ước đạt 123,1 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2013 (tương đương với tăng 14,5 tỷ USD), trong đó KNXK của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt 40,6 tỷ USD, chiếm 33% tổng KNXK của cả nước, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước; KNXK của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 82,5 tỷ USD, chiếm 67% tổng KNXK của cả nước, tăng 13,6%.

Về kim ngạch xuất khẩu, nhóm hàng nông lâm thủy sản 10 tháng năm 2014 xuất khẩu ước đạt 18,8 tỷ USD, chiếm 15,3% trong tổng KNXK, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2013 (tương đương với tăng 2,4 tỷ USD). Trong đó, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng như: thuỷ sản tăng 20,6%; rau quả tăng 42,1%; nhân điều tăng 25,1%; cà phê tăng 33,9%; hạt tiêu tăng 37,4%. Một số mặt hàng có kim ngạch giảm như: chè các loại giảm 0,1%; gạo giảm 0,1%; sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 0,4%; cao su giảm 25,4%.

Nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản 10 tháng năm 2014 ước đạt gần 7,7 tỷ USD, chiếm 6,3% trong tổng KNXK, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2013, tương đương với giảm 157 triệu USD, trong đó: than đá giảm 36,1%; dầu thô tăng 5,4%; xăng dầu các loại giảm 21%; quặng và khoáng sản khác giảm 0,4%. Nhóm hàng công nghiệp chế biến 10 tháng năm 2014 ước đạt gần 89,4 tỷ USD, chiếm 72,6% trong tổng KNXK, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2013, tương đương với tăng gần 11 tỷ USD.

Về giá xuất khẩu, 10 tháng năm 2014 giá bình quân xuất khẩu của một số mặt hàng tăng, như: nhân điều tăng 3,3%; chè tăng 5%, hạt tiêu tăng 14,6%; gạo tăng 4%; than đá tăng 3,5%; xăng dầu tăng 0,9%; quặng và khoáng sản khác tăng 148,4%; xơ, sợi dệt các loại tăng 0,1%; Clanhke và xi măng tăng 2,1%; v.v... Một số mặt hàng có giá bình quân giảm như: cà phê giảm 2,6%; sắn và các sản phẩm từ sắn 2,7%; cao su giảm 26,7%; dầu thô giảm 2.8%; phân bón các loại giảm 8,6%; chất dẻo các loại giảm 11%; sắt thép các loại giảm 5,8%, v.v...

Do ảnh hưởng giá xuất khẩu của một số mặt hàng trong nhóm hàng nông sản đã làm kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông lâm thủy sản giảm khoảng 336 triệu USD; nhóm nhiên liệu, khoáng sản giá xuất khẩu bình quân có tăng trưởng, tuy nhiên lượng xuất khẩu của các mặt hàng trong nhóm giảm mạnh, do vậy kim ngạch xuất khẩu của nhóm bị ảnh hưởng giảm khoảng 156,7 triệu USD.

Nhìn chung, kim ngạch xuất khẩu tháng 10 ước tăng nhẹ so với tháng 9, do nhóm nông lâm thủy sản và nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản tăng về trị giá. Xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn giữ vai trò quan trọng góp phần vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung. Tháng 10 so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này tăng trưởng khoảng 5,3%, trong khi đó nhóm hàng nông sản, thủy sản, lâm sản tăng 11,6% và nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản giảm 27,1%.

Kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2014 của cả nước tăng thêm khoảng 14,5 tỷ USD so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch của khu vực FDI (không kể dầu thô) tăng 9,5 tỷ USD. Xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đạt mức tăng trưởng khá (12,9%), cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 3,2% của 10 tháng năm 2013. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy sự phục hồi và phát triển sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước.

Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu 10 tháng năm 2014 của khu vực FDI là 10,7% xấp xỉ với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu chung (11,2%) của cả nước. Nhập khẩu của cả nước tăng 12,3 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu của khu vực FDI tăng 6,6 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần cho sản xuất, tiêu dùng trong nước cũng như các mặt hàng nhập khẩu phục vụ gia công, xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 88,4% tổng kim ngạch nhập khẩu. Một số mặt hàng như nông sản, quặng và khoáng sản, khí đốt hóa lỏng, nguyên liệu dược phẩm, gỗ và sản phẩm có mức tăng tương đối lớn, do nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp vào thời điểm gần cuối năm tăng cao.

Nhóm hàng cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu vẫn đang được kiểm soát. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu một số nhóm hàng như điện thoại di động, ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ cũng có mức tăng khá cao so với cùng kỳ. Các mặt hàng như linh kiện phụ tùng ô tô, điện thoại di động có mức tăng tương đối cao nhưng hiện cũng đang được kiểm soát tốt (dưới 30%).

CPI có sự tăng giảm hợp lý

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 năm 2014 tăng 0,11% so với tháng trước. Như vậy CPI 10 tháng đầu năm 2014 đã tăng 4,47% so với cùng kỳ năm 2013 (đây là mức tăng thấp so với các năm trước, CPI cùng kỳ năm 2013 đạt mức tăng 6,83%), trong đó 02 nhóm tăng cao nhất là nhóm thuốc, dịch vụ y tế và nhóm giáo dục (tăng lần lượt 5,99% và 10,56%) do việc điều chỉnh tăng phí dịch vụ y tế và phí dịch vụ giáo dục tại một số địa phương lớn trên cả nước; các nhóm hàng khác không có biến động lớn, giá gas, xăng dầu trong 10 tháng đầu năm được điều chỉnh theo sự biến động của thị trường, có tăng có giảm nên CPI các nhóm hàng chịu tác động trực tiếp từ các mặt hàng này cũng có sự tăng giảm hợp lý. Ngoài ra, CPI 10 tháng đầu năm của các nhóm hàng khác phần lớn tăng dưới mức tăng chung (là 4,47%), riêng nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 4,58% do giá cả vật liệu xây dựng có xu hướng giảm.

Về công tác quản lý thị trường, trong tháng 10 năm 2014, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực, mặt hàng.

Trong tháng 10 năm 2014, lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra trên 15.000 vụ, phát hiện, xử lý trên 7.500 vụ vi phạm, với tổng số thu trên 29 tỷ đồng; 10 tháng đầu năm 2014, lực lượng Quản lý thị trường cả nước kiểm tra 152.884 vụ, phát hiện xử lý 80.024 vụ vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính 237,37 tỷ đồng, tổng thu nộp NSNN 325,52 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu chưa bán 130,5 tỷ đồng trị giá hàng tiêu hủy 53,04 tỷ đồng.