6 điểm nhấn trong bức tranh xuất nhập khẩu Việt Nam 2018

Xuất khẩu Việt Nam năm 2018 cho thấy tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức cao, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo hướng tích cực với quy mô mặt hàng và thị trường xuất khẩu mở rộng, đồng thời kiểm soát hiệu quả nhập khẩu.

Năm 2018 tiếp tục được coi là một năm thành công của xuất nhập khẩu Việt Nam với những kết quả ấn tượng, đóng góp tích cực vào bức tranh tăng trưởng chung của nền kinh tế cả nước, qua đó góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát và cải thiện cán cân thanh toán.

Bên cạnh một số hạn chế nhất định còn tồn tại cần khắc phục, Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2018 được Bộ Công Thương công bố ngày 10/4/2019 đã điểm lại 6 điểm nhấn của lĩnh vực xuất nhập khẩu nước ta trong năm vừa qua.

Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2018 được Bộ Công Thương công bố ngày 10/4/2019 đã điểm lại 6 điểm nhấn của lĩnh vực xuất nhập khẩu trong năm vừa qua

Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2018 được Bộ Công Thương công bố ngày 10/4/2019 đã điểm lại 6 điểm nhấn của lĩnh vực xuất nhập khẩu nước ta trong năm vừa qua

 

Một: Xuất khẩu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức cao nhất từ trước tới nay

Xuất khẩu năm 2018 đạt 243,48 tỷ USD, tăng 13,2% so với năm 2017, vượt xa chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao là tăng 7-8% (chỉ tiêu Quốc hội giao) và tăng 8-10% (chỉ tiêu Chính phủ giao).

Năm 2017, quy mô xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam được WTO xếp vị trí thứ 27 trên thế giới và quy mô nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam xếp thứ hạng 25.

“Với kết quả ấn tượng của xuất nhập khẩu trong năm 2018 thì thứ hạng xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2018 có thể tiếp tục được cải thiện trên bảng xếp hạng, giữ vững vị trí trong số 30 nước có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất”, Bộ Công Thương nhận định.

 

Hai: Xuất siêu năm 2018 đạt mức cao kỷ lục

Theo Báo cáo, năm 2018 là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam có xuất siêu trong hoạt động xuất nhập khẩu và cũng là năm thặng dư cán cân thương mại của nước ta đạt mức cao nhất từ trước tới nay.

Mức thặng dư kỷ lục đạt được năm 2018 là gần 6,8 tỷ USD, gần gấp 3 lần so với thặng dư năm 2017 (2,11 tỷ USD).

 

Ba: Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo hướng tích cực với quy mô các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng

Trong năm 2018, chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu vẫn là nhóm hàng công nghiệp với tỷ trọng 82,8% (tăng 1,7% so với năm 2017), tiếp đến là nhóm hàng nông sản, thủy sản chiếm 10,9% (giảm 1,2% so với năm 2017) và nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản chỉ còn chiếm 1,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (giảm 0,3% so với năm 2017).

Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên tăng qua các năm, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng từ 21 mặt hàng năm 2011 lên 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD năm 2018, trong đó, nhóm nông sản, thủy sản đóng góp 6 mặt hàng, nhóm hàng công nghiệp đóng góp 21 mặt hàng và nhóm nhiên liệu, khoáng sản đóng góp 2 mặt hàng.

Những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu tiếp tục là điện thoại và các loại linh kiện đạt 49,08 tỷ USD, tăng 8,4%; hàng dệt may đạt 30,49 tỷ USD, tăng 16,7%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 29,32 tỷ USD, tăng 12,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 16,55 tỷ USD, tăng 28,2%; giày dép các loại đạt 16,24 tỷ USD, tăng 10,6%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,91 tỷ USD, tăng 15,7%.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều thâm nhập được vào các thị trường lớn và có mức tăng trưởng xuất khẩu tốt. Bên cạnh thị trường truyền thống, hàng hóa Việt Nam đã từng bước thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu vào những thị trường “khó tính”, giúp sản phẩm gạo Việt Nam từng bước hiện diện trên khắp thế giới.

 

Bốn: Thị trường xuất khẩu được mở rộng, hàng hóa xuất khẩu của Việt nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới

Đáng chú ý, ở tất cả các thị trường mà Việt Nam có ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) đều ghi nhận mức tăng trưởng tốt, thị phần xuất khẩu tại các thị trường trọng điểm được khẳng định, cho thấy hiệu quả trong công tác khai thác cơ hội từ cam kết hội nhập.

Tăng trưởng xuất khẩu trên nhiều thị trường đạt mức hai con số như xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 41,2 tỷ USD, tăng 16,6% so với năm 2017; xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 24,74 tỷ USD, tăng 13,9%; xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 18,85 tỷ USD, tăng 11,8%; xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 18,2 tỷ USD, tăng 22,8%.

Châu Á vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam (xuất khẩu chiếm 54% và nhập khẩu chiếm 80,3%); tiếp theo là châu Mỹ (xuất khẩu chiếm 23,8% và nhập khẩu chiếm 8,6%); châu Âu (xuất khẩu chiếm 19%, trong đó EU-28 chiếm 17,2% và nhập khẩu chiếm 7,5%, trong đó EU-28 chiếm 5,9%); châu Đại Dương (xuất khẩu chiếm 2% và nhập khẩu chiếm 1,9%); và châu Phi (xuất khẩu chiếm 1,2% và nhập khẩu chiếm 1,7%).

 

Năm: Xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục tăng trưởng tốt

Tăng trưởng xuất khẩu đạt được không chỉ từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), mà trong năm 2018 khu vực doanh nghiệp trong nước đã có tăng trưởng mạnh.

Nếu như những năm trước đây, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn so với khối doanh nghiệp trong nước thì thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng của khối trong nước đã cao hơn khối FDI.

Năm 2018, khu vực trong nước xuất khẩu đạt 69,8 tỷ USD, tăng 16,9% so với năm 2017; cao hơn mức tăng 11,8% của xuất khẩu khối FDI (tính cả dầu thô).

 

Sáu: Công tác kiểm soát nhập khẩu đạt hiệu quả

Bộ Công Thương nhấn mạnh, nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu đã tăng trưởng chậm lại và nhập khẩu các mặt hàng cần thiết cho sản xuất, tiêu dùng trong nước cũng như các mặt hàng nhập khẩu phục vụ gia công, xuất khẩu đều tăng.

Nhập khẩu của nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu luôn chiếm gần 90%; nhập khẩu của nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu chỉ chiếm dưới 7%.

Năm 2019, ngành Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu 265 tỷ USD, tăng 8 - 10% so với năm 2018; nhập khẩu 268 tỷ USD, nhập siêu ước 3 tỷ USD, tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu tiếp tục duy trì ở mức dưới 2%.

Thy Thảo