AEC mở ra nhiều cơ hội việc làm

Sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) năm 2015 sẽ hỗ trợ thúc đẩy tăng tưởng GDP của Việt Nam thêm 14,5% và tăng trưởng việc làm thêm 10,5%. Nhưng điều này chỉ có thể đạt được nếu có được sự quả

Được chính thức thành lập vào cuối năm 2015, AEC sẽ cho phép các lao động có tay nghề cao, dịch vụ, đầu tư và hàng hóa của 10 quốc gia thành viên ASEAN được di chuyển tự do hơn trong khu vực.

Nghiên cứu chung “Cộng đồng ASEAN 2015: Quản lý hội nhập hướng tới việc làm tốt hơn và thịnh vượng chung” vừa được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố cho biết, sự ra đời của AEC sẽ hỗ trợ thúc đẩy tăng tưởng GDP của Việt Nam thêm 14,5% và tăng trưởng việc làm thêm 10,5% vào năm 2025.

Theo ông Yoshiteru Uramoto, Giám đốc ILO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam sẽ là một trong một số nước được hưởng lợi nhiều hơn từ việc hội nhập kinh tế khu vực sâu rộng này.

Trên quy mô tổng thể, hội nhập kinh tế sẽ giúp tạo thêm 14 triệu việc làm ở khu vực ASEAN, cải thiện đời sống của 600 triệu người dân hiện sinh sống trong khu vực. Đặc biệt là tăng trưởng trong các lĩnh vực như xây dựng, giao thông vận tải, dệt may và chế biến thực phẩm. Theo báo cáo, với quyết tâm và nỗ lực, năng suất lao động của Việt Nam có thể tăng hơn gấp đôi vào năm 2025 so với mức năm 2010. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, điều này chỉ có thể đạt được nếu có được sự quản lý hợp lý và quyết liệt để thực thi một cách hiệu quả.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng trong giai đoạn 2010 - 2025, nhu cầu đối với việc làm cần tay nghề trung bình nói chung sẽ tăng nhanh nhất, ở mức 28%, và sẽ có thêm nhiều cơ hội cải thiện cuộc sống cho hàng triệu người. Tuy nhiên, những người tìm việc mà thiếu những kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết sẽ không thể nắm bắt được những cơ hội mới ấy. Cũng theo nghiên cứu, hai phần ba số việc làm mới này rất có thể là những công việc chất lượng thấp, “dễ bị tổn thương”, như các lao động tự làm hoặc lao động hộ gia đình.

Ưu tiên đầu tiên được các chuyên gia khuyến cáo đưa ra là việc thực hiện các biện pháp nâng cao năng suất lao động và chất lượng việc làm trong ngành nông nghiệp và đa dạng hóa công việc trong các ngành chế tạo mới, trong khi vẫn tiếp tục hỗ trợ ngành dệt may. Giải pháp thứ hai là cần mở rộng độ bao phủ phúc lợi xã hội, trong đó có cơ chế bảo hiểm thất nghiệp trên toàn quốc. Biện pháp này sẽ góp phần giảm bớt những tác động của chuyển dịch cơ cấu và hỗ trợ người lao động chuyển sang làm việc ở các ngành với năng suất cao hơn. Thứ ba là giải pháp củng cố hệ thống đào tạo phát triển kỹ năng, tập trung cải thiện giáo dục trung học và đào tạo nghề để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với lao động có kỹ năng trung bình. Và cuối cùng là cần cải thiện công tác bảo vệ nhóm lao động di cư và các hệ thống phục vụ việc công nhận kỹ năng của họ, đặc biệt là ở những ngành nghề mà trong đó các lao động với kỹ năng thấp và trung bình chiếm tỷ lệ cao như xây dựng.

Bà Phạm Thị Hải Chuyền

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của AEC 2015, cũng như những cơ hội và thách thức đi kèm. Với quyết tâm không để bỏ qua cơ hội hiếm có này, Việt Nam đang nỗ lực hết sức để chuẩn bị hội nhập sâu rộng và đảm bảo rằng mọi người đều được hưởng lợi từ quá trình đó.

Ông Tomoyuki Kimura

Giám đốc của ADB tại Việt Nam:

Cùng với sự gia tăng của các dòng đầu tư và thương mại gia tăng, tốc độ thay đổi cơ cấu kinh tế hướng tới các ngành có giá trị cao hơn sẽ được đẩy nhanh. Điều này có thể giúp Việt Nam cạnh tranh trên thị trường toàn cầu dựa trên năng suất lao động và kỹ năng nghề nghiệp tốt hơn.


Lệ Nhung