6 việc lớn Bộ Công Thương sẽ tập trung thực hiện trong năm 2019

Để đạt được mục tiêu Quốc hội giao, đặc biệt là về tăng trưởng xuất khẩu đạt hay đảm bảo tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%, năm 2019, Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung đẩy mạnh 6 giải pháp chính.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Năm 2018, ngành Công Thương hoàn thành và vượt mức tất cả các chỉ tiêu của Quốc hội và Chính phủ giao. Đây là tiền đề để Bộ Công Thương tiếp tục phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu mà Quốc hội giao đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ trong năm 2019. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%.

Trả lời phóng viên Báo Hải quan, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Để đạt được các mục tiêu mà Quốc hội giao, Bộ Công Thương sẽ tập trung đẩy mạnh 6 định hướng, giải pháp lớn trong năm 2019 và các năm tiếp theo. 

Một là, tiếp tục bám sát diễn biến của thị trường để có các phương án sản xuất kinh doanh tối ưu nhằm đóng góp tốt hơn cho tăng trưởng GDP đối với các ngành công nghiệp; đẩy mạnh phát triển thị trường ngoài nước, khai thác tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và ứng phó một cách chủ động, có hiệu quả với các xu thế bảo hộ và hàng rào kỹ thuật ở các thị trường trên thế giới, tăng cường công tác xúc tiến thương mại; tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Hai là, đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu đi đôi với khai thác, phát huy vai trò thị trường trong nước; tạo thuận lợi thương mại kết hợp với ổn định tổ chức lực lượng quản lý thị trường trên phạm vi cả nước nhằm tăng cường quản lý, kiểm tra thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại,...; nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện các hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ kiểm tra chuyên ngành, đồng thời là hàng rào hiệu quả kiểm soát tốt chất lượng hàng hóa, thiết bị nhập khẩu; bảo đảm cân đối xuất, nhập khẩu; phấn đấu đạt tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 8,2% so với năm 2018, kiểm soát nhập siêu dưới 2% so với tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ba là, chú trọng nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, trong đó tập trung phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức về hội nhập quốc tế trong hệ thống chính trị, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội; thực hiện các biện pháp chính sách để phát huy, tận dụng các cơ hội phát triển và hạn chế tác động tiêu cực do mặt trái của hội nhập gây ra...

Bốn là, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và bảo vệ lợi ích của các ngành sản xuất trong nước; đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện cắt giảm các điều kiện kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục gia tăng sản lượng, giải phóng lực lượng sản xuất gắn liền với đổi mới cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh; quan tâm chỉ đạo chặt chẽ và hiệu quả hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật; tập trung rà soát, theo dõi và xử lý các vụ việc tập trung kinh tế, hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh bằng các công cụ pháp lý có hiệu lực, phù hợp với thực tiễn...

Năm là, đẩy mạnh kế hoạch cải cách hành chính, trong đó tập trung rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết hoặc phân cấp các thủ tục hành chính cho địa phương nếu có thể, hiện đại hóa hành chính, ứng dụng hệ thống quản lý công nghệ thông tin; công khai, minh bạch hoạt động cải cách hành chính, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước; đẩy nhanh việc ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết có hiệu lực; chú trọng sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với cam kết quốc tế.

Sáu là, tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, không để các vụ việc tồn đọng kéo dài; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền theo hướng công khai, minh bạch và hiệu quả...