1976 - 1985: Sản xuất công nghiệp chia thành 2 giai đoạn rõ rệt

Nếu trong kế hoạch 5 năm lần thứ II (1976 - 1980), giá trị tổng sản lượng công nghiệp cả nước tăng trong 3 năm đầu và đạt giá trị cao nhất trong năm 1978, sau đó giảm liên tục; thì sang kế hoạch 5 năm lần thứ III (1981 - 1985), giá trị tổng sản lượng công nghiệp tăng liên tục từ năm 1981, đến năm 1985 đạt giá trị cao nhất.
sản xuất công nghiệp
Bộ trưởng Bộ Cơ khí và Luyện kim Nguyễn Văn Kha cùng Đại sứ Liên Xô Saplin thăm nơi sản xuất trong Nhà máy Diesel Sông Công tại lễ bàn giao đợt 1 nhà máy, ngày 4/11/1985. Nhà máy do Liên Xô giúp ta xây dựng là trung tâm chế tạo động cơ lớn nhất Việt Nam bấy giờ, mỗi năm sản xuất 2000 động cơ 55 mã lực và 255 tấn phụ tùng (Ảnh: TTXVN)

Sản xuất công nghiệp 1976 – 1980

Sản xuất công nghiệp những năm đầu sau khi thống nhất đất nước, đúng như nhận định trong Báo cáo về Phương hướng, nhiệm vụ và những mục tiêu chủ yếu về kinh tế và xã hội 5 năm (1981 - 1985) tại Đại hội Đảng lần thứ V: “Trong 5 năm (1976 - 1980), kết quả sản xuất không tương xứng với sức lao động và vốn đầu tư bỏ ra”.

Trong khi vốn đầu tư Nhà nước, số xí nghiệp quốc doanh tăng đều qua các năm, và chiếm tỷ trọng cao nhất trong khu vực sản xuất vật chất thì giá trị sản xuất công nghiệp có mức độ tăng không tương xứng, tăng trong 3 năm đầu, lên cao nhất vào năm 1978, sau đó suy thoái trong 2 năm cuối kỳ kế hoạch 5 năm lần thứ II.

Do đó, tất cả các mục tiêu về sản xuất công nghiệp do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV đề ra đều không đạt. Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu sản xuất công nghiệp của kế hoạch 5 lần II (1976 - 1980): giá trị sản lượng cơ khí đạt 80%; sản lượng điện đạt 3.680 triệu kWh, đạt 73,6%; than đạt 52%; khai thác gỗ tròn là 1,577 triệu m3, đạt 45%; vải mặc 182 triệu mét, đạt 40,4%; đánh bắt cá biển 399 ngàn tấn, đạt 39,9%; giấy, bìa 48,3 ngàn tấn, đạt 37%; xi măng 641 ngàn tấn, đạt 32%; phân bón hóa học 367 ngàn tấn, đạt 28%; sản lượng thép 62,5 ngàn tấn, đạt 25%.

Sản xuất công nghiệp tính trên sản phẩm bình quân đầu người giai đoạn 1976 - 1980 cũng cho thấy bức tranh tương tự, sụt giảm vào những năm cuối kỳ của kế hoạch 5 năm. Cụ thể, than từ 115,9 kg/người năm 1976 xuống 96,8 kg/người năm 1980. Tương tự, thép từ 1,26 kg/người xuống 1,18 kh/người; xi măng 15,1 kg/người xuống 11,8 kg/người; giấy bìa 1,53 kg/người xuống 0,89 kg/người;vải, lụa 4,5m/người xuống 3,2m/người…

Giai đoạn 1981 - 1985

Sản xuất công nghiệp vượt qua thời kỳ suy thoái và khủng hoảng, bắt đầu có bước phát triển đều đặn, rõ ràng, năm sau cao hơn năm trước. Nếu trong kế hoạch 5 năm lần thứ II (1976 - 1980), sản xuất công nghiệp cả nước tăng trong 3 năm đầu và đạt giá trị cao nhất trong năm 1978 (64,1 tỷ đồng), sau đó giảm liên tục cho đến năm 1980 chỉ còn 55,7 tỷ đồng; thì sang kế hoạch 5 năm lần thứ III (1981 - 1985), sản xuất công nghiệp tăng liên tục từ năm 1981, đến năm 1985 đạt giá trị cao nhất (101,3 tỷ đồng) so với suốt cả giai đoạn 1976 - 1985. Tốc độ tăng bình quân/năm trong kế hoạch 5 năm 1976 - 1980: 3,3%; tốc độ tăng bình quân/năm trong kế hoạch 5 năm 1981 - 1985: 13,37%, đã kéo tốc độ tăng bình quân/ năm trong 10 năm 1976 - 1985 lên 8,2%.

Giai đoạn này, giá trị sản xuất công nghiệp có sự phát triển liên tục, năm sau cao hơn năm trước ở cả công nghiệp quốc doanh và ngoài quốc doanh. Xét về cơ cấu, giai đoạn 1976 - 1980 có sự khác biệt với giai đoạn 1981 - 1985.

Có thể thấy, giai đoạn 1976 - 1980, công nghiệp quốc doanh chiếm trên 60%, công nghiệp ngoài quốc doanh chiếm dưới 40%, đến giai đoạn 1981 - 1985, công nghiệp quốc doanh vẫn chiếm tỷ lệ cao hơn, nhưng giảm xuống dưới 60%, trong khi công nghiệp ngoài quốc doanh vươn lên trên 40%. Cơ cấu giữa công nghiệp trung ương và công nghiệp địa phương cũng có sự thay đổi mạnh mẽ. Giai đoạn 1976 - 1980, công nghiệp trung ương chiếm trên 40% và công nghiệp địa phương chiếm trên 50%; đến giai đoạn 1981 - 1985, khoảng cách này giãn rộng ra, công nghiệp trung ương giảm xuống dưới 40%, còn công nghiệp địa phương chiếm trên 60%.

Thành tựu những năm 1981 - 1985 là kết quả của sự đầu tư cơ sở vật chất trong suốt 10 năm, đặc biệt trong kế hoạch 5 năm lần thứ III đã hoàn thành mấy trăm công trình tương đối lớn và hàng nghìn công trình vừa và nhỏ, trong đó có một số cơ sở quan trọng về điện, dầu khí, xi măng, cơ khí, dệt, đường, thủy lợi, giao thông..., cộng hưởng với những cải cách quản lý kinh tế, tuy có phần dè dặt, khởi đầu từ Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa IV năm 1979 mở ra những cải tiến quản lý trong khu vực công nghiệp theo Quyết định 25-CP, 26-CP năm 1981 và Quyết định 146-HĐBT năm 1982, đã phát huy mạnh mẽ quyền chủ động sản xuất - kinh doanh và quyền tự chủ tài chính của xí nghiệp, làm cho các xí nghiệp quốc doanh trở nên năng động, sản xuất công nghiệp được “bung ra”, cơ cấu công nghiệp được điều chỉnh theo hướng đẩy mạnh hơn các ngành Công nghiệp nhẹ sản xuất hàng tiêu dùng.

Đaò Mạnh Đức