APEC: tạo nền tảng cho kỷ nguyên tăng trưởng mới

Trong 3 tháng đầu năm 2015, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã triển khai nhiều hoạt động quan trọng, đặt nền tảng cho việc xây dựng các “nền kinh tế toàn diện hơn” ở khu vực

Đây là những sự kiện khởi đầu của năm Phi-lip-pin là Chủ tịch APEC 2015, bao gồm một sáng kiến mới để thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng và thúc đẩy tăng trưởng mới. Những hoạt động được đưa ra dựa trên các biện pháp và khuyến nghị của 20 nhóm công tác, với sự tham gia của hơn 1.700 quan chức và chuyên gia kỹ thuật, cũng như từ cuộc họp của các nhà lãnh đạo kinh doanh châu Á-Thái Bình Dương tại Hồng Công, Trung Quốc.

Đại sứ Laura Q. Del Rosario, Thứ trưởng Ngoại giao Phi-lip-pin, Chủ tịch Hội nghị quan chức cao cấp (SOM) năm 2015 cho biết: "Chúng tôi đang đặt nền móng cho một kỷ nguyên mới của sự phát triển kinh tế và tăng trưởng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đột phá trong hợp tác khu vực đạt được tại APEC năm 2014 ở Trung Quốc được phản ánh trong các nỗ lực để tối đa hóa tăng trưởng, dựa trên sự liên kết hiệu quả hơn giữa các nền kinh tế, và giữa người dân và doanh nghiệp hỗ trợ."

SOM đã khởi động nghiên cứu chiến lược hai năm về các vấn đề liên quan đến sự hình thành một khu vực mậu dịch tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP). Đây là một sáng kiến đã được các nhà lãnh đạo APEC thông qua tại Bắc Kinh năm 2014. Một nhóm đặc trách (task force) mới do Trung Quốc và Hoa Kỳ thành lập sẽ định hình các nội dung của nghiên cứu và xây dựng các điều khoản tham chiếu về chỉ số để hình thành FTAAP.

Nhiều biện pháp cũng được đưa ra để đẩy nhanh việc thực hiện Hiệp định Thuận lợi hóa Thương mại (TFA) thông qua thông báo sớm tới WTO và hướng tới việc thực hiện mục tiêu cuối năm nay APEC sẽ giảm thuế đến năm phần trăm hoặc ít hơn cho 54 hàng hóa môi trường. Đáp ứng mục tiêu này sẽ giúp tiếp tục giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu, đồng thời tạo đà cho các cuộc đàm phán toàn cầu và khả năng có các biện pháp giảm thuế quan tương tự với các sản phẩm và trong các lĩnh vực khác.

Đại sứ Del Rosario giải thích: "Điều quan trọng là chúng ta phải hội nhập kinh tế và giảm các rào cản thương mại và đầu tư hơn nữa và phải hành động theo nhu cầu phát triển bền vững. Chương trình nghị sự của chúng tôi là thúc đẩy tăng trưởng, không chỉ có lợi cho các công ty đa quốc gia lớn và một phần trăm dân số (ám chỉ nhóm dân giàu nhất thế giới). Chúng tôi đang có ý định giảm chi phí kinh doanh và những gì không hiệu quả để mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp mới và các công ty nhỏ để tận dụng lợi thế từ việc mở rộng chuỗi cung ứng và thương mại qua biên giới."

Mục tiêu của APEC là truy cập băng thông rộng toàn cầu, cải thiện 10% hiệu quả hoạt động chuỗi cung ứng so với mức năm 2009, cải thiện 25% (so với mức năm 2009) về môi trường kinh doanh trong khu vực, dựa trên các chỉ số về khởi nghiệp, xin giấy phép, nhận tín dụng, thương mại qua biên giới và thực thi hợp đồng.

Theo ông Alan Bollard, Giám đốc điều hành Ban thư ký APEC: "Khi lợi thế tăng trưởng thương mại và tăng trưởng theo vùng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã giảm đi, dễ thấy rằng rất cần phải tập trung vào các khu vực khác để tăng trưởng trở lại và đó là câu chuyện năng suất. Để có đẩy mạnh thương mại và tăng năng suất, cần phải đối phó với các thách thức đằng sau biên giới như quản lý, sự ổn định, cải cách cơ cấu. Ngay bây giờ, chúng tôi đang rà soát những nội dung trên và cố gắng để hiện thực hóa các giải pháp".

Ông Alan Bollard cũng cho biết "Để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và xây dựng các nền kinh tế toàn diện, cần thay đổi cơ cấu ngành và thể hiện khả năng phục hồi. Một lần nữa, những vấn đề cần phải đối mặt là nguồn nhân lực, xây dựng thể chế cũng như phát triển ngành. Tất cả những nội dung này đều phù hợp với những ưu tiên của APEC năm 2015".

SOM cũng đang xây dựng một kế hoạch hành động về dịch vụ trong APEC để tự do ngành dịch vụ trị giá hàng nghìn tỷ USD của khu vực và giúp tạo việc làm trong nhiều thành phần kinh tế. SOM cũng đang thảo luận về các phương thức giúp tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân trong khu vực, trên đà thành công của chương trình Thẻ đi lại của Doanh nhân APEC (ABTC), để mở ra các cơ hội học tập xuyên biên giới và cơ hội đào tạo nghiệp vụ, và tìm ra những cách thức mới để tăng cường khả năng phục hồi của nền kinh tế đối trước những tác động của thiên tai, dịch bệnh và các mối đe dọa khủng bố.